Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô và bến xe đều gặp khó khăn, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Hiện các cơ quan chức năng cùng doanh nghiệp vận tải đang nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19, đưa hoạt động vận tải hành khách hoạt động trở lại, từng bước hồi phục sản xuất, kinh doanh.
Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô và bến xe đều gặp khó khăn, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Hiện các cơ quan chức năng cùng doanh nghiệp vận tải đang nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19, đưa hoạt động vận tải hành khách hoạt động trở lại, từng bước hồi phục sản xuất, kinh doanh.
Do nhu cầu đi lại giảm, nhiều xe khách, xe buýt chạy tuyến cố định, xe hợp đồng tại Bến xe Biên Hòa tạm dừng hoạt động. Ảnh: V.Nguyên |
[links()] * Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Bộ GT-VT vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Theo đó, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng về tổng thể, ngành GT-VT tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu vận tải với chất lượng ngày được cải thiện. Trong quý I-2020, tổng khối lượng vận chuyển và luân chuyển hàng hóa tăng khoảng 1,1% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng trưởng chậm trong 10 năm gần đây do các chuyên ngành đều bị ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19.
Với mục tiêu tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, Bộ GT-VT sẽ tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics; không thanh tra ngoài kế hoạch; rà soát, ban hành giảm phí, lệ phí đối với các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hoặc đề xuất phương án giảm phí, lệ phí và gửi về Bộ Tài chính; không điều chỉnh tăng giá đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất của doanh nghiệp.
Đẩy mạnh đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Để thực hiện được nhiệm vụ trên, Bộ GT-VT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét đề xuất giải pháp cho vay hỗ trợ lãi suất; giãn, lùi thời gian trả lãi, nợ gốc cho doanh nghiệp ngành GT-VT bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng đã đề nghị Bộ GT-VT cho các doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe ô tô được miễn phí bảo trì đường bộ đến hết tháng 12-2020; giảm 50% phí đăng kiểm xe cơ giới; điều chỉnh tăng thời hạn kiểm định ô tô chu kỳ đầu là 24 tháng và chu kỳ tiếp theo là 12 tháng (do thời gian nghỉ dịch phương tiện không hoạt động); không thu phí đậu, đỗ, đón khách tại sân bay, nhà ga, bến cảng và giảm 50% giá dịch vụ qua bến xe đối với xe khách; giảm 50% lệ phí đăng ký cho các xe đăng ký mới để kinh doanh vận tải đến
31-12-2021.
Bên cạnh đó, Bộ GT-VT cần thống nhất với các nhà đầu tư giảm phí BOT trong thời gian có dịch và xem xét chuyển khoản tiền người sử dụng đường bộ đã mua vé tháng cho ô tô qua trạm thu phí (nhưng do dịch bệnh nên không được hoạt động) sang tháng sau. Bởi nếu không được sự hỗ trợ cần thiết thì các doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải sẽ vô cùng khó khăn, khó phục hồi hoạt động.
* Cần thêm những giải pháp linh hoạt
Theo thống kê của Sở GT-VT, tổng số doanh nghiệp, HTX vận tải tham gia hoạt động vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh là 88 đơn vị với tổng số phương tiện gần 8,3 ngàn xe (bao gồm vận chuyển tuyến cố định nội tỉnh, liên tỉnh, xe taxi, xe buýt, xe hợp đồng du lịch, xe đưa đón học sinh, công nhân…).
Từ ngày 1-4, ngành GT-VT đã tạm dừng hoạt động vận chuyển khách 355 xe/223 tuyến cố định nội tỉnh, liên tỉnh. Từ ngày 23-4 đến nay, vận tải hành khách đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, tần suất hoạt động rất thấp nhằm đảm bảo các biện pháp phòng dịch Covid-19. Riêng đối với hoạt động các tuyến xe buýt, tiếp tục ngưng hoạt động 5 tuyến và giảm tần suất hoạt động 18 tuyến còn lại từ hơn 1,1 ngàn chuyến/ngày xuống 659 chuyến/ngày.
Phó giám đốc Sở GT-VT Dương Mạnh Hưng cho hay, nắm bắt được những khó khăn của doanh nghiệp vận tải trong giai đoạn này, để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, từng bước phục hồi hoạt động kinh doanh cho các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn, Sở đã đưa ra nhiều kịch bản, phương án linh hoạt. Sở GT-VT đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện kê khai, niêm yết giá cước vận chuyển hành khách với cơ quan chức năng theo hướng phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân.
Cụ thể, đối với kịch bản hoạt động vận tải tăng trưởng đạt thấp so với kế hoạch cần có chính sách miễn, giảm thuế cho các đơn vị vận tải hành khách, nhất là các HTX, hộ kinh doanh cá thể; ngân hàng thực hiện việc giãn nợ, gia hạn nợ và miễn, giảm lãi suất đầu tư phương tiện của các đơn vị vận tải hành khách như: xe buýt, xe taxi, tuyến cố định, xe hợp đồng đưa đón công nhân, học sinh.
Còn đối với kịch bản hoạt động vận tải không đạt kế hoạch cần đẩy nhanh việc giải ngân để thúc đẩy tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông theo kế hoạch đề ra để tạo động lực phục hồi kinh tế; thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ các doanh nghiệp đảm bảo tiền lương cho người lao động; có chính sách miễn, giảm thuế cho các đơn vị vận tải hành khách trong suốt cả năm 2020.
Đồng thời, Sở GT-VT cũng hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải và bến xe chủ động liên hệ, phối hợp với cơ quan thuế, tài chính địa phương và các cơ quan liên quan để đánh giá, thống kê thiệt hại, từ đó báo cáo đề xuất, kiến nghị Bộ GT-VT, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét triển khai các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực vận tải đường bộ bằng xe ô tô.
Võ Nguyên