Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhìn lại kỳ SEA Games lịch sử của thể thao Việt Nam (Bài 1)

08:05, 23/05/2023

Đoạt tổng cộng 359 huy chương, trong đó có 136 HCV, vượt chỉ tiêu 16 HCV và bỏ đoàn thứ nhì Thái Lan 28 HCV, thể thao Việt Nam (TTVN) đứng nhất toàn đoàn SEA Games 32.

Bài 1: Những “mỏ vàng” vẫn đảm bảo trữ lượng

Đoạt tổng cộng 359 huy chương, trong đó có 136 HCV, vượt chỉ tiêu 16 HCV và bỏ đoàn thứ nhì Thái Lan 28 HCV, thể thao Việt Nam (TTVN) đứng nhất toàn đoàn SEA Games 32.

Đặc biệt, đây là lần thứ 3, nhưng mới là lần đầu tiên chúng ta dẫn đầu một kỳ SEA Games bên ngoài lãnh thổ, điều mà trước Việt Nam chỉ có Indonesia và Thái Lan làm được.

Đó là sự tiến bộ vượt bậc nếu so với lần đầu tiên hội nhập trở lại đấu trường khu vực tại Kuala Lumpur 1989 mà TTVN chỉ có vỏn vẹn 3 HCV (đều ở môn bắn súng), chỉ xếp trên Brunei và Lào.

Đây có thể coi là bất ngờ bởi TTVN đến với Cambodia 2023 không phải với lực lượng đông đảo nhất và trong bối cảnh nhiều môn thế mạnh bị cắt bỏ. Tuy nhiên, những “mỏ vàng” vẫn giữ vững trữ lượng. Không kể môn lặn dẫn đầu với 14 HCV vì không phải là môn Olympic, vật vẫn vô đối khi mang về 13 ngôi vô địch nam, nữ. 2 môn thể thao cơ bản điền kinh, bơi lội dù không hoàn thành chỉ tiêu đề ra nhưng vẫn khẳng định vị thế hàng đầu khu vực. Môn “Nữ hoàng” giành 12 HCV (chỉ tiêu đặt ra là 14 HCV) và sau 3 kỳ SEA Games liêp tiếp đã bị Thái Lan đòi lại vị trí số 1, nhưng đây là điều nằm trong dự báo. Bởi chưa thi đấu, trên đất Chùa Tháp, điền kinh Việt Nam đã mất 4 HCV từng giành được ở SEA Games 31 bởi dính doping và kỳ đại hội này số nội dung thi đấu từ 45 rút xuống chỉ còn 40.

Không có Quách Thị Lan, không còn Nguyễn Văn Lai…, nhưng bù lại đã xuất hiện những nhân tố tương lai như chân chạy mới 18 tuổi Nhi Yến lần đầu tham dự SEA Games nội dung 100m đã đoạt HCĐ, rồi lớp kế cận mới ở cự ly 400m nữ hay tấm HCB môn ném tạ… Bơi chỉ giành 7/11 HCV ở kỳ SEA Games trước nhưng vẫn là số 2 Đông Nam Á, chỉ sau Singapore.

Bên cạnh những điểm sáng Huy Hoàng, Hưng Nguyên, Thanh Bảo (mỗi người 2 HCV cá nhân cùng 1 HCV tiếp sức 4x200m tự do nam), xuất hiện nữ kình ngư 14 tuổi Nguyễn Thúy Hiền, HCĐ 100m tự do nữ, được kỳ vọng sẽ nối bước cô gái vàng Nguyễn Thị Ánh Viên.

Cùng với vật, điền kinh, bơi lội, các môn nằm trong chương trình thi đấu Olympic, Asiad đã cùng đóng góp gần 50% ngôi vô địch: đấu kiếm, TDDC, cử tạ mỗi môn mang về 4 HCV.

“Ở mỗi kỳ SEA Games, các môn thi đấu thay đổi khoảng 30%, thậm chí 40-45%. Chính vì vậy, SEA Games không đánh giá đúng trình độ, thực lực của thể thao các nước” - ông NGUYỄN HỒNG MINH, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao, cựu trưởng đoàn TTVN cho hay.

Trong khi đó, các môn võ vẫn là thế mạnh khi mang về tổng cộng 49 HCV (judo 8, wushu 6; taekwondo, karatedo, pencak silat mỗi môn 4; kickboxing 4; boxing 2…). Đáng chú ý, nếu TTVN “nhường” vị trí số 1 ở môn võ “quốc hồn quốc túy” vovinam cho Campuchia (Việt Nam chỉ giành 7 HCV, Campuchia 10 HCV), thì ở 2 môn võ truyền thống của nước chủ nhà Kun Bokator và Kun Kh’mer đã thu lại 6 và 5 HCV.

Chính vì thế, dù chưa thi đấu đã mất khoảng 50 HCV do nhiều môn và nội dung thế mạnh bị cắt bỏ như: đua thuyền rowing và canoeing từng thống trị SEA Games 31 với 16 HCV, bắn súng (7 HCV), cờ vua (7 HCV), thể hình (5 HCV), dancesport (5 HCV), bóng ném (3 HCV)…; nhưng TTVN vẫn xuất sắc về đích, tạo nên một kỳ SEA Games lịch sử bên ngoài biên giới.

Có những tấm HCV bị mất đáng tiếc như bóng đá nam không thể lần thứ 2 bảo vệ được ngôi vô địch, Lý Hoàng Nam không giữ được HCV đơn nam quần vợt, nhưng bù lại bóng đá nữ lập kỷ lục tại SEA Games với lần thứ 8 và thứ 4 liên tiếp đăng quang, hay tấm HCV đầu tiên trong lịch sử của bóng rổ 3X3 nữ, golf, đồng đội nam kiếm liễu, chức vô địch bóng bàn đôi nam - nữ sau 26 năm chờ đợi…

Nếu coi SEA Games là bước đệm cho Asiad, Olympic thì chỉ sau đây đúng 4 tháng sẽ là Asian Games Hàng Châu (Trung Quốc). Tuy nhiên, từ khu vực, đường ra châu lục vẫn quá xa.

Trần Đỗ - Yên Chi

 

 

Tin xem nhiều