Cả 3 đại diện châu Á cùng Senegal lần lượt chia tay, những tưởng vòng 1/8 không còn bất ngờ thì Morocco lại tạo "cơn địa chấn" ở World Cup 2022.
Cả 3 đại diện châu Á cùng Senegal lần lượt chia tay, những tưởng vòng 1/8 không còn bất ngờ thì Morocco lại tạo “cơn địa chấn” ở World Cup 2022.
Sau hơn 120 phút để đối phương tha hồ tấn công, vờn bóng với hơn ngàn đường chuyền, trên chấm 11m luân lưu “Sư tử Atlas” đã “ngoạm cổ” “Bò tót” chỉ sau 3 loạt sút. Thêm một cú “ngựa về ngược”: về lịch sử Morocco có gần nửa thế kỷ là xứ bảo hộ của Tây Ban Nha (TBN); về địa lý nằm ở Tây Bắc châu Phi nhưng Morocco chỉ cách TBN 13km qua eo biển Gibraltar; về bóng đá La Roja dự 16/22 kỳ World Cup và là nhà vô địch 2010, đương kim đệ tam anh hào châu Âu, trong khi với Morocco đây mới là lần thứ 6 góp mặt và lần thứ 2 vào vòng 1/8.
Tuy nhiên, không như cuộc ngược dòng của Saudi Arabia trước Argentina và Nhật Bản trước Đức tại vòng bảng, “cơn địa chấn” duy nhất ở vòng 1/8 không gây quá sốc, có chăng là với người TBN. Không rút ra được điều gì sau trận thua ngược Nhật Bản, “Bò tót” dường như cũng quên rằng Atlas Lions đi tiếp với ngôi đầu bảng sau khi hòa với đương kim á quân Croatia và thắng đương kim hạng 3 Bỉ 2-0. Ngược về quá khứ, dù đến Mexico 1986 mới lần đầu tiên có mặt nhưng Morocco đã lập tức ghi tên vào lịch sử khi là đội tuyển châu Phi đầu tiên vượt qua vòng bảng, còn với ngôi đầu (hòa Ba Lan, Anh 0-0, thắng Bồ Đào Nha 3-1), chỉ dừng bước trước nhà á quân năm ấy là Tây Đức bởi bàn thua duy nhất từ Matthaus ở phút 88. Đó là tiền đề để 4 năm sau đó tại Italy 1990, Cameroon trở thành đội châu Phi đầu tiên vào tứ kết và bây giờ Morocco là đại diện thứ 4 của châu Phi làm được điều này (xen giữa là Senegal ở World Cup 2002 và Ghana tại Nam Phi 2010).
Đây thực sự là một kỳ tích nếu biết rằng suốt từ đầu năm đến nay, tuyển Morocco rơi vào những cuộc tranh cãi triền miên. Mâu thuẫn với HLV Halilhodzic, các ngôi sao, trong đó có Hakim Ziyech, tuyên bố rời đội tuyển. HLV 47 tuổi Regragui chưa từng có kinh nghiệm dẫn dắt một đội tuyển quốc gia chỉ mới có 2 tháng nhận nhiệm vụ trước ngày Qatar 2022 khai mạc, nhưng đã trở thành HLV người châu Phi đầu tiên có mặt ở tứ kết World Cup. Ông tiết lộ đã dành ra 4 ngày để xây dựng chiến thuật nhằm hạn chế tối đa bộ 3 tiền vệ Busquets, Pedri và Gavi của TBN. Gói gọn “chiến thuật” ấy chỉ là: TBN thích thì để cho họ giữ bóng, nhưng… không biết làm gì với nó. Morocco đã thành công khi kéo trận đấu đến loạt sút luân lưu và sau đó... tùy thuộc vào Thánh Allah: “Bò tót”… tự húc đầu vào tường, gãy sừng!
Sau TBN lại là một đối thủ bán đảo Iberia: Bồ Đào Nha, sư tử vùng Atlas sẽ viết nên lịch sử: đội tuyển châu Phi đầu tiên vào bán kết? Có thể lắm chứ, vì ở kỳ World Cup diễn ra trên đất Trung Đông này, Morocco là một sự pha trộn kỳ lạ. Họ như một đội tuyển châu Âu (nước da sáng màu, hầu hết cầu thủ sinh ra và đang chơi bóng ở khắp châu Âu (chỉ có 3 người từ trong nước), là đại diện châu Phi nhưng trong dòng máu là tinh thần, tín ngưỡng, tâm linh Ả-rập. Từ đầu thế kỷ thứ VIII, người Ả-rập đã chinh phục xứ sở Bắc Phi này và truyền bá Hồi giáo. Người dân Marocco chủ yếu là người Ả-rập và tiếng Ả-rập là một trong 2 ngôn ngữ chính. Thuộc Liên minh châu Phi nhưng Vương quốc Morocco cũng đồng thời là thành viên của Liên đoàn Ả-rập, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, nên “Sư tử Atlas” vừa là đại diện châu Phi, vừa của thế giới Ả-rập. Riêng ở Qatar, có ít nhất 15 ngàn người Marocco sinh sống, hợp cùng hàng chục ngàn người Ả-rập từ khắp nơi trên thế giới đổ về dự ngày hội World Cup đầu tiên do một quốc gia Ả-rập tổ chức, tạo nên bầu không khí áp đảo mọi đối thủ.
Câu chuyện “ngàn lẻ một đêm” vẫn chưa kết thúc.
Minh Chung