Báo Đồng Nai điện tử
En

2 thay đổi mang tính đột phá của bóng đá Việt Nam

05:06, 20/06/2022

Hội nghị BCH VFF khóa VIII lần thứ 10 thống nhất, dựa trên quyết định của AFC, các hệ thống giải vô địch quốc gia trực thuộc sẽ có sự thay đổi lớn kể từ mùa 2023-2024.

Tuần qua có 2 sự kiện mang tính định hướng tương lai của bóng đá Việt Nam (BĐVN). Hội nghị BCH VFF khóa VIII lần thứ 10 thống nhất, dựa trên quyết định của AFC, các hệ thống giải vô địch quốc gia trực thuộc sẽ có sự thay đổi lớn kể từ mùa 2023-2024. Theo đó, để đồng bộ hóa lịch thi đấu của châu Á và toàn cầu, mùa giải thay vì diễn ra trong 1 năm sẽ được vắt sang 2 năm, bắt đầu từ mùa thu và kết thúc vào mùa hè năm sau, giống như châu Âu.

Cụ thể, V.League 2023/24 sẽ khai mạc vào tháng 11-2023 và kết thúc vào cuối tháng 6-2024. V.League 2023 sẽ là bước đệm dự kiến diễn ra từ tháng 1 đến 30-8-2023 theo hình thức rút gọn, tương tự như V.League 2020 (sau giai đoạn 1 các đội tiến hành tách nhóm tranh chức vô địch và xác định 1 suất xuống hạng). Như vậy các CLB sẽ có 2 tháng chuẩn bị trước khi bước vào mùa giải mang tính cách mạng.

Tiếp đó là cuộc hội thảo khoa học với chủ đề Xây dựng thương hiệu đội tuyển bóng đá nam quốc gia Việt Nam. Thông tin được quan tâm nhất là Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ VH-TTDL và Tổng cục TDTT được giới thiệu tại hội thảo. Theo đó từ năm 2023 đến 2025, đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) phấn đấu vào tốp 8 châu Á, năm 2026 và 2030 tốp 7 châu Á và có mặt tham dự vòng chung kết (VCK) World Cup. Mục tiêu này cũng phù hợp với lộ trình khi BĐVN đã vào đến vòng loại cuối cùng World Cup 2022 và VCK World Cup 2026 tại Mexico, Mỹ, Canada sẽ mở rộng từ 32 lên 48 đội tham dự, trong đó châu Á có đến 8 suất.

***

2 sự kiện tưởng như riêng rẽ nhưng cùng liên quan mật thiết đến sự phát triển của BĐVN, nền bóng đá mà mới đây trong bài viết đề cập đến 24 đội giành vé tham dự Asian Cup 2023, AFC gọi là lá cờ đầu Đông Nam Á và thế lực mới châu Á. Trước mắt là việc thay đổi lịch đấu V.League và các giải chuyên nghiệp vắt qua 2 năm. Điều này mang đến cái lợi là giúp đồng bộ hóa lịch thi đấu (và cả thị trường chuyển nhượng cầu thủ quốc tế) giữa bóng đá trong nước với các giải của AFC, FIFA ở cả cấp CLB lẫn ĐTQG. Chắc chắn các giải của khu vực như AFF Cup, SEA Games cũng phải điều chỉnh thời gian tổ chức, sẽ hạn chế xung đột lợi ích giữa các CLB và ĐTQG như V.League 2022 mới đá 4 vòng phải nghỉ 4 tháng như vừa qua.

Nhưng điều này lại có thể gây ảnh hưởng đến mục tiêu tiếp theo là World Cup 2026 (sẽ bắt đầu đá vòng loại từ năm 2024) khi ĐTVN chỉ có thể tập trung vào những dịp FIFA days (các CLB có quyền từ chối nhả quân) trong khi chúng ta đã có thói quen tập trung dài ngày, ít nhất cũng phải 1 tháng trước các giải đấu lớn. Đây là điều trong bóng đá hiện đại ngày nay không đội tuyển nào làm như vậy (vì cũng chẳng thể có điều kiện) do cầu thủ Việt Nam lên tuyển HLV phải làm lại mọi khâu từ đầu, nhất là nền tảng thể lực. Do đó đồng bộ hóa lịch đấu với quốc tế, BĐVN cũng phải đồng bộ hóa khâu huấn luyện từ cấp CLB đến các đội tuyển.

Và cuối cùng, một băn khoăn là vị trí tốp 8 châu Á vào năm 2025. Vị trí ấy (hạng 72 thế giới) hiện đang do Iraq nắm giữ, còn Việt Nam là hạng 16 châu Á, 96 thế giới. Trên lý thuyết phải có một cuộc “đại nhảy vọt” để sau đây 3 năm, chúng ta phải cùng lúc qua mặt: Kyrgyzstan, Jordan, Bahrain, Syria, Uzbekistan, Trung Quốc và Oman (?).

Trần Đỗ

Tin xem nhiều