Sau mùa giải 2020 có lúc tưởng như không thể về đích, kết thúc lại nổ ra cơn khủng hoảng tài chính khiến CLB Than QN đứng bên bờ vực xóa sổ, đã có những bi quan về mùa giải mới 2021 khi nguy cơ dịch bệnh Covid-19 vẫn hiện hữu.
Sau mùa giải 2020 có lúc tưởng như không thể về đích, kết thúc lại nổ ra cơn khủng hoảng tài chính khiến CLB Than QN đứng bên bờ vực xóa sổ, đã có những bi quan về mùa giải mới 2021 khi nguy cơ dịch bệnh Covid-19 vẫn hiện hữu. Nhưng ngạc nhiên đến không ngờ, trong khi dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội, đặc biệt là nền kinh tế, V.League trở lại thời kỳ “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Chẳng những không teo tóp, thắt chặt hầu bao mà có đến 3/4 CLB quyết định “chơi lớn”.
“Bom tấn” Lee Nguyễn, mỗi trận ra sân bỏ túi tối thiểu hơn nửa tỷ đồng |
“Ông bầu” mới của CLB Thanh Hóa tuyên bố “không phải lo về tiền”, nhà tài trợ tân binh Bình Định cam kết 300 tỷ đồng cho 3 năm, Hải Phòng tăng ngân sách lên 50 tỷ đồng, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh lên 60-65 tỷ đồng, CLB Sài Gòn nhận được tài trợ hơn 100 tỷ đồng để J.League hóa, CLB TP.HCM thì khỏi nói…
Trong bối cảnh giao thương quốc tế “đóng băng” nhưng cả chục “bom tấn” nước ngoài vẫn tấp nập đến V.League. HLV có Kiatisak, Polking, Petrovic. Cầu thủ có Daisuke, Takasaki, Ryutato, Woo Sang-ho (Sài Gòn); Lee Nguyễn, Paulo, Silva (TP.HCM); Brandao (HAGL)… Thị trường chuyển nhượng giữa các CLB trong nước cũng vô cùng nhộn nhịp, mà những bản hợp đồng chục tỷ đồng có thể kể đến Bruno (đến Hà Nội), Pedro (Viettel), Rimario (Bình Định), Rafaelson (SHB.Đà Nẵng)…
Đã lâu rồi người ta mới chứng kiến nhiều đội bóng “chạy đua vũ trang” mang về những ngôi sao và V.League có nhiều cái tên đình đám như vậy. Với việc chắt lọc lại chỉ còn 6 đội mạnh nhất tranh chức vô địch ở giai đoạn 1 và có đến 8 đội đua đào thoát khỏi 1,5 suất xuống hạng, mùa giải mới càng hứa hẹn kịch tính.
V.League 2021 thực sự đáng được chờ đợi.
Trần Đỗ