Tại cuộc họp báo sau hội nghị tổng kết mùa giải chuyên nghiệp 2012, trả lời câu hỏi về số tiền 50 tỷ đồng từ “bản quyền truyền hình (BQTH) bóng đá” đã thu được bao nhiêu, Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng đã chính thức lên tiếng đính chính: “Xin được nói cho rõ, đây không phải là BQTH bóng đá mà là tiền hỗ trợ của các doanh nghiệp trong Hội đồng bảo trợ BĐVN”.
Tại cuộc họp báo sau hội nghị tổng kết mùa giải chuyên nghiệp 2012, trả lời câu hỏi về số tiền 50 tỷ đồng từ “bản quyền truyền hình (BQTH) bóng đá” đã thu được bao nhiêu, Chủ tịch VPF Võ Quốc Thắng đã chính thức lên tiếng đính chính: “Xin được nói cho rõ, đây không phải là BQTH bóng đá mà là tiền hỗ trợ của các doanh nghiệp trong Hội đồng bảo trợ BĐVN”. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu tổ chức này thừa nhận mùa giải 2012 không có chuyện VPF “bán” được BQTH bóng đá với giá 50 tỷ đồng; điều mà trước đây “bầu” Kiên luôn khẳng định.
Cần nhắc lại, sau khi được AVG chuyển giao, toàn bộ kế hoạch khai thác BQTH bóng đá “trăm tỷ” của VPF là đẻ ra cái gọi là “Hội đồng bảo trợ BĐVN” thông qua mối quan hệ cá nhân của các “ông bầu” trong VPF (nhưng cho đến nay “hội đồng” này vẫn chưa có cơ sở pháp lý nào thành lập, chưa hề ra mắt cũng như không ai biết hiện có còn tồn tại hay không). Theo đó, 10 doanh nghiệp trong “CLB 1 ngàn tỷ đồng” (trong đó có đến 6 ngân hàng - lĩnh vực hoạt động của “bầu” Kiên, gồm: BIDV, Techcombank, Sacombank, ACB, VPbank; Bản Việt; cùng 4 tập đoàn có máu mặt: Viettel, Vinamilk, Đạm Phú Mỹ và Hoàng Anh Gia Lai). Ở nửa mùa giải còn lại của năm 2012 mỗi thành viên đóng góp 5 tỷ đồng, tổng cộng là 50 tỷ đồng (năm 2013 được hứa hẹn tăng lên 7,5 tỷ đồng/doanh nghiệp và năm 2014 là 10 tỷ đồng). Đổi lại các đơn vị sẽ được dành cho thời lượng quảng cáo trên truyền hình trước, giữa và sau chương trình trực tiếp các trận đấu V-League.
Chỉ sau một đêm, BQTH bóng đa từ AVG vào tay VPF đã nâng giá trị lên gấp 5 lần (và 2 năm sau sẽ là 10 lần). Nhưng như chúng tôi đã từng phân tích, sự thật không phải là truyền hình mua bản quyền phát sóng BĐ từ VPF. Thực chất mối quan hệ giữa VPF với các đài truyền hình là đổi chương trình (các trận đấu) lấy spot quảng cáo (VPF phải tự kêu gọi, đi tìm nhưng vẫn phải “ăn chia” với nhà đài). Từ chỗ lẽ ra phải là người đi mua (thậm chí phải đấu giá rồi tìm cách khai thác phân phối, kinh doanh) thì đài truyền hình lại đóng vai trò trung gian, “bán sóng” cho VPF. BQTH, vốn là sản phẩm của “kinh tế thị trường”, nhưng với cách “mua bán” này là quay trở về thời “bao cấp”; dù thu được nhiều tiền hơn nhưng về mặt nào đó lại là bước thụt lùi của BĐ chuyên nghiệp VN trong lĩnh vực BQTH.
Nhưng vì sao đến bây giờ ông chủ tịch VPF mới lên tiếng giải thích, “nói lại cho rõ” điều đó? Phải chăng vì trước đây còn vị phó “bầu” Kiên ngồi đó nên ông không tiện phủ nhận, hay do trong tình hình khó khăn, rối ren hiện nay của nhiều thành viên trong “Hội đồng bảo trợ BĐ”, miếng bánh “BQTH” đã không còn dễ xơi như đã tưởng.
Mùa giải 2012 đã kết thúc được gần 2 tháng, nhưng VPF vẫn chưa thể công bố đã thực thu được bao nhiêu trong 50 tỷ đồng cam kết từ “BQTH”, xem ra hứa hẹn về con số “trăm tỷ” mùa tới là thiếu cơ sở (như giờ đây, ông Thắng thừa nhận đây là khoản “hỗ trợ” nên nó hoàn toàn có thể chấm dứt bất cứ lúc nào, chẳng ai cảnh nhà đang túng, rối như tơ vò lại bỏ cả chục tỷ đồng để “hỗ trợ” chuyện chẳng phải của mình).
Minh Chung