Theo Giám đốc Trung tâm chính sách đương đại, cuộc điều tra vụ rơi máy bay mang số hiệu MH17 vào năm 2014 tại miền Đông Ukraine cho thấy cuộc điều tra được thực hiện một cách "rất cẩu thả."
Theo Giám đốc Trung tâm chính sách đương đại, cuộc điều tra vụ rơi máy bay mang số hiệu MH17 vào năm 2014 tại miền Đông Ukraine cho thấy cuộc điều tra được thực hiện một cách "rất cẩu thả."
Hiện trường vụ rơi máy bay MH17 gần làng Hrabove, khu vực Donetsk, Ukraine, ngày 11-11-2014. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Theo Giám đốc Trung tâm chính sách đương đại Alexei Chesnakov, thông tin do Nhóm điều tra hỗn hợp quốc tế (JIT) công bố ngày 19/6 về vụ rơi máy bay mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysian Airlines vào năm 2014 tại miền Đông Ukraine cho thấy cuộc điều tra được thực hiện một cách "rất cẩu thả."
Trả lời phỏng vấn hãng tin TASS mới đây, Giám đốc Chesnakov cho rằng cuộc điều tra về vụ tai nạn máy bay Boeing "rất thiếu chuyên nghiệp."
Phía JIT nêu rõ đã có một cuộc trò chuyện qua điện thoại được ghi lại giữa nghi phạm làm rơi máy bay MH17 Igor Girkin với trợ lý Tổng thống Nga Vladislav Surkov, song ông Chesnakov cho rằng điều này hoàn toàn vô lý. Ông Chesnakov khẳng định ông Surkov chưa bao giờ có bất kỳ cuộc trò chuyện nào với ông Girkin, cả trực tiếp lẫn qua điện thoại.
Đoạn ghi âm trên phải được gửi tới một cơ quan phân tích độc lập và điều này sẽ giúp chứng minh nó không có tiếng nói của ông Surkov trong đó.
Chuyên gia chính trị Nga này cũng cung cấp thêm các bằng chứng chi tiết khác và kết luận rằng "Chi tiết nhỏ này tạo ra sự nghi ngờ đối với toàn bộ cuộc điều tra" cho thấy cuộc điều tra là "không chính xác hoặc cẩu thả."
Trước đó, trong một cuộc họp báo tại Hà Lan ngày 19/6, JIT thông báo truy tố ba công dân Nga và một công dân Ukraine với cáo buộc bắn rơi máy bay MH17. JIT nêu tên của bốn nghi can gồm Leonid Kharchenko người Ukraine, và ba người mang quốc tịch Nga là Oleg Pulatov, Igor Girkin và Sergey Dubinsky.
Vào thời điểm xảy ra vụ việc, ông Igor Girkin là Bộ trưởng Quốc phòng nước Cộng hòa Donetsk tự xưng, trong khi ông Sergey Dubinsky đứng đầu cơ quan tình báo quân đội (GRU) của Donetsk và hai nhân vật Kharchenko, Pulatov đều thuộc GRU.
[Vụ rơi máy bay MH17: Nga bác bỏ kết luận của Nhóm Điều tra quốc tế]
Phiên tòa xét xử bốn nghi can sẽ diễn ra tại một địa điểm được bảo vệ cẩn mật gần sân bay Schiphol ở thủ đô Amsterdam của Hà Lan vào ngày 9/3/2020.
Bộ Ngoại giao Nga sau đó đã ra tuyên bố bác bỏ kết luận của JIT về trách nhiệm của binh sỹ Nga trong vụ rơi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines năm 2014.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ việc JIT cáo buộc ba công dân Nga bắn rơi máy bay trên là hoàn toàn vô căn cứ. Bộ trên nhấn mạnh mục đích của JIT là nhằm gây tổn hại uy tín của Nga trong cộng đồng quốc tế.
Ngày 17/7/2014, chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH17 đang trên đường từ Amsterdam (Hà Lan) đến Kuala Lumpur (Malaysia) chở theo 298 hành khách và phi hành đoàn đã bị bắn rơi trên bầu trời miền Đông Ukraine.
Nhà chức trách Ukraine và nhiều quốc gia phương Tây cáo buộc Nga và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine đứng sau vụ việc này. Tuy nhiên, Moskva và những người đứng đầu lực lượng đòi độc lập ở Đông Ukraine bác bỏ mọi cáo buộc, khẳng định máy bay đã trúng một tên lửa bắn đi từ khu vực do quân đội Chính phủ Ukraine kiểm soát./.
(TTXVN/Vietnam+)