Báo Đồng Nai điện tử
En

Thời tiết cực đoan, thiên tai tại nhiều nước trên thế giới

03:07, 03/07/2017

Giới chức Pakistan ngày 2/7 thông báo ít nhất 11 người đã thiệt mạng, 3 người mất tích và 20 ngôi nhà đã bị phá hủy trong các trận lũ quét do mưa lớn hôm 30/6 vừa qua tại tỉnh Balochistan, miền Tây Nam nước này.

Giới chức Pakistan ngày 2/7 thông báo ít nhất 11 người đã thiệt mạng, 3 người mất tích và 20 ngôi nhà đã bị phá hủy trong các trận lũ quét do mưa lớn hôm 30/6 vừa qua tại tỉnh Balochistan, miền Tây Nam nước này. 
Cảnh ngập lụt do mưa lớn tại Quảng Tây, Trung Quốc ngày 2/7. (Nguồn: THX/TTXVN)
Cảnh ngập lụt do mưa lớn tại Quảng Tây, Trung Quốc ngày 2/7. (Nguồn: THX/TTXVN)
Thời tiết cực đoan những năm gần đây đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người và phá hủy một diện tích lớn đất canh tác. Trận lũ khủng khiếp nhất xảy ra hồi năm 2010 đã nhấn chìm 1/5 diện tích lãnh thổ của Pakistan, cướp đi sinh mạng của gần 2.000 người và đẩy 20 triệu người vào cảnh mất nhà cửa. 

Cùng ngày, giới chức Trung Quốc cho hay mưa lớn tiếp diễn từ hôm 1/7 đã khiến 7 người thiệt mạng và 3 người mất tích tại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. 

Mưa lớn tại 28 khu vực thuộc tỉnh Quảng Tây đã phá hủy hơn 6.100 ngôi nhà cùng hàng nghìn hecta hoa màu, gây ảnh hưởng tới cuộc sống của ít nhất 270.000 người và buộc hơn 23.000 người phải đi sơ tán.

Mưa lớn trong những ngày qua đã khiến mực nước tại hơn 60 con sông ở miền Nam Trung Quốc dâng cao lên mức báo động, gây nguy cơ lũ lụt, trong đó mực nước đoạn sông Tương, một nhánh sông Trường Giang ở thủ phủ tỉnh Hồ Nam đã vượt mức kỷ lục 39,18 mét ghi nhận trong trận lũ năm 1998. 

Chính phủ Trung Quốc yêu cầu các nhà chức trách địa phương nâng cao cảnh giác, tăng cường giám sát các hồ chứa, các trạm bơm nước để có phương án ứng phó kịp thời trong trường hợp khẩn cấp. 

Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc (NMC) dự báo mưa lớn sẽ tiếp diễn đến tối 3/7, với lượng mưa ước tính lên tới 110mm. 

Trong khi đó, người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã phải hứng chịu một đợt nắng nóng cuối tuần, với nhiệt độ ở mức cao kỷ lục tại phần lớn lãnh thổ của quốc gia này và xảy ra nhiều vụ cháy rừng ở khu vực ven biển Aegean. 

Hãng thông tấn Anadolu đưa tin thành phố nghỉ dưỡng Antalya, miền Tây Thổ Nhĩ Kỳ - một điểm đến hấp dẫn khách du lịch, đã chứng kiến nền nhiệt độ ngày 2/7 lên tới 45,4 độ C - mức cao nhất kể từ khi bắt đầu tiến hành đo nhiệt độ hàng ngày. 

Nhiệt độ tại thành phố Istanbul vào khoảng 39,2 độ C, gần đạt ngưỡng cao nhất từng ghi nhận tại đây. Nắng nóng khiến các đường phố trên toàn thành phố vắng bóng người. Nhiều cư dân lựa chọn tắm biển tại Bosphorus như một cách để giải nhiệt. 

Cơ quan khí tượng Thổ Nhĩ Kỳ cũng ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục ở ven biển Aegean. Nắng nóng khiến khoảng 500 hecta rừng tại Menderes thuộc tỉnh Izmir bốc cháy. 9 trực thăng và 4 máy bay đã được điều động để dập lửa. 

Các nhà khí tượng học lý giải hiện tượng tăng nhiệt nói trên là do tác động từ một rãnh thời tiết nóng từ Bắc Phi, song dự báo nền nhiệt sẽ giảm bớt trong tuần mới bắt đầu từ ngày 3/7. 

Quốc gia láng giềng Hy Lạp cũng chịu một đợt nắng nóng, với một số vùng ghi nhận mức nhiệt lên tới 43 độ C, trong đó có thủ đô Athens - nơi nồng độ ozone trong không khí ở mức rất cao. 

Tại Cộng hòa Cyprus, nhà chức trách đã ban bố cảnh báo màu cam khi nền nhiệt độ của quốc gia này ngày 2/7 tăng lên đến 45 độ C, một trong những mốc cao nhất trong vài thập kỷ trở lại đây, đồng thời là mức cao nhất trên toàn châu Âu và khu vực Trung Đông. 

Các thành phố biển ở Cyprus có nền nhiệt thông thường dao động trong khoảng 32 độ C, nhưng hôm 2/7 ghi nhận mức nhiệt lên tới 37-42 độ C. 

Các cơ sở y tế công của Cyprus khuyến cáo người dân không nên tắm nắng trong những ngày này. Trong khi đó, Cơ quan Khí tượng Cyprus dự báo nắng nóng sẽ còn tiếp diễn trong ngày 3/7 trước khi thời tiết dịu mát hơn vào ngày 4/7./.

(TTXVN/VIETNAM+)

Tin xem nhiều