Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều thách thức khi thông tuyến tỉnh điều trị nội trú bảo hiểm y tế

08:01, 17/01/2021

Sau hơn nửa tháng triển khai thông tuyến tỉnh điều trị nội trú đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, điều này mang lại nhiều quyền lợi cho người dân nhưng dự đoán, các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung. Ảnh: Hạnh Dung
Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung. Ảnh: Hạnh Dung

Sau hơn nửa tháng triển khai thông tuyến tỉnh điều trị nội trú đối với người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, điều này mang lại nhiều quyền lợi cho người dân nhưng dự đoán, các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

* Người dân được lợi

* Theo quy định về thông tuyến tỉnh điều trị nội trú BHYT, người dân sẽ được hưởng quyền lợi ra sao, thưa ông?

- Từ ngày 1-1-2021, người tham gia BHYT được quyền tự đi khám chữa bệnh ở bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh nào trên phạm vi toàn quốc, dù ở Hà Giang, Yên Bái, Cà Mau, Đồng Nai hay TP.HCM... và được chỉ định điều trị nội trú (nằm viện để điều trị) sẽ được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi mức hưởng. Có nghĩa là, dù nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu của người dân ghi trên thẻ BHYT là trạm y tế, trung tâm y tế, phòng khám đa khoa thì từ ngày 1-1-2021, người tham gia BHYT được quyền đến các bệnh viện tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước để khám, chữa bệnh. Và khi được chỉ định nằm viện để điều trị, người bệnh được BHYT thanh toán theo đúng mức hưởng quy định tại Khoản 1 Điều 22 Luật BHYT (80%, 95% hoặc 100%). Còn nếu người có thẻ BHYT ở các tuyến dưới đến các bệnh viện tuyến tỉnh để khám bệnh và lãnh thuốc về nhà uống (điều trị ngoại trú) thì không được hưởng chính sách thông tuyến tỉnh nội trú BHYT.

* Thưa ông, nếu người dân đi khám, chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến trung ương về được hưởng quyền lợi gì?

- Đối với các bệnh viện tuyến trung ương, nếu người bệnh đi khám, chữa bệnh trái tuyến thì chỉ được hưởng 40% của mức hưởng. Ví dụ bình thường, nếu người dân đi khám, chữa bệnh đúng tuyến sẽ được quỹ BHYT chi trả 80%, nhưng nếu người dân lên các bệnh viện tuyến trung ương để khám, chữa bệnh chỉ còn được quỹ BHYT chi trả 40% của 80% đó, tức là chỉ 32%. Những đối tượng thuộc diện được BHYT chi trả 100% thì được hưởng 40%. Những đối tượng đang được hưởng 95% thì sẽ được hưởng 38%...

Có một lưu ý khác đối với người dân được quỹ BHYT chi trả 95% hoặc 80% khi điều trị nội trú tuyến tỉnh là sẽ phải cùng chi trả 5% hoặc 20%.  Những người này sẽ không được hưởng chế độ không cùng chi trả mặc dù có thời gian tham gia BHYT liên tục 5 năm trở lên với số tiền cùng chi trả trong năm tài chính lớn hơn 6 tháng lương cơ sở. Trường hợp này thường xảy ra với những bệnh nhân thực hiện các phẫu thuật lớn như: mổ sọ não, điều trị ung thư, đặt stent mạch vành...

* Chỗ thừa vẫn thừa, chỗ thiếu vẫn thiếu

* Theo ông, chính sách này gây áp lực như thế nào cho các bệnh viện tuyến tỉnh?

- Theo dự báo, sẽ có nhiều bệnh nhân có thẻ BHYT mà nơi khám, chữa bệnh ban đầu là các cơ sở y tế tuyến dưới chuyển lên điều trị nội trú ở các bệnh viện tuyến tỉnh thay vì điều trị ở các bệnh viện tuyến huyện như trước kia, đặc biệt là những bệnh liên quan đến ngoại khoa và sản khoa. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này, như uy tín, thương hiệu của các bệnh viện tuyến tỉnh thường tạo sự an tâm hơn cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, nhiều người dân mua thẻ BHYT ở nơi làm việc nhưng nơi cư trú lại ở gần các bệnh viện tuyến tỉnh nên họ sẽ lựa chọn về bệnh viện gần nhà để điều trị cho thuận tiện trong việc chăm sóc, đi lại.

Điều này sẽ tạo gánh nặng cho các bệnh viện tuyến tỉnh, dẫn đến quá tải, ảnh hưởng đến các vấn đề về chăm sóc, chuyên môn. Mặt khác, đến thời điểm này, ngành Y tế cũng chưa biết tình hình giao dự toán BHYT năm 2021 như thế nào. Nếu vẫn giao dự toán BHYT như mọi năm, cộng với việc phát sinh dịch bệnh Covid-19 thì các bệnh viện sẽ hoàn toàn không chủ động được về nguồn kinh phí để phục vụ việc khám, chữa bệnh cho bệnh nhân.

Bệnh nhân điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Ảnh: Hạnh Dung
Bệnh nhân điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Ảnh: Hạnh Dung

* Vậy các bệnh viện tuyến huyện cũng sẽ “đau đầu” vì “mất” một lượng lớn bệnh nhân, thưa ông?

- Đến nay, nhiều bệnh viện hạng 2, hạng 3, trung tâm y tế trong tỉnh đã có sự đầu tư khá bài bản về nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất, triển khai được nhiều kỹ thuật cao về điều trị nội trú như: mổ nội soi, mổ bắt con, mổ sọ não, lọc thận...  có thể đáp ứng được yêu cầu chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân không chấp nhận điều trị ở các bệnh viện tuyến huyện mà chuyển lên các bệnh viện tuyến tỉnh để điều trị nội trú sẽ gây lãng phí về nguồn tài nguyên mà các bệnh viện tuyến huyện đã đầu tư. Đồng thời, cũng mất đi nguồn thu của đơn vị, giảm tải, dẫn đến hoạt động dưới năng suất và không hiệu quả. Dần dần sẽ thiếu hụt về kinh phí, khó khăn trong phát triển và tồn tại.

Có thể nói, chính sách thông tuyến tỉnh BHYT điều trị nội trú sẽ tăng tính cạnh tranh, chủ động cho các cơ sở y tế nhưng việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, cải thiện tinh thần, thái độ phục vụ của nhân viên y tế... để thu hút người bệnh cần một quá trình và có mối liên hệ nhân quả với nhau. Với những đơn vị yếu thế sẽ rất khó khăn trong duy trì hoạt động và tồn tại.

* Vậy, các đơn vị phải làm gì trước thách thức này, thưa ông?

- Bản thân mỗi bệnh viện, cơ sở y tế dù ở tuyến nào cũng phải không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để tạo sự tin tưởng cho người dân.

Thực tế ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới cho thấy, họ có những chính sách giúp người dân không cần phải chuyển lên các bệnh viện tuyến trên để điều trị mà vẫn được hưởng đầy đủ chế độ thuốc men như các bệnh viện tuyến trên.

Cụ thể như mô hình ở Đài Loan (Trung Quốc) không có bệnh viện công lập, chỉ có bệnh viện tư nhân. Các bệnh viện tự chủ hoàn toàn về tài chính. BHYT thì thống nhất trong toàn quốc, từ Bắc đến Nam, thuốc men cũng đồng giá nên người dân đi khám, chữa bệnh dù ở phòng khám gia đình hay bệnh viện cũng đều lãnh thuốc với các tiêu chuẩn giống hệt nhau. Tuy nhiên, họ có thêm một cơ chế tài chính là nếu người dân khám bệnh với bác sĩ gia đình thì chỉ đóng một nửa hoặc 1/3 số tiền phải đóng thêm khi đi khám, chữa bệnh ở bệnh viện tuyến trên. Bệnh nhân có thể sử dụng toa thuốc của tuyến trên về tuyến dưới để lãnh thuốc hoặc ở bất kỳ nhà thuốc nào. Điều này rất thuận tiện cho người dân.

* Xin cảm ơn ông!

Hạnh Dung (thực hiện)

Tin xem nhiều