Tận tụy trong công việc, yêu thương bệnh nhân, khiêm tốn với đồng nghiệp và đôn hậu trong cuộc sống, Thầy thuốc ưu tú, BS.CKI Phạm Quang Huy, Trưởng khoa tim mạch can thiệp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất là một thầy thuốc đáng kính cả về nhân cách lẫn chuyên môn.
Tận tụy trong công việc, yêu thương bệnh nhân, khiêm tốn với đồng nghiệp và đôn hậu trong cuộc sống, Thầy thuốc ưu tú, BS.CKI Phạm Quang Huy, Trưởng khoa tim mạch can thiệp Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, là một thầy thuốc đáng kính cả về nhân cách lẫn chuyên môn.
Hơn 35 năm trong nghề, ông luôn cố gắng làm tròn bổn phận của người thầy thuốc - y đức quan trọng và giản dị nhất.
Không thể dừng học hỏi, nghiên cứu
* Trung tâm tim mạch can thiệp mới đi vào hoạt động và được Bệnh viện Chợ Rẫy đánh giá rất cao về hiệu quả. Được xem là “trụ cột” của trung tâm, ông suy nghĩ gì qua đánh giá này?
- Tôi không dám nhận mình là “trụ cột” của trung tâm, mà chỉ là người anh đi trước dẫn dắt các thế hệ sau. Được Bệnh viện Chợ Rẫy chọn làm bệnh viện vệ tinh về chuyên khoa tim mạch là một vinh dự lớn cho Bệnh viện đa khoa Thống Nhất. Cơ hội đó giúp bệnh viện có điều kiện phát triển một chuyên khoa quan trọng, có điều kiện tiếp cận và mang kỹ thuật cao về điều trị cho người dân địa phương. 10 năm trước, mỗi năm Đồng Nai phải chuyển từ 400-500 ca bệnh tim mạch về TP. Hồ Chí Minh chữa bệnh.
Riêng tại bệnh viện, mỗi năm cũng có khoảng 200 ca nặng phải chuyển viện vì vượt quá tầm chuyên môn. Trong quá trình chuyển viện, nhiều bệnh nhân đã không qua khỏi hoặc mang di chứng nặng nề vì không tận dụng được “thời gian vàng” - mà trong bệnh lý tim mạch, sự sống được tính bằng giây. 10 năm “thai nghén” và sau 1 năm hoạt động, đã có 400 ca bệnh lý tim mạch được điều trị với tỷ lệ thành công đến 95%. Số ca chuyển viện giảm từ 47,4% xuống còn 4,04%. Điều này, với riêng tôi thật ngoạn mục.
Sắp tới, trung tâm sẽ triển khai nhiều kỹ thuật tim mạch khác, như: chụp và can thiệp động mạch vành qua da, chụp và can thiệp mạch máu ngoại biên, thông tim can thiệp bệnh tim bẩm sinh qua da và nong van 2 lá bằng bóng qua da… Những kỹ thuật này rất hiếm có ở một bệnh viện tuyến tỉnh.
* Có một thực tế, nhiều nghiên cứu khoa học sau khi nghiệm thu thì… xếp xó. Là người có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được ứng dụng rất hiệu quả trong điều trị, ông có thấy tiếc không?
- Đó từng là một thực tế buồn trong hoạt động nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Song, y khoa là một ngành khoa học, cơ thể con người là một bí ẩn. Cuộc sống, dưới tác động của ô nhiễm môi trường và những biến đổi của tự nhiên, ngày càng xuất hiện những bệnh lạ... Vì thế, giới khoa học ngành y luôn “bận rộn” để mở những cánh cửa ấy. Người thầy thuốc dù là giáo sư, tiến sĩ, là chuyên khoa cấp I, cấp II cũng không thể nói “tôi học thế đã đủ rồi”. Nếu thầy thuốc nào “dừng” việc học hỏi, tìm tòi, nghiên cứu, người đó sẽ trở thành tội đồ.
“Trong số những bác sĩ về bệnh viện để được đào tạo bệnh lý tim mạch, bác sĩ Huy là một người rất có tài. Riêng về nhân cách, anh Huy là một người trên cả tuyệt vời” - PGS.TS.BS Võ Thành Nhân, Trưởng khoa tim mạch can thiệp Bệnh viện Chợ Rẫy, nói. |
* Là bác sĩ nội khoa, nhưng ông lại thành thạo cả chuyên môn nội, ngoại, sản, nhi… Động lực nào khiến ông làm được điều này?
- Ra trường, tôi về làm việc tại Bệnh viện Tây Ninh trong điều kiện thiếu bác sĩ, thiếu trang thiết bị, thuốc men; người bệnh lại nghèo, cho chuyển lên bệnh viện TP.Hồ Chí Minh là khóc ròng xin ở lại... đã buộc tôi phải suy nghĩ, học hỏi, nghiên cứu các ca bệnh ở các chuyên khoa để cứu sống bệnh nhân. Bất đắc dĩ nhưng hóa ra lại hay. Đấy chính là cơ hội để tôi trải nghiệm thực tế ở tất cả các chuyên khoa… Khi ở vào hoàn cảnh ấy, chắc thầy thuốc nào cũng làm như tôi thôi. Tôi nhớ, khoảng những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, khi chưa có siêu âm, việc chẩn đoán bệnh viêm màng ngoài tim rất khó, dễ nhầm với suy tim dẫn đến điều trị rất khó khăn. Tôi lao vào nghiên cứu ngày đêm để phân biệt được 2 bệnh lý trên. Cuối cùng, qua khảo sát chất dịch tràn ngoài màng tim, tôi đã phân biệt được và điều trị thành công cho nhiều trường hợp bệnh nhân viêm màng tim, mà trước đó được chẩn đoán nhầm là suy tim...
Không thể làm ngơ bệnh nhân
* Ngành y là một ngành nhạy cảm và bác sĩ thường chịu nhiều áp lực. Có phải vì thế mà bác sĩ dễ “vô cảm” với nỗi đau của người bệnh - như người dân vẫn than phiền?
- Nghề nào cũng có áp lực nghề đó. Nhưng áp lực của nghề y rất khác vì luôn phải “chạm” đến sự đớn đau, còn - mất của người bệnh và thân nhân của họ. Bác sĩ cũng là con người, cũng có những vấn đề của riêng họ. Có thể do áp lực, trong một lúc nào đó bác sĩ cũng có lời nói, hành động thiếu thiện cảm. Nhưng để cứu người, họ sẵn sàng đứng cả chục giờ đồng hồ, không ăn, không nghỉ, căng não ra trong một ca phẫu thuật để giành giật sự sống cho bệnh nhân. Vậy nên đánh giá bác sĩ thế nào? Đã có nhiều trường hợp người thân bệnh nhân phản ứng gay gắt khi các bác sĩ tập trung cấp cứu một ca vào sau ca người thân của họ. Họ bức xúc và cho rằng bác sĩ “bỏ rơi” người nhà của họ để cứu ca sau, chắc là có… phong bì. Nhưng bằng con mắt nghề nghiệp, chúng tôi tiên lượng được ca vào sau dù không máu me nhưng có tổn thương nặng. Họ có thể chết hoặc mang di chứng suốt đời nếu không được cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên, để không bị coi là “vô cảm”, tôi vẫn khuyên các bác sĩ trẻ, trong những trường hợp ấy nên giải thích với người nhà về tình trạng thương tích của bệnh nhân. Khi hiểu, họ sẽ yên tâm. Còn cứ để mặc bệnh nhân nằm đó, hoặc khám xong bác sĩ cứ lừ lừ quay đi, không nói không rằng, người dân sẽ bức xúc.
Bác sĩ Phạm Quang Huy (bìa phải) đang theo dõi ca bệnh sau can thiệp mạch vành. |
* Trong gần 40 năm làm nghề, điều gì khiến ông nhớ mãi?
- Là người luôn hướng về phía trước nên tôi thường bỏ sau lưng những gì mình làm được hôm qua. Tuy nhiên, tôi cũng muốn nhắc lại một kỷ niệm cũ. Khoảng những năm 80 của thế kỷ 20, khi tôi mới về Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, dịch sốt xuất huyết lúc ấy đang bùng phát dữ dội. Những chai dịch truyền đa điện giải chống toan Lactate Ringer rất hiếm và đắt đỏ, chỉ những người giàu mới có tiền mua. Từ manh mối biết một bác sĩ ở Bệnh viện An Bình có công thức chế loại dịch truyền tương tự như Lactate Ringer, có tên là AlkelectaB, tôi dẫn một đoàn bác sĩ, kỹ thuật viên, dược sĩ của bệnh viện khăn gói về Bệnh viện An Bình học tập. Sau những ngày hì hục chuẩn bị, thực hiện và chờ đợi trong thao thức, chúng tôi đã pha chế thành công 192 lít dung dịch AlkelectaB. Hàng trăm bệnh nhân nghèo, sốt xuất huyết nặng được cứu sống. Điều ấy khiến tôi nhớ mãi.
Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất: “Bác sĩ Huy là một người anh, một người thầy, một đồng nghiệp rất đáng kính của tôi và nhiều thế hệ bác sĩ trong bệnh viện. Ông luôn sống đúng với trách nhiệm của một thầy thuốc. Dù đã về hưu, nhưng ông vẫn được trọng dụng tại bệnh viện, bởi bệnh viện không thể thiếu ông”. |
* Một đời sống và cống hiến chỉ gói gọn trong hai từ giản đơn… “bổn phận”. Vì sao ông lại hay nhắc đến hai chữ này vậy?
- Cha tôi là con một, tôi cũng là con một. Có một thời gian, cả ông nội và cha tôi bị tai biến, vì thế bổn phận của tôi rất nặng nề. Tôi theo đạo Công giáo và quan niệm chu toàn giáo lý đạo giáo chính là chu toàn bổn phận làm người. Tôi thực hiện bổn phận trong mọi việc của đời mình. Trong gia đình, tôi cố gắng làm tròn bổn phận của người con đối với cha mẹ; làm tròn bổn phận của người làm chồng, làm người cha gương mẫu của các con. Với người bệnh, tôi làm tròn bổn phận của người thầy thuốc. Làm tròn bổn phận, tôi thấy mình thanh thản. Các con tôi học được cách sống bổn phận của tôi, nên cũng rất trách nhiệm với gia đình và cuộc đời. Thú thực, tôi là người không hám danh, cũng chẳng ham lợi. Cuộc sống của gia đình tôi rất giản dị. Tôi sẵn sàng chia sẻ những gì trời đã ban cho tôi.
* Xin cảm ơn ông!
Phương Liễu (thực hiện)