Trong năm 2013, các tỉnh miền Đông Nam bộ đã có nhiều cách làm khuyến học, khuyến tài mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thực hiện đề án đổi mới toàn diện GD-ĐT. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Thanh Phong, Phó chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam về vấn đề này.
Trong năm 2013, các tỉnh miền Đông Nam bộ đã có nhiều cách làm khuyến học, khuyến tài mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thực hiện đề án đổi mới toàn diện GD-ĐT. Phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Thanh Phong, Phó chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam về vấn đề này.
Xin ông cho biết công tác xây dựng, phát triển tổ chức Hội của 8 tỉnh miền Đông Nam bộ trong năm 2013?
- Tổng số hội viên của 8 tỉnh miền Đông Nam bộ hiện nay lên tới 2 triệu người, tăng 340 ngàn hội viên trong năm 2013. Trong đó, tỉnh Tây Ninh có 30% tổng số dân tham gia hoạt động tại các cấp Hội. Hầu hết các xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp đều có Hội Khuyến học. Chất lượng hội viên ngày càng được củng cố, kiện toàn và nâng cao. Hội viên không chỉ làm tốt nhiệm vụ với gia đình hiếu học, vận động tiền ủng hộ Hội, giúp đỡ học sinh khó khăn, mà còn cùng cộng đồng chung tay xây dựng xã hội học tập. Đặc biệt, số lượng đảng viên tham gia tổ chức hội ngày càng tăng, chiếm khoảng 70- 80%.
Theo ông, những kinh nghiệm, cách làm khuyến học nào của các tỉnh miền Đông Nam bộ cần được nhân rộng ra cả nước?
- Mỗi tỉnh miền Đông Nam bộ có một cách làm khuyến học hiệu quả khác nhau. Trong đó, Đồng Nai đã thực hiện rất tốt chương trình “Đào tạo, phát triển tài năng trẻ”, tạo điều kiện để các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ, giúp đỡ các em sinh viên nghèo, học giỏi yên tâm học tập và sau đó trở về công tác tại cơ quan đã đỡ đầu. Chương trình “Tiếp sức học sinh khuyết tật”, trao đổi kinh nghiệm về công tác khuyến học giữa các tổ chức tôn giáo trong tỉnh cũng đem lại hiệu ứng tích cực.
Tỉnh Long An đã thành lập được ban tuyên truyền của Tỉnh hội nhằm tuyên truyền sâu rộng các chủ trương khuyến học, khuyến tài tới đông đảo nhân dân; xây dựng nhiều quỹ học bổng mang tên các danh nhân, có nguồn quỹ khuyến học lớn mạnh. Các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục, vận động người dân hiến đất xây trường, sửa chữa phòng học, xây dựng nhà ở cho giáo viên, học sinh với số tiền lên tới gần 100 tỷ đồng.
TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu về gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, khu dân cư khuyến học, tạo được sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân. Các cấp hội đã vận động được 1 tỷ đồng để xây dựng trường tiểu học trên đảo Sinh Tồn hưởng ứng chương trình Vì học sinh Trường Sa thân yêu; trao tặng nhiều học bổng, nhân rộng các điển hình gương sáng học đường…
Ông đánh giá như thế nào về vai trò của khuyến học, khuyến tài trong việc thực hiện đề án đổi mới toàn diện GD-ĐT?
- Công tác khuyến học góp phần định hình cho Nghị quyết Trung ương 8 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Đề án này thể hiện ở 2 mảng: giáo dục trong hệ thống chính quy nhà trường và giáo dục cộng đồng. Hội Khuyến học đóng góp rất lớn trong việc hình thành các trung tâm học tập cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn tạo cơ hội, môi trường để mọi tầng lớp nhân dân được tiếp thu, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm liên quan đến đời sống, sản xuất... Các trung tâm văn hóa học tập cộng đồng và các gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học là 2 thiết chế của xã hội học tập mà các tỉnh thuộc cụm miền Đông đã thực hiện rất tốt.
Những khó khăn, hạn chế trong công tác khuyến học, khuyến tài cần phải khắc phục trong thời gian tới là gì, thưa ông?
- Trung ương Hội và ngành GD-ĐT cần phải có sự chỉ đạo nhất quán từ Trung ương đến các địa phương. Lãnh đạo các cấp cần có những chế độ, chính sách, phụ cấp hợp lý đối với những cán bộ hoạt động tại cấp cơ sở, qua đó nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Hội cơ sở, hướng các hoạt động khuyến học về cơ sở đạt hiệu quả thực chất, tránh chạy theo phong trào, thành tích; xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học lớn mạnh về số lượng, chất lượng, hướng tới xã hội học tập trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!
Hạnh Dung (thực hiện)