Báo Đồng Nai điện tử
En

Qua những mùa xuân định cư

10:01, 16/01/2017

Thêm một mùa xuân lại về, làng Chơro của già Nguyễn Văn Hoàng (ấp Nhân Hòa, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom) lại chộn rộn đón xuân mới.

Thêm một mùa xuân lại về, làng Chơro của già Nguyễn Văn Hoàng (ấp Nhân Hòa, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom) lại chộn rộn đón xuân mới. Qua 38 mùa xuân định cư nơi suối Rết, dân làng Chơro của già Hoàng giờ đã ấm no. Già Hoàng khoe, người có tuổi trong làng thì ở nhà làm ruộng, chăm con bò, con dê; còn lớp trẻ đi làm công ty nên chẳng sợ đói nghèo.

Già làng Nguyễn Văn Hoàng (giữa) nhận quà tết do Ban Dân tộc tỉnh tặng. Ảnh: Đ. Phú
Già làng Nguyễn Văn Hoàng (giữa) nhận quà tết do Ban Dân tộc tỉnh tặng. Ảnh: Đ. Phú

Con suối Rết mà già Hoàng chọn làm chỗ cho dân làng định cư bao năm nay luôn tưới mát cho ruộng lúa, vườn tiêu; tắm mát cho con dê, con bò. Từ 7 hộ gia đình Chơro ở ấp Bàu Cá còn lại sau chiến tranh, đến nay dân làng Chơro của già Hoàng đã tăng lên 30 hộ, với trên 100 nhân khẩu.

Chữ hiếu với mẹ

66 tuổi đời, 36 tuổi Đảng, già Nguyễn Văn Hoàng mãi là niềm tin là “dòng nước mát” của đồng bào Chơro nơi con suối Rết. Già Hoàng khoe lớp trẻ bây giờ thông minh, giỏi giang hơn lớp người già rất nhiều. Nhờ lớp trẻ giỏi giang này, làng Chơro của già sẽ khá hơn, đẹp hơn nữa theo từng mùa xuân.

Cuối năm, trời bừng nắng ấm, con suối Rết chạy ngang qua nhà già Hoàng dồi dào nước hơn mọi năm.

Già Hoàng kể, ngày xưa dân làng Chơro của già rất đông, chọn vùng rừng già ấp Bàu Cá để định cư (trước năm 1975 thuộc Hội đồng xã Trảng Bom). Do chiến tranh loạn lạc, dân trong làng phải tản mác khắp nơi nên trong làng Bàu Cá chỉ còn 7 hộ bám trụ. Cuộc sống của 7 hộ gia đình Chơro trong làng lúc đó rất khó khăn nhưng vẫn bám làng, che giấu bộ đội địa phương. Căm thù thằng giặc giết cha, giết anh, già Hoàng theo bộ đội địa phương kháng chiến. Năm 1970, tại rừng già Bàu Cá, già Hoàng được kết nạp Đảng.

Sau năm 1975, già Hoàng rời làng, xa mẹ già lên huyện làm công an. Một lần về thăm làng, thăm mẹ, già Hoàng ứa nước mắt khi thấy mẹ già hiu quạnh một mình nơi chòi tranh giã từng nhúm gạo trong cái ca sắt. Thương mẹ, thương dân làng trong cảnh thiếu ăn, thiếu mặc, già Hoàng xin đơn vị cho về làng để làm tròn chữ hiếu với mẹ già và bày cách cho dân làng làm ăn.

Năm 1978, già Hoàng đưa dân làng về Bàu Tròn (xã Cây Gáo) phát quang rừng già làm rẫy. Được 1 năm thì Lâm trường Bàu Xéo thu hồi đất trồng rừng, già quyết định đưa dân về vùng đất suối Rết khai hoang. Tại đây, già dạy dân làng cách làm ruộng lúa nước 2 vụ để giải quyết cái đói.

Từ những vụ lúa nước, kết hợp với làm rẫy thuê và chính sách định canh, định cư của Nhà nước, 7 hộ dân Chơro của già Hoàng dần ổn định cuộc sống. Khi cuộc sống dân làng qua cơn đói kém, già Hoàng càng có thêm niềm tin khi bày cho đồng bào Chơro cách tích lũy, học người Kinh và đồng bào Hoa nuôi thêm con heo, con gà trong vườn để khi cần thì bán lấy tiền mua gạo và thức ăn nhằm giảm bớt tình trạng bán nông sản non.

Cái kiểu bán nông sản non lợi trước mắt, hại lâu dài buộc già Hoàng phải tuyên truyền cặn kẽ cho dân trong làng hiểu. Già Hoàng ví von, khi kẹt tiền bà con bán con gà, nhưng người ta chỉ trả tiền con gà bằng giá cái trứng hoặc cây lúa vừa cấy xuống ruộng nên đồng bào mình cứ nghèo mãi. Vì vậy, già Hoàng kiên trì khuyên đồng bào siêng năng đi làm, chi tiêu tiết kiệm, làm được nhiều tiền phải biết để dành phòng lúc thất nghiệp, tháng giáp hạt. Riêng cánh đàn ông thì bớt nhậu nhẹt, phụ nữ sinh đẻ ít lại để bọn trẻ được no, có áo quần mới để mặc đi học. Còn già thì lấy vợ, sinh con để cho mẹ già vui, có người sớm tối chăm lo.

Qua những mùa Xuân

Tại chân ruộng lúa vừa thu hoạch xong, người cao tuổi Thị Bèo cho biết, thêm 1 năm nữa rẫy vườn của đồng bào Chơro ấp Nhân Hòa trúng mùa lúa, bắp, tiêu, trâu, bò, dê no cỏ chóng lớn nên ai cũng vui. Đồng bào Chơro có được như ngày hôm nay là nhờ được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm đầu tư rất nhiều thứ, như: điện, đường, trường, nhà ở, bò và dê... Ngoài ra, đồng bào còn được các đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức dạy nghề, giới thiệu đi làm công nhân tại các khu công nghiệp. “Theo từng mùa rẫy, đời sống đồng bào mình trong khu định canh, định cư từng bước no ấm” - bà Thị Bèo nở nụ cười hiền hậu nói.

Còn ông Hồ Văn Cát tâm sự, từ khi đồng bào Chơro theo già Hoàng dời làng về suối Rết định canh, định cư, cái bụng của mọi người không còn bị đói như thời ở làng cũ. Nơi làng mới, đồng bào có ruộng để cấy lúa, có dê và bò để nuôi, nhà xây để ở, nước sạch sinh hoạt. Con em trong làng tới tuổi đi học đều được đến trường, lớn lên thì đi làm công nhân, chứ không như người già ở nhà làm ruộng, chăn nuôi. Điều ông Cát vui nhất là 30 hộ Chơro trong làng ai cũng đủ ăn, đủ mặc. Người khôn ngoan, giỏi giang thì khá hơn, có nhà to, nhiều đất, bò, dê hơn.

Bên con đường bê tông dẫn vào làng, già Hoàng cho hay bên cạnh chăm lo về vật chất, chính quyền địa phương rất quan tâm đến đời sống tinh thần cho bà con trong làng. Nhờ vậy, từ chỗ dân làng không biết chữ, nếp sống lạc hậu, hiện trong làng có 2 đảng viên, 1 giáo viên. Bản thân già thường xuyên được chính quyền địa phương mời dự các cuộc họp, các lớp tập huấn để về phổ biến lại cho dân làng. “Mỗi mùa xuân về, làng Chơro của mình lại khá thêm một tí. Nhìn lại 38 năm dời làng về suối Rết định canh, định cư, dân làng của mình đông hơn, khá hơn trước thấy rõ” - già Hoàng bộc bạch.

Mùa xuân đang đến gần, già Hoàng vui mừng hơn khi ấp Nhân Hòa, nơi làng định cư quyết tâm nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. Như vậy, đường sá trong làng sớm muộn gì cũng được bê tông nhằm giải quyết dứt điểm cảnh lầy lội, bụi bặm.

Già Hoàng bộc bạch, nhìn lại cuộc sống của dân làng ngày càng sung túc, già vui lắm. Tiền bạc trong nhà nhiều hay ít, già không còn phải lo vì nay có con cháu đi làm công nhân phụ giúp, đỡ đần cha mẹ. Điều già lo nhất là uy tín của già với đồng bào Chơro trong làng nay có được nhiều hơn trước hay không mà thôi. Hiện già đang vận động mọi người không ngừng tích lũy, vay vốn đẩy mạnh chăn nuôi, chuyển đổi cây trồng để kinh tế phát triển hơn nữa.

Thêm mùa nương rẫy gió thuận mưa hòa, đồng bào dân tộc Chơro của già Hoàng lại chộn rộn lo xuân mới. Nhà nhà lo sửa sang lại nơi ở, dọn dẹp chuồng bò, chuồng dê cho sạch sẽ để đón khách xa gần. Riêng già Hoàng vẫn dẻo dai cùng cán bộ xã, huyện vận động đồng bào Chơro bám đất, bám làng định cư, xây dựng cuộc sống ấm no, đủ đầy.

Già Hoàng tâm sự, thấy cuộc sống của bà con trong làng ngày một thêm tiến bộ, đủ ăn, đủ mặc, trẻ em được đến trường…, già mừng lắm. Niềm vui đó, già Hoàng không vội nói ra bây giờ mà đợi đến ngày tết, già đến từng nhà chúc mừng và chia vui.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích