Cuối năm, con đường Phùng Khắc Khoan (KP.2, phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) trở nên nhộn nhịp hơn bình thường bởi xe tải lớn nhỏ chở sản phẩm từ gỗ vào - ra tấp nập.
Cuối năm, con đường Phùng Khắc Khoan (KP.2, phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa) trở nên nhộn nhịp hơn bình thường bởi xe tải lớn nhỏ chở sản phẩm từ gỗ vào - ra tấp nập. Cả con đường dài chưa đến 1km nhưng có đến hàng trăm cửa hàng kinh doanh các mặt hàng, như: bàn ghế, giường, tủ, đồ trang trí… với đầy đủ chủng loại, kích thước, kiểu dáng.
Những cửa hàng kinh doanh đồ gỗ nội thất nằm san sát nhau trên đường Phùng Khắc Khoan (phường Tân Hòa, TP.Biên Hòa). |
Các phường: Tân Biên, Long Bình, Tân Hòa (TP.Biên Hòa)… nổi tiếng với nghề mộc, nhưng ít ai biết “thủ phủ” của nghề này vốn nằm trên đường Phùng Khắc Khoan. Ngoài các tiệm lớn nằm dọc 2 bên đường, lối dẫn vào những con hẻm nhỏ có đến cả trăm hộ kinh doanh mặt hàng này. “Phố” nội thất nổi tiếng đến mức khách hàng từ các tỉnh lân cận, như: Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu hay các tỉnh xa ở tận miền Trung, Tây Nguyên đều tìm đến đây mua sắm.
Thương hiệu phố mộc
So với những con đường khác ở TP.Biên Hòa, chiều dài của “phố” nội thất khá khiêm tốn, thậm chí còn ngắn hơn một số con hẻm ở các phường: Long Bình, Hố Nai…, nhưng tại đây cửa hàng, nhà cửa mọc lên sầm uất. Những con hẻm thông với con đường Phùng Khắc Khoan cũng đông đúc và việc làm ăn không hề kém cạnh. Chạy từ đầu đến cuối đường, hầu như nhà nào cũng kinh doanh đồ gỗ nội thất, hàng hóa chất thành tầng, bày ra cả mặt đường. “Nói về đồ gỗ nội thất thì ở Đồng Nai và những tỉnh, thành lân cận không nơi nào có thể vượt qua được khu vực này. Ở đây, đồ gỗ loại gì cũng có; không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu đi nước ngoài. Không ít nhà ăn nên làm ra, trở nên giàu có và hiếm có ai nghèo, dù có thời điểm đồ gỗ mỹ nghệ không chạy hàng, nhu cầu ít lại…” - chủ của hàng nội thất Hoàng Trang Đỗ Tân Tiến nói.
Hàng gỗ nội thất được xuất bán đi khu vực lân cận, xa hơn là các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên… |
Đa số các cửa hàng kinh doanh đồ gỗ nội thất đều có xưởng mộc riêng, vì thế quanh đây ít có tiệm nhập đồ gỗ từ nơi khác về bán lại. Từ các bộ bàn ghế, tủ, giường hay ông địa, đồng hồ gỗ... đều được chạm khắc tinh xảo, bắt mắt. Vì cùng kinh doanh đồ nội thất nên các tiệm bày bán những mặt hàng có mẫu mã na ná nhau, chỉ cần tiệm bên cạnh hôm nay đưa ra mẫu bàn ghế mới, dáng dấp khác lạ thì hôm sau cả phố cùng có loại hàng đó. “Giống nhau nhưng không bao giờ ế, bởi từ trước đến nay chúng tôi luôn quan niệm “trăm người bán, vạn người mua”, khách thấy ưng mẫu nào, giá cả phải chăng thì họ lấy. Tất cả đều cạnh tranh lành mạnh, với mục đích là tạo dựng thương hiệu phố mộc” - ông Tiến nói thêm.
Giống như nhiều nghề truyền thống khác, kinh doanh đồ gỗ nội thất cũng trải qua bao thăng trầm, nhưng không vì thế mà “phố” nội thất phải đóng cửa ngày nào. Tiếng tăm “phố” nội thất cũng không còn giới hạn trong nước, mà trở thành mặt hàng xuất khẩu ra nước ngoài. Nhiều người nhanh chóng ăn nên làm ra, không chỉ dừng lại ở một cửa hàng mà mở rộng kinh doanh thành những showroom nội thất hoành tráng.
Bên cạnh các sản phẩm truyền thống, như: giường, tủ, bàn ghế, “phố” nội thất ngày càng phát triển thêm nhiều món hàng chuyên phục vụ trang trí nội thất, như: cầu thang, ốp trần, ốp tường…
“Hàng làm ra trưng bày ngay tại nơi sản xuất, khách hàng có thể đến tận xưởng xem cách làm và chọn loại gỗ, mẫu mã theo ý thích” - ông Hà Văn Chung, chủ một cửa hàng nội thất, hồ hởi nói.
Tất bật đến ngày cuối năm
“Phố” gỗ nội thất được mùa làm ăn cuối năm cũng góp phần tăng thêm thu nhập cho nhiều người và “cò” nội thất được coi là hưởng lợi nhiều hơn cả. Chỉ cần đứng túc trực đầu con đường Phùng Khắc Khoan, thấy có khách vào mua đồ, họ lập tức bám theo với những lời lẽ hấp dẫn để kiếm đơn hàng. Sau khi khách đồng ý, “cò” sẽ dẫn đến tận xưởng sản xuất đặt hàng. Mỗi “hợp đồng” kiếm được, “cò” được chủ xưởng chia phần trăm tiền “hoa hồng” dựa trên giá trị mặt hàng khách mua. |
Không khí khẩn trương, hăng say làm việc bao trùm khắp con đường Phùng Khắc Khoan những ngày cuối năm. Khoảng 2 năm trở lại đây, nghề mộc ở đây có nhiều khởi sắc, quanh năm các xưởng không lúc nào vắng đơn hàng. Thế nhưng, đối với những người kinh doanh đồ gỗ nội thất thì mùa làm ăn chỉ thực sự bắt đầu từ đầu tháng Chạp, khi Tết Nguyên đán đã cận kề. Những tiệm lớn ngày thường chỉ có 1-2 người bán, vào dịp này tăng lên 3-4 người, chưa kể đội ngũ chuyên bốc xếp hàng hóa.
“Với kinh nghiệm hơn chục năm kinh doanh đồ gỗ nội thất, tôi thấy càng cận tết thì càng bán được hàng, bởi đây là thời điểm nghỉ tết, mọi người có chút tiền tích cóp sẽ tranh thủ đi mua sắm. Vì thế, cửa hàng làm việc đến 30 tết mà vẫn chưa dám đóng cửa, chong đèn đến tận nửa đêm để phục vụ nhu cầu mua bán” - ông Chung tươi cười cho hay.
Còn theo chia sẻ của bà Nguyễn Ngọc Hoa (chủ tiệm Mộc Hoa), với nghề kinh doanh đồ gỗ nội thất thì tháng Chạp bao giờ cũng bận rộn nhất trong năm. Gần như ngày nào cửa hàng của bà cũng xuất bán không dưới 30 đơn hàng. Mỗi đơn hàng như bộ bàn ghế thuộc loại gỗ gõ, gỗ lim giá trị có thể lên đến 90-150 triệu đồng, nên lợi nhuận tăng đáng kể, gấp nhiều lần so với những tháng thông thường.
Dịp này, ở “phố” gỗ nội thất khách hàng vào - ra liên tục, người ta mua bàn ghế, kệ tủ hay những vật dụng quan trọng cho ngày tết, như: bàn thờ, bình hoa… Cuộc ngã giá có thể kéo dài nhiều giờ với mục đích duy nhất là chọn được mặt hàng ưng ý, chất lượng tốt và giá phải chăng. Sự nhộn nhịp và hối hả của người bán lẫn người mua đã tạo nên bầu không khí tất bật nơi đây.
“Với những mặt hàng có giá trị như đồ gỗ thì chuyện giá cả nhích lên từng ngày hiếm khi xảy ra, bởi chỉ cần thấy chỗ khác bán rẻ hơn vài trăm ngàn đồng là mình mất khách ngay. Càng xuất bán được nhiều hàng, lợi nhuận thu về càng nhiều. Nhiều người kinh doanh đồ gỗ nội thất thường quan niệm vụ tết là vụ làm ăn cho cả năm, vì vậy kết thúc năm chúng tôi nghỉ bán cho đến hết tháng Giêng” - bà Hoa chia sẻ.
Thanh Hải