Báo Đồng Nai điện tử
En

Những nữ tư vấn viên methadone

10:01, 11/01/2017

Hỗ trợ quá trình điều trị của bệnh nhân cai nghiện ma túy bằng methadone đạt hiệu quả cao, có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ tư vấn viên, những người lắng nghe bệnh nhân tâm sự và động viên tinh thần bệnh nhân, giúp họ yên tâm thực hiện phác đồ điều trị bác sĩ đưa ra.

Hỗ trợ quá trình điều trị của bệnh nhân cai nghiện ma túy bằng methadone đạt hiệu quả cao, có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ tư vấn viên, những người lắng nghe bệnh nhân tâm sự và động viên tinh thần bệnh nhân, giúp họ yên tâm thực hiện phác đồ điều trị bác sĩ đưa ra.

Chị Hồ Thị Như Ý nghiên cứu tài liệu trước khi bắt đầu buổi làm việc. Ảnh: Đ. Tùng
Chị Hồ Thị Như Ý nghiên cứu tài liệu trước khi bắt đầu buổi làm việc. Ảnh: Đ. Tùng

Sau khi giải thích quá trình điều trị cho một bệnh nhân, chị Phạm Thị Vui (tư vấn viên tại Cơ sở điều trị methadone số 1, Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Đồng Nai) mới có thể dành chút thời gian ít ỏi gặp gỡ chúng tôi.

Đầy căng thẳng

Chị Vui cho hay từ khi cơ sở điều trị nghiện ma túy bằng methadone đầu tiên của tỉnh được thành lập (năm 2013, đặt tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Đồng Nai), chị đã nhận nhiệm vụ tư vấn viên. Mỗi ngày, có hàng trăm lượt bệnh nhân đến uống thuốc và hàng chục người trong số đó đến gặp chị để được tư vấn về những vấn đề, như: bỏ liều giữa chừng; hoàn cảnh gia đình khó khăn không đi uống thuốc liên tục được; làm thủ tục để bắt đầu điều trị bệnh…

“Là tư vấn viên, tôi phải lắng nghe nhiều điều bệnh nhân trình bày, từ trước khi điều trị, trong quá trình điều trị, thậm chí đang điều trị họ bỏ giữa chừng, một thời gian sau điều trị lại cũng đến gặp tôi. Hiện chúng tôi đang điều trị cho gần 500 bệnh nhân, có nhiều trường hợp khi đến khám hoặc uống thuốc thường ngày có biểu hiện “ngáo đá”, đe dọa hành hung bác sĩ, tư vấn viên. Bệnh nhân đến đây điều trị đều tự nguyện, nhưng có nhiều người bị gia đình thúc ép mới chịu đi nên họ luôn mang tâm trạng sợ hãi, tránh né khai rõ bệnh tình. Do đó, tư vấn viên phải làm sao cho họ hiểu việc điều trị nghiện ma túy bằng methadone là tốt cho họ, giúp họ sớm quay về với cuộc sống đời thường” - chị Vui bộc bạch.

Chị Phạm Thị Vui đang tư vấn cho người bệnh đến điều trị.
Chị Phạm Thị Vui đang tư vấn cho người bệnh đến điều trị.

Chị Vui cho biết thêm, nhiều trường hợp đến trị bệnh nhưng hung hăng, có lời lẽ không hay với tư vấn viên, bác sĩ, nên bị mời về; đến khi thấy tư vấn viên ra khỏi trung tâm thì họ đến gần đe dọa, ép xe cho té ngã.

Một số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS hoặc có tiền án, tiền sự trở nên bất cần đã nhiều lần đe dọa bác sĩ, tư vấn viên khi bị nhắc nhở về việc bỏ thuốc, vô hình trung tạo áp lực cho tư vấn viên vì hầu hết những người bệnh đến trung tâm lần đầu đều trong trạng thái căng thẳng, rất dễ bị kích động.

Với chị Hồ Thị Như Ý (tư vấn viên tại Cơ sở điều trị methadone số 3, Trung tâm y tế huyện Long Thành), những chuyện nêu trên hết sức bình thường kể từ khi chị làm tư vấn viên. Chị Ý cho biết một số bệnh nhân có tiền án, khi đến điều trị họ mặc cảm, lo lắng lỡ bản thân nói ra điều gì sơ hở sẽ bị chúng tôi bắt giam nên giấu việc sử dụng ma túy tới 1-2 triệu đồng/ngày, chỉ nói với tư vấn viên trước đây họ chỉ sử dụng ma túy 200 ngàn đồng/ngày, hoặc sử dụng ma túy rất ít.

“Qua quan sát các vết kim chích trên người, xét nghiệm nước tiểu và cho người bệnh sử dụng methadone trong thời gian đầu, chúng tôi có thể biết họ nói đúng hay không. Khi bị phát hiện giấu bệnh, một số bệnh nhân lại quát nạt chúng tôi. Lúc mới làm công việc này tôi cảm thấy rất sợ, nhưng dần rồi cũng quen” - chị Như Ý chia sẻ.

Giúp bệnh nhân vượt qua nỗi đau

Toàn tỉnh hiện có 4 cơ sở điều trị cai nghiện ma túy bằng methadone, gồm: Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Đồng Nai; Trung tâm y tế TP.Biên Hòa, Trung tâm y tế huyện Long Thành và Trung tâm y tế TX.Long Khánh với hơn 2 ngàn bệnh nhân đang điều trị (tăng hơn 700 bệnh nhân so với năm 2015). Trong số đó, có hơn 1,2 ngàn bệnh nhân điều trị thường xuyên (tăng hơn 200 bệnh nhân so với năm 2015).

Sau khi nộp đơn đăng ký tự nguyện điều trị cai nghiện ma túy bằng methadone, bệnh nhân sẽ được bác sĩ và tư vấn viên đánh giá toàn diện qua kiểm tra sức khỏe, tâm lý… để quyết định xem có phù hợp tham gia điều trị hay không và mức khởi đầu sẽ như thế nào. Quá trình đánh giá, không chỉ bệnh nhân mà cả người thân của bệnh nhân cũng được tư vấn viên tư vấn, hỗ trợ thông tin để đảm bảo cho người bệnh đạt hiệu quả chữa trị tốt nhất và người thân có thể giúp bệnh nhân cai nghiện. Với những người mới sử dụng methadone có thể gây nôn mửa, hoặc sử dụng chưa đủ liều nên vẫn cảm thấy đau. Do đó, bệnh nhân phải thường xuyên đến gặp bác sĩ và tư vấn viên trong thời gian đầu để được theo dõi, tư vấn...

Chị Đặng Thị Loan (tư vấn viên tại Cơ sở điều trị methadone số 2, Trung tâm y tế TP.Biên Hòa) cho biết trung tâm đang điều trị thường xuyên cho trên 250 bệnh nhân, đa số chỉ đến uống thuốc vào buổi sáng, trước giờ đi làm. Do methadone không thể mua bên ngoài, chỉ có thể uống ở cơ sở điều trị và cả tỉnh hiện chỉ có vài cơ sở điều trị nghiện ma túy bằng methadone nên một số bệnh nhân không thể đến mỗi ngày được.

Chị Loan tâm sự: “Một số người bệnh điều trị ở cơ sở 1, nhưng vì lý do riêng mà họ không thể đến uống thường xuyên để rồi gây gổ với bác sĩ, tư vấn viên ở đó và tìm đến chỗ chúng tôi điều trị lại như bệnh nhân mới. Sau quá trình nói chuyện, họ mới nói thật điều đó với tư vấn viên và tôi phải dùng lời lẽ thuyết phục họ quay lại cơ sở 1 để tiếp tục quá trình điều trị dang dở. Dĩ nhiên, điều đó chẳng dễ dàng gì”.

Anh N.V.P., đang điều trị tại Cơ sở điều trị methadone số 1, cho biết cảm giác ban đầu khi đến khám bệnh ở đây là rất lo lắng, chưa hình dung việc chữa bệnh sẽ diễn ra thế nào. Sau thời gian được tư vấn, uống thuốc, cuộc sống của anh dần thay đổi. Anh có thể tìm tới nhân viên tư vấn giãi bày mọi chuyện, tìm được người cảm thông, do đó tâm lý căng thẳng dần được giải tỏa và tự tin đi uống thuốc mỗi ngày.

Với chị Như Ý, chị nhớ mãi trường hợp một nữ bệnh nhân đã qua 3 đời chồng, hoàn cảnh khó khăn nhưng đều đặn đến điều trị cai nghiện tại Cơ sở điều trị methadone số 3. Theo quy định, hàng tháng bệnh nhân phải đóng khoản phí hơn 200 ngàn đồng, gồm: tiền ly uống nước, giấy in phiếu uống thuốc… Sau một thời gian điều trị, do hoàn cảnh khó khăn, không đủ tiền đóng nhưng bệnh nhân này không nói ra điều đó với tư vấn viên để được hỗ trợ, mà âm thầm dành dụm đến khi đủ tiền mới quay lại cơ sở điều trị uống thuốc. Khi được hỏi lý do không nói với tư vấn viên để được giúp đỡ, chị nói đã được uống thuốc miễn phí nên không muốn làm phiền ai ở cơ sở điều trị nữa. “Những lần sau đó, mỗi khi đến cơ sở uống methadone, chị còn đem quà bánh, như: củ khoai, trái bắp mời tôi. Cầm trên tay những món quà chị gửi mà tôi không cầm được nước mắt. Bản thân tôi rút kinh nghiệm là nên nói chuyện nhẹ nhàng, thường xuyên hỏi thăm gia cảnh bệnh nhân để có thể giúp bệnh nhân sớm dứt khỏi ma túy” - chị Như Ý xúc động chia sẻ.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều