Báo Đồng Nai điện tử
En

"Cao tay" với tội phạm phi truyền thống

10:01, 15/01/2017

Đấu tranh với những tên tội phạm gây án theo phương thức truyền thống đã khó, nay lại phải đấu tranh với những loại tội phạm "ảo" quả là điều không đơn giản.

Đấu tranh với những tên tội phạm gây án theo phương thức truyền thống đã khó, nay lại phải đấu tranh với những loại tội phạm “ảo” quả là điều không đơn giản. Lợi dụng sự hiểu biết về công nghệ và thủ đoạn tinh vi, kẻ gian đã đưa nhiều người dân vào “bẫy” để chiếm đoạt của nạn nhân từ hàng chục, hàng trăm triệu đến cả trăm tỷ đồng.

Đối tượng Đàm Mạnh Thanh (thứ 2, từ phải qua) bị di lý từ Hải Phòng vào Đồng Nai để phục vụ công tác điều tra.
Đối tượng Đàm Mạnh Thanh (thứ 2, từ phải qua) bị di lý từ Hải Phòng vào Đồng Nai để phục vụ công tác điều tra.

Chỉ trong năm 2016, Đội Phòng chống tội phạm công nghệ cao thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh đã khởi tố 3 vụ án, 5 đối tượng sử dụng công nghệ cao dưới nhiều hình thức khác nhau với mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác.

Những “bóng ma” bàn phím

Theo Thượng tá Phan Trọng Lộc, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh, trong khi tội phạm công nghệ cao càng phát triển thì đòi hỏi con người càng phải tỉnh táo hơn để tránh những sự lôi kéo, lừa đảo qua mạng “ảo”. Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao mặc dù chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, chưa được tôi luyện để hiểu hết thủ đoạn và cách thức hoạt động của bọn tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhưng với tinh thần học hỏi và đấu tranh không ngừng nghỉ đã mang về những thành tích rất đáng tự hào. Đội đã được Tổng cục Cảnh sát tặng bằng khen cho cá nhân và tập thể; UBND tỉnh tặng bằng khen và Ban giám đốc Công an tỉnh tặng 10 lượt giấy khen cho cá nhân, tập thể hoạt động xuất sắc.

Đầu năm 2016, qua mạng xã hội facebook, bà X. (ngụ TP.Biên Hòa) làm quen với một người tên David M. Quá trình trao đổi trên facebook, David M. khoe với bà X. rằng ông ta là một đại gia ở Mỹ, đang tìm một người Việt Nam đáng tin để nhờ đại diện phần đầu tư của ông ta ở Việt Nam. Khi cả hai dần trở nên thân thiết, David M. cho biết sẽ sang Việt Nam làm ăn và nhờ bà X. nhận giùm 900 ngàn USD ông ta chuyển qua trước, khi qua Việt Nam ông ta sẽ nhận lại.

Chỉ một ngày sau khi cho biết đã chuyển 900 ngàn USD sang Việt Nam cho bà X., David M. lại liên lạc với bà với vẻ lo lắng là số ngoại tệ ông ta chuyển đang bị cơ quan chức năng của Việt Nam giữ lại kiểm tra. Vì không có ở Việt Nam, David M. đã hỏi mượn tiền và nhờ bà X. chuyển tiền vào tài khoản của một phụ nữ sống tại TP.Hồ Chí Minh để “chạy”, nhằm rút 900 ngàn USD “bị mắc kẹt” ra. Tin lời “đại gia” ngoại quốc, bà X. đã nhiều lần chuyển cho David M. tổng cộng 255 triệu đồng để rồi bị chiếm đoạt.

Nhận được tin báo, Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp với các lực lượng nghiệp vụ của Công an tỉnh tiến hành truy xét. Đến ngày 26-5-2016, đơn vị đã bắt giữ Cao Thị Nguyệt Ánh (34 tuổi, ngụ xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ) và Ojuku Martins (36 tuổi, quốc tịch Nigeria). Cả hai khai làm theo chỉ đạo của một đối tượng tội phạm ở nước ngoài, chỉ làm công việc rút tiền rồi chuyển vào một tài khoản khác ở nước ngoài cho đối tượng này.

Một vụ án khác, sau nhiều lần nhận được điện thoại của Đàm Mạnh Thanh (25 tuổi, ngụ TP.Hải Phòng) đe dọa mình có liên quan đến một đường dây ma túy lớn và buộc phải chuyển số tiền trong tài khoản đang có cho “cơ quan điều tra” kiểm tra, bà C. (ngụ TP.Biên Hòa) đã hoảng sợ làm theo yêu cầu của Thanh. Với màn lừa đảo ngoạn mục đó, Thanh đã chiếm đoạt 375 triệu đồng tiền dành dụm bấy lâu nay của bà C.

Với Chuyên án 1016Đ, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh đã phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) của Bộ Công an lật tẩy được chiêu trò huy động vốn qua mạng để chiếm đoạt tài sản của 3 đối tượng: Nguyễn Thị Minh Phương (38 tuổi), Phạm Thanh Toàn (45 tuổi), đều ngụ TP.Biên Hòa, và Hồ Đình Phú (24 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng).

Sau khi thành lập công ty trên danh nghĩa góp vốn trên giấy tờ, nhóm của Phương đã khuếch trương tên tuổi của công ty để kêu gọi mọi người đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh thực phẩm. Nhiều người vì tin tưởng website hero8.org của công ty do nhóm Phương lập ra đã bỏ số tiền lớn đầu tư nhằm thu lợi nhuận cao. Chỉ trong 1 năm, với phương thức lấy tiền của người đầu tư sau trả cho người đầu tư trước, nhóm của Phương đã chiếm đoạt của nhiều người lên đến 146 tỷ đồng.

Tội phạm “ảo”

Trung tá Võ Thanh Hải, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm công nghệ cao, cho biết tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng diễn biến phức tạp. Những năm gần đây, địa bàn Đồng Nai được xem là mảnh đất màu mỡ cho loại tội phạm sử dụng công nghệ cao “nảy nở”. Trước tình hình đó, vào năm 2010, Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao được thành lập và nay là một trong 5 đội phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của cả nước.

Tội phạm sử dụng công nghệ cao là loại tội phạm mới, có đặc thù riêng, khó phát hiện và việc xử lý dấu vết, chứng cứ vô cùng khó khăn. Điều đáng quan tâm ở loại tội phạm này là đa phần tội phạm trong nước liên kết với tội phạm người nước ngoài, hoạt động có tổ chức và mang tính quốc tế cao, rất chuyên nghiệp.

Những tên tội phạm sử dụng công nghệ cao có thể ngồi một chỗ để tấn công vào bất kỳ nơi nào, hệ thống nào trên thế giới mà không cần xuất đầu lộ diện. Thời gian chúng gây án cũng rất ngắn nên cơ quan điều tra khó phát hiện và thu thập chứng cứ phạm tội.

Trung tá Hải phân tích thêm, thủ đoạn tội phạm sử dụng công nghệ cao nổi lên gần đây, như: lừa đảo qua điện thoại, qua mạng internet, trộm cắp địa chỉ thư điện tử, thông tin thẻ tín dụng và thông tin cá nhân; thực hiện rửa tiền bằng cách chuyển tiền từ tài khoản trộm được sang tài khoản tiền ảo như e-gold, e-passport…; lừa đảo qua hoạt động thương mại điện tử, trong quảng cáo, bán hàng trực tuyến qua mạng, mua bán ngoại tệ, mua bán cổ phiếu qua mạng; đánh bạc, cá độ bóng đá qua mạng internet… Tất cả những hình thức phạm tội thông qua việc sử dụng công nghệ đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Để đấu tranh với những loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, Trung tá Hải cho biết đơn vị đã xác lập các chuyên án lớn, huy động toàn bộ lực lượng tinh nhuệ về nghiệp vụ điều tra và giỏi công nghệ thông tin để đấu tranh phá án trong thời gian nhanh nhất có thể. Đơn vị cũng xây dựng nhiều kế hoạch tác chiến, mà quan trọng là các kế hoạch phối hợp chặt chẽ giữa công an và các đơn vị liên quan, như: Sở Thông tin - truyền thông, Sở Khoa học - công nghệ, Sở Công thương, các ngân hàng đóng trên địa bàn…

Với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ thông tin, Trung tá Hải dự doán tội phạm sử dụng công nghệ cao sẽ diễn biến ngày càng phức tạp, phương thức, thủ đoạn gây án ngày càng tinh vi và khó lường. Do đó, trong thời gian tới các cán bộ Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phải tự học hỏi nâng cao nghiệp vụ, giữ vững bản lĩnh nghề nghiệp để đủ khả năng phát hiện và xóa sổ những loại tội phạm nguy hiểm này.

Tố Tâm

Tin xem nhiều