Từ nhiều năm nay, cứ đến đầu mùa mưa là người dân các xã: Quang Trung, Xuân Thạnh (huyện Thống Nhất), An Viễn (huyện Trảng Bom) lại phải vật lộn với việc bọ đậu đen bay vào nhà gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt.
Từ nhiều năm nay, cứ đến đầu mùa mưa là người dân các xã: Quang Trung, Xuân Thạnh (huyện Thống Nhất), An Viễn (huyện Trảng Bom) lại phải vật lộn với việc bọ đậu đen bay vào nhà gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống sinh hoạt. Năm nay, tình trạng bọ đậu đen vào nhà đã giảm đi nhiều do người dân dùng các biện pháp phòng tránh ngay từ khi loại bọ này vừa rục rịch xuất hiện.
* “Chạy nạn” vì bọ vào nhà
Khu vực tổ 12, ấp 9/4, xã Xuân Thạnh nằm giáp với lô cao su ở xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ). Nhiều năm nay, cứ đầu mùa mưa là bọ đậu đen bay từng đàn đen đặc từ lô cao su vào nhà dân, chuồng gà.
Bọ đậu đen bị xịt thuốc chết la liệt ở sàn nhà. |
Ông Nguyễn Đình Hiển (ngụ ấp 9/4, xã Xuân Thạnh) cho hay khoảng đầu mùa mưa, khi trăng đầu tháng vừa ló dạng là có hàng vạn con bọ đậu đen bay vào nhà dân và ở lì đến khi nào bị diệt. Chúng chỉ bay đi sau vài tháng mùa mưa. Dù có mắc mùng khi ngủ, cả nhà vẫn nơm nớp lo lắng bọ chui vào tai trẻ con. Vì vậy, chỉ cần có tiếng trẻ khóc ré lên trong đêm là các thành viên trong nhà phải lục đục thức dậy soi đèn pin vào tai con trẻ kiểm tra.
“Chỉ cần 10 phút, một căn nhà rộng
50-60m2 có thể bị bọ đậu đen đậu kín tường. Nhà gạch còn đỡ, chứ gặp nhà gỗ coi như khỏi đuổi bọ đi luôn. Ban ngày, chúng tìm ngóc ngách nào khuất ánh sáng để chui vô, ban đêm lại bò ra. Chúng nhiều quá nên không ai đập cho nổi, cứ quét dồn vào bao rồi đem ra sân đốt. Có năm người dân đốt cả chục bao tải bọ đậu đen loại 20kg, đốt xong rồi quay vô nhà lại thấy lấm tấm vài con. Chỉ cần có 1 con sót lại thôi là sẽ nhanh chóng thấy cả đàn từ đâu đó bay vào” - ông Hiển chia sẻ.
Bọ đậu đen (một số nơi gọi là mọt đậu đen, mọt cao su) có hình dáng giống như hạt đậu đen. Chúng thường sống trong đất ở những nơi khu đất ẩm thấp, nơi có nhiều xác bã thực vật hoại mục, như: nhà lá, vườn cao su, rừng, vườn cây ăn trái…, nhưng không gây hại cho thực vật. Con bọ tiết ra chất dịch có mùi hôi hăng hắc (rất khó chịu cho con người) để thu hút đồng loại và lưu mùi lại, năm sau cứ theo vết mà đến. Nếu tiếp xúc với da người, chất dịch này có thể làm phần da tiếp xúc bị phồng rộp. |
Cách nhà ông Hiển 200m, nhà ông Huỳnh Văn Cao cũng bị bọ đậu đen bay vào nhà liên tục suốt nhiều năm. Từ các ngách của thùng nuôi ong, mái nhà kho, chuồng gà, lỗ gạch…, bất kỳ chỗ nào trong nhà cũng có thể trở thành nơi trú ngụ của bọ đậu đen. Tuy quanh ấp chưa có trường hợp nào bị bọ đậu đen gây hại nặng, nhưng đã có không ít nhà phải bỏ đi nơi khác sinh sống vì không chịu nổi cảnh bọ lúc nhúc trong nhà.
“Bọ đậu đen xuất hiện khoảng mấy chục năm, ai chịu nổi thì ở lại tới giờ, còn không thì dọn đi lâu rồi. Mấy con bọ đậu đen không cắn người, nhưng nếu nó đậu lên vùng da mềm mà lấy tay đập thì vùng da đó sẽ nổi mẩn đỏ và ngứa. Cả nhà tôi, chân ai giờ cũng lấm tấm mấy nốt đỏ vì đi lại trong nhà đạp trúng. Năm nay, do nhiều nhà biết phòng tránh nên bọ đậu đen cũng giảm nhiều so với năm trước” - ông Cao cười trừ cho biết.
Tại ấp Lạc Sơn, xã Quang Trung (huyện Thống Nhất), bọ đậu đen xuất hiện vào khoảng cuối tháng 5-2016. Trưởng ấp Lạc Sơn Nguyễn Văn Toại nhận định, bọ đậu đen chưa gây hại cây trồng, nông sản, nhưng cũng khiến cuộc sống sinh hoạt của mọi người bị đảo lộn. Dù chỉ xuất hiện vào đầu mùa mưa, nhưng “nạn bọ đậu đen” kéo dài suốt 2 tháng. Buổi tối không ai ngủ được, ban ngày lại dậy sớm lo quét bọ nên hầu như sức khỏe các thành viên trong gia đình có bọ đậu đen tấn công đều sa sút thấy rõ.
* Đủ cách phòng tránh
Tại xã An Viễn (huyện Trảng Bom), suốt nhiều năm qua luôn bị bọ đậu đen tấn công dày đặc vào đầu mùa mưa. Chủ tịch Hội Nông dân xã An Viễn Nguyễn Văn Rung cho biết năm nay tình trạng bọ đậu đen xuất hiện rất ít do người dân đã biết cách phòng tránh. Ngay từ mùa mưa năm trước, nhiều người đã thử nhiều loại hóa chất đuổi bọ, diệt bọ, xông khói để phòng tránh bọ đậu đen. Nhưng theo ông Rung, có một cách làm tạm, nhưng cũng mang lại hiệu quả tốt là dùng nhớt xe cũ xịt vào các thanh xà nhà, hoặc các lỗ gạch không để cho bọ vào trú.
Chuẩn bị thuốc rầy để xịt diệt bọ đậu đen. |
“Mấy năm trước, có khu vực ấp 4, ấp 6 xuất hiện bọ đậu đen, nhưng tới thời điểm này thì không nghe người dân báo tin có bọ. Theo tôi, bọ đậu đen cũng có xuất hiện, nhưng không quá nhiều vì thời gian qua Viện Sốt rét - ký sinh trùng, côn trùng Trung ương và Viện Sốt rét - ký sinh trùng, côn trùng TP.Hồ Chí Minh đã phối hợp với trung tâm y tế của huyện, tỉnh khảo sát tình hình bọ đậu đen xuất hiện tại đây để tìm cách tiêu diệt loại côn trùng này. Năm nay, có nhà dùng lá cây xông khói ngay từ đầu mùa mưa, có nhà dùng nhớt xe cũ xịt, quét lên các vị trí bọ hay đậu để đuổi chúng đi… Coi vậy mà hiệu quả, chắc đám bọ ghét cái mùi đó hay sao nên năm nay rất ít xuất hiện” - ông Rung cho biết.
Còn tại ấp 9/4, xã Xuân Thạnh, nhiều người cho biết việc bọ đậu đen vào nhà nhiều hay ít đều không lường trước được. Có nhà bị bọ vào vài ngày, họ xịt thuốc, xông khói là hết; nhưng có nhà làm đủ mọi cách mà bọ vẫn không đi. Tuy nhiên, nhìn chung năm nay, ngay từ khi cái nóng mùa khô vừa dịu là bà con đã bắt tay vào việc phòng trừ bọ đậu đen. Xác định được bọ đậu đen chui từ lớp lá khô dưới lô cao su ra nên khi trăng non đầu tiên của mùa mưa vừa ló, các hộ dân đã dùng lá khô đốt lên rồi bỏ thêm các lá tươi vào xông khói khắp nhà. Nhiều người cho hay, làm như thế sẽ hạn chế được bọ đậu đen vào nhà, nhưng phải làm liên tục, vài ngày làm một lần mới có hiệu quả, còn không thì chỉ 2 ngày không xông khói là bọ đậu đen sẽ vào nhà ngay.
“Ở nhà tôi, sau khi xông khói bọ đậu đen, còn dùng thuốc trừ sâu để phun xịt vào các lỗ gạch, xà nhà. Mỗi lần như vậy phải đưa đám trẻ con đến nhà bà con trên thành phố chơi để đảm bảo an toàn sức khỏe cho chúng. Hồi trước, cứ xịt thuốc xong 2 ngày lại gom bọ đậu đen vô bao tải rồi đem chôn, đốt. Nhưng thuốc trừ sâu độc hại nên không xịt nhiều được. Có người nói do bọ đậu đen để lại mùi trong nhà nên dùng nước xả vải xịt cho bay mùi chúng sẽ không vào nhà nữa, nhưng cũng chỉ giảm bớt phần nào số bọ bay vào nhà. Các anh cứ tưởng tượng, lúc cả bầy bọ đậu đen bay vào nhà, con nào con nấy nhỏ như hạt đậu mà tiếng vỗ cánh nghe như tiếng xe máy là biết nhiều thế nào rồi” - ông Ngô Hữu Hiệp (ngụ ấp 9/4, xã Xuân Thạnh) cho biết.
Đăng Tùng