Có người vừa sinh ra đã mất đi thính lực, có người gặp một chấn động nào đó khiến đôi tai không còn nghe được nữa…, nhưng nhiều người trong số họ không mặc cảm vì sự thiếu may mắn mà vẫn vươn lên chinh phục ước mơ như bao người bình thường khác.
Có người vừa sinh ra đã mất đi thính lực, có người gặp một chấn động nào đó khiến đôi tai không còn nghe được nữa…, nhưng nhiều người trong số họ không mặc cảm vì sự thiếu may mắn mà vẫn vươn lên chinh phục ước mơ như bao người bình thường khác.
Chị Bùi Thị Tuyết Trinh trò chuyện cùng bạn bằng ngôn ngữ ký hiệu. |
Họ là những sinh viên của Trung tâm Nghiên cứu - thúc đẩy văn hóa điếc (từ đây gọi tắt là trung tâm), thuộc Trường đại học Đồng Nai. Đây cũng là trung tâm đầu tiên trên cả nước giảng dạy cho học sinh khiếm thính từ bậc THCS đến cao đẳng, đại học.
* Vượt lên cú sốc
Các học sinh, sinh viên khiếm thính của trung tâm đến từ khắp mọi miền đất nước, phần lớn đều ở tập trung tại ký túc xá của Trường đại học Đồng Nai. Do thính lực mỗi học sinh, sinh viên đều bị giảm sút hoặc mất hẳn nên mọi giao tiếp giữa học sinh, sinh viên với nhau, hoặc với các giáo viên đều dùng ngôn ngữ ký hiệu.
Lúc 5 tuổi, sau một lần được cha mẹ đưa đi nhổ răng, anh Huỳnh Duy Cơ (quê tỉnh Khánh Hòa) đã bị giảm thính lực. Lúc anh đến tuổi đi học, gia đình phải mất nhiều năm mới tìm được ngôi trường tiểu học cho người khiếm thính ở TP.Đà Lạt để cho anh theo học.
Bà Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu - thúc đẩy văn hóa điếc, cho biết hoạt động của trung tâm nhằm giúp các học sinh, sinh viên khiếm thính có điều kiện học hành như những người bình thường, giúp họ định hướng được tương lai và trao cho họ những kỹ năng để sau khi hoàn thành việc học có thể đóng góp cho xã hội. |
Thời gian đầu anh Cơ rất khó tiếp cận với ngôn ngữ ký hiệu. Vì vậy, khi được hỏi ước mơ sau này là gì, anh Cơ luôn bảo muốn được làm giáo viên để giúp những người kém may mắn giống anh có thể được học hỏi, nâng cao trình độ và có được môi trường làm việc phù hợp.
“Năm 2011, biết tin Trường đại học Đồng Nai có lớp dạy cho người khiếm thính từ bậc THCS đến đại học, tôi đã xin gia đình cho đến đây học. Năm nay đã 23 tuổi, nhưng do đi học trễ và gián đoạn một thời gian nên giờ tôi mới chỉ học đến lớp 10. Hồi mới bị giảm thính lực tôi suy sụp lắm, ai nói gì cũng không nghe được, chỉ thấy cả nhà đều khóc. Bây giờ đã thấy quen nên tôi cũng không bận tâm đến chuyện bị khiếm thính bản thân. Có điều, mỗi khi muốn giao tiếp, chơi cùng với các bạn sinh viên bình thường của trường cũng gặp vài khó khăn về ngôn ngữ” - anh Cơ tâm sự.
Cùng hoàn cảnh với anh Cơ là anh Phạm Quang Chấn (ngụ phường Tân Biên, TP.Biên Hòa), hiện đang học lớp 11 ở trung tâm. Khi sinh ra, anh Chấn là người hoàn toàn bình thường. Đến lúc 5 tuổi, không rõ vì lý do gì mà đôi tai của anh Chấn dần mất đi thính lực. Đến nay, tuy có thể nghe được những âm thanh rất lớn (như tiếng còi xe ô tô), nhưng để giao tiếp với mọi người anh phải dùng ngôn ngữ ký hiệu.
“Hồi còn nhỏ, vì hay bị chúng bạn chọc ghẹo nên tôi mong muốn có thể nghe được, rồi nói chuyện với bạn bè như người bình thường. Bây giờ mọi người đã quen với việc tôi bị khiếm thính nên không ai chọc ghẹo tôi nữa. Nhưng có điều khi đến chỗ lạ, mình nói chuyện bằng ngôn ngữ ký hiệu hay bị dòm ngó nên cũng thấy đôi chút khó chịu” - anh Chấn bộc bạch.
* Sống như những đóa hoa
Theo bà Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc trung tâm, học sinh, sinh viên ở trung tâm được học theo chương trình chuẩn như học sinh ở các trường học bình thường, chỉ có khác biệt là giữa thầy và trò giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ ký hiệu. Do mỗi lớp chỉ có hơn 10 học sinh, sinh viên nên mỗi phòng học được ngăn đôi để cho 2 lớp học. Bởi tính đặc thù của các lớp này nên buổi học diễn ra hoàn toàn yên tĩnh, không ảnh hưởng đến những lớp bên cạnh.
Nhóm học sinh, sinh viên của Trung tâm Nghiên cứu - thúc đẩy văn hóa điếc đang trò chuyện cùng nhau. |
Sinh ra và lớn lên ở Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nên chị Bùi Thị Tuyết Trinh bị khiếm thính bẩm sinh, đã gặp không ít khó khăn khi bắt đầu tiếp cận việc học hành. Đến tuổi đi học, chị phải vào đất liền học ở một trường tiểu học đặc biệt dành cho trẻ khuyết tật. Khi biết ở Đồng Nai có trung tâm dạy học cho người khiếm thính, chị đã xin gia đình cho đến đây học. Ròng rã nhiều năm trời, đến nay khi đã là sinh viên năm 2 của lớp cao đẳng sư phạm tiểu học dành cho người khiếm thính, chị mới thật sự quên đi mặc cảm về bản thân.
“Mỗi năm tôi về thăm nhà 2 lần, phần vì xa, phần vì phải ở lại học tập, đi làm. Nói thật là rất khó khăn để có thể hòa nhập với bạn bè là người bình thường, khi phương thức giao tiếp của tôi với họ khác biệt. Người khiếm thính chúng tôi muốn truyền đạt thông tin cho người bình thường chỉ có 2 cách là viết ra, hoặc dùng cử chỉ diễn tả. Dĩ nhiên, không phải lúc nào cũng tiện để viết ra điều mình muốn nói, hoặc không phải ai cũng hiểu hết những cử chỉ mà mình diễn tả” - chị Trinh kể lại.
Hàng ngày, sau giờ học chị Trinh thường chơi thể thao cùng bạn bè trong trường. Đây cũng là cách giúp chị xóa đi khoảng cách về ngôn ngữ, có niềm tin vào cuộc sống, tự tin hơn để sau này có thể làm một giáo viên giỏi giúp các thế hệ đàn em kém may mắn giống chị.
Còn anh Phạm Quang Chấn, dù đang là học sinh lớp 11, nhưng anh đã ấp ủ ước mơ trở thành một chuyên gia về lĩnh vực công nghệ thông tin. Anh Chấn cho hay, khi trao đổi thông tin với người khác trên internet anh không bị giới hạn bởi những khuyết tật của bản thân và điều đó giúp anh tự tin hơn. Từ đó, anh muốn tạo ra những phần mềm làm việc, giao tiếp tiện lợi để giúp ích cho người khuyết tật như mình.
“Hiện tại, ngoài việc học ở trường, tôi còn tự học ở nhà. Tôi hy vọng sau này có thể tạo được những phần mềm, những ứng dụng điện thoại hỗ trợ cho những người khiếm thính giống tôi” - anh Chấn chia sẻ.
Đăng Tùng