Nép mình sau cuộc sống ồn ào, đầy lo toan, nhiều người dân tộc thiểu số vẫn âm thầm gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ sau nghề truyền thống của dân tộc mình. Với họ, đó không chỉ là công việc kiếm sống, mà còn là một phần trách nhiệm với các giá trị được cha ông truyền lại.
Nép mình sau cuộc sống ồn ào, đầy lo toan, nhiều người dân tộc thiểu số vẫn âm thầm gìn giữ và truyền lại cho các thế hệ sau nghề truyền thống của dân tộc mình. Với họ, đó không chỉ là công việc kiếm sống, mà còn là một phần trách nhiệm với các giá trị được cha ông truyền lại.
* Đổi thay theo cuộc sống
Làng dân tộc Châu Mạ ở KP.Hiệp Nghĩa, thị trấn Định Quán (huyện Định Quán) nằm ven quốc lộ 20. Dân cư nơi đây trước kia chỉ biết làm ruộng nương, một số không có đất canh tác phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Trong sinh hoạt hàng ngày, trang phục của họ được tạo nên từ những tấm thổ cẩm đầy màu sắc, thể hiện sự khéo tay và tài nghệ của người phụ nữ Châu Mạ.
Bà Ka Blỏn dệt thổ cẩm tại nhà. |
Theo thời gian, trang phục truyền thống từ thổ cẩm của người Châu Mạ đã được thay thế bằng các trang phục hiện đại, phổ biến và thuận tiện hơn cho sinh hoạt. Vì vậy, chỉ còn một số ít người còn nắm giữ cách thức dệt thổ cẩm, dựa vào nghề dệt thổ cẩm truyền thống làm phương kế mưu sinh và truyền lại cho lớp người sau.
Bà Ka Blỏn (55 tuổi, ngụ KP.Hiệp Nghĩa), người mở lớp dạy dệt may thổ cẩm, đồng thời trực tiếp dệt thổ cẩm để bán, cho hay: “Ngày xưa, con gái Châu Mạ mới 10 tuổi đã biết cách dệt thổ cẩm, rồi tự may trang phục để mặc. Một tấm thổ cẩm được dệt ra phải trải qua nhiều công đoạn. Mỗi nhà đều tự trồng và thu hoạch bông, kéo sợi…, tất cả đều phải làm bằng tay. Người nào trồng bông nhiều, dệt thổ cẩm khéo thì có đồ đẹp mặc, chứ không có mua bán như bây giờ. Từ khi thu hoạch bông, phải mất hơn 2 tháng mới có thể cho ra một tấm thổ cẩm để làm váy. Khó nhất là công đoạn dệt thổ cẩm, đồ đẹp hay xấu đều phụ thuộc phần lớn vào người dệt”.
Ông Điểu Bảo, Trưởng ban Dân tộc tỉnh, cho biết ngoài chăm lo đời sống vật chất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Đồng Nai, tỉnh còn chú trọng việc bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Hàng năm, các cấp chính quyền đều tổ chức “Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số”, qua đó góp phần quảng bá, giới thiệu văn hóa truyền thống, tạo động lực để đồng bào gìn giữ, phát huy và tự hào với truyền thống của dân tộc mình. |
Trong khi đó, người Chơro tại xã Xuân Thiện (huyện Thống Nhất) lại truyền giữ cho con em mình nghề làm nỏ. Thuở xa xưa, cây nỏ là một vật thiêng liêng, tượng trưng cho sức mạnh và khả năng chinh phục thiên nhiên của người đàn ông Chơro. Ngày nay, cây nỏ lại trở thành một vật trang trí, một thứ để hoài niệm thời xa xưa, hoặc làm dụng cụ khi thi đấu, giao lưu.
Ông Điểu Chung (57 tuổi, ngụ ấp Xuân Thiện, xã Xuân Thiện) vừa làm nghề mộc, vừa là vận động viên bắn nỏ giành nhiều thành tích cao của tỉnh. Tại xưởng mộc của mình, ông Chung thường nhận các đơn hàng làm nỏ trang trí, hoặc tự làm chiếc nỏ để dùng đi thi đấu và dạy cho thế hệ trẻ trong làng cách sinh tồn của tổ tiên. Ông Chung cho hay, do cây nỏ sử dụng có tính sát thương nên ông không cho phép con cháu đem nỏ ra đường hoặc lấy nghịch, nếu muốn tập bắn thì phải báo với ông đưa tới bãi tập an toàn và hướng dẫn chính xác.
“Ngày xưa, để làm một cây nỏ, người đàn ông phải mất hàng tháng trời đi tìm cây, tìm dây, rồi vót tên, tất cả đều làm bằng tay nên rất lâu mới xong. Làm nỏ xong rồi còn phải đem ra căn chỉnh, bắn thử; nếu không được lại phải đem sửa tiếp. Mỗi người đàn ông Chơro trong làng đều phải biết làm nỏ để săn bắn kiếm thức ăn cho gia đình. Bây giờ có máy móc tiện lợi nên chỉ mất khoảng một tuần tôi đã làm xong một chiếc nỏ. Bù lại, giá trị truyền thống của chiếc nỏ cũng phai nhạt, từ một thứ thiết yếu trở thành một vật dùng để trang trí” - ông Chung tâm sự
* Vất vả giữ nghề
Xếp những chồng thổ cẩm đã dệt xong đợi giao cho khách hàng, bà Ka Blỏn cho biết hầu hết thanh niên trong làng Châu Mạ của bà bây giờ không còn hứng thú với trang phục thổ cẩm truyền thống, trừ những lúc bắt buộc phải mặc (dịp lễ, tết). Vì vậy, người theo học cách dệt thổ cẩm truyền thống ít dần, thổ cẩm dệt xong chủ yếu đem bán cho các khu du lịch, hoặc làm theo các đơn đặt hàng lớn. Lớp dạy nghề dệt thổ cẩm miễn phí cho người Châu Mạ mở ra cũng hiếm thấy người trẻ tuổi theo học. Ngay cả những người cao tuổi trong cộng đồng người Châu Mạ ở KP.Hiệp Nghĩa cũng ít có người nào truyền được niềm đam mê và tầm quan trọng của nghề dệt thổ cẩm đến với thế hệ sau.
Ông Điểu Chung thử cây nỏ mới làm. |
Bà Ka Blỏn cho biết, do suy nghĩ giữa các thế hệ hiện quá khác nhau nên việc người trẻ dần quên giá trị truyền thống phần nào có thể hiểu được, nhưng không thể vì vậy mà bỏ luôn phong tục xa xưa của dân tộc. “Tôi thật sự mong thời gian sắp tới chính quyền địa phương và những già làng Châu Mạ có thể quan tâm thêm, giúp bà con trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhà văn hóa của dân tộc đã là nơi dạy dệt thổ cẩm, dạy đánh cồng chiêng cho lớp trẻ, nhưng cái chính là phải làm sao khơi dậy được sự tự hào và tinh thần của mấy đứa nhỏ, đừng vì đua đòi theo cuộc sống hiện đại mà quên đi những giá trị tinh thần do tổ tiên truyền lại. Hiện nay, cồng chiêng và thổ cẩm trong nhà người Châu Mạ ở KP.Hiệp Nghĩa còn rất ít, người biết đánh cồng chiêng, biết dệt thổ cẩm ngày càng cao tuổi. Nếu không kịp vực dậy tinh thần dân tộc trong lớp thanh niên thì việc bảo tồn văn hóa của dân tộc chúng tôi sẽ gặp nhiều khó khăn” - bà Ka Blỏn bộc bạch.
Với nghề làm nỏ lại càng khó khăn hơn. Do tính ứng dụng của nó không phổ biến, nên việc có người tìm đến học nghề làm nỏ càng hiếm hơn, ông Điểu Chung chỉ có thể dạy cho con cháu vào lúc rảnh rỗi. Theo lời ông Chung, hiện còn rất ít người nắm được cách chế tạo một chiếc nỏ đúng chuẩn của người Chơro. Thế hệ trẻ Chơro bây giờ phần nhiều chọn đi làm công nhân tại các khu công nghiệp hơn là duy trì nghề truyền thống của dân tộc mình. Bởi, một phần đầu ra của sản phẩm ít, phần vì muốn làm tốt nghề thủ công này phải theo học rất lâu và có đôi tay khéo léo.
“Bây giờ giới trẻ thích những thứ làm sẵn hoặc làm dễ dàng với máy móc, chứ rất ngại làm những thứ cần tới sự khéo léo của đôi tay. Việc bảo tồn và truyền lại nghề truyền thống này gần như không thể thực hiện trong cộng đồng làng, mà chỉ ở một số gia đình. Không chỉ làm nỏ, dệt thổ cẩm mà ngay cả với những điệu múa, bài võ cổ truyền của dân tộc Chơro, nếu chúng tôi và thế hệ con cháu không ra sức giữ gìn thì chẳng mấy chốc mà mai một” - ông Điểu Chung trút bầu tâm sự.
Đăng Tùng