Báo Đồng Nai điện tử
En

Lính cứu hỏa trên sông

11:03, 22/03/2015

Đảm nhận nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ các phương tiện đường thủy trên các sông, hồ của Đồng Nai, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông thuộc Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh đã liên tục lập những chiến công thầm lặng.

 

Đảm nhận nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ các phương tiện đường thủy trên các sông, hồ của Đồng Nai, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông thuộc Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh đã liên tục lập những chiến công thầm lặng.

Luyện tập di chuyển trên cầu cảng.
Luyện tập di chuyển trên cầu cảng.

Chiếc ca nô chữa cháy chuyên dụng chở 6 chiến sĩ vừa kết thúc buổi tập rẽ sóng, lướt như bay trên mặt sông Lòng Tàu rồi nhẹ nhàng cập vào cầu cảng của Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông. Hiện nay, ngoài trụ sở chính được đặt tại Khu công nghiệp Ông Kèo (xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch), đơn vị còn một tổ chuyên trách đóng gần cầu Đồng Nai để thuận tiện cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên tuyến sông chính này.

* Khó như lái ca nô chữa cháy

Thành lập chưa đến 1 năm nhưng các chiến sĩ của đơn vị đã được trải qua các khóa huấn luyện và có kinh nghiệm chữa cháy, cứu nạn cứu hộ ở khu vực sông nước từ các đơn vị chữa cháy khác.

Theo Đại tá Nguyễn Long An, Trưởng phòng tham mưu Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh, trong quá trình huấn luyện, tất cả các chiến sĩ mới đều được làm quen với mọi môi trường, như: trên bộ, trên sông và trên cao. Sau khi được điều chuyển về các đơn vị mới, họ sẽ tiếp tục được huấn luyện chuyên sâu thêm về lĩnh vực mà đơn vị phụ trách.

“Trong nhiều lần cứu người bị nạn trên sông, hầu như người nhà nạn nhân đều tìm tới đơn vị để cảm ơn những chiến sĩ đã nhanh chóng cứu sống thân nhân họ. Đây là một nguồn động viên rất lớn để chúng tôi tiếp tục hoàn thành những nhiệm vụ được giao phó” - Thượng tá Nguyễn Quang Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông, cho biết.

“Bên cạnh các hình thức huấn luyện thể lực như thường gặp ở lực lượng vũ trang, đơn vị chúng tôi còn tổ chức cho anh em học tập, rèn luyện những kỹ năng, kỹ thuật đặc thù, như: lái ca nô, điều khiển ca nô an toàn khi chữa cháy, lặn cứu nạn cứu hộ… Khó nhất là điều khiển ca nô vững vàng trong lúc chữa cháy tàu, thuyền trên sông. Khi đó sẽ có nhiều ca nô của các đơn vị khác cùng phối hợp, chưa kể tình hình sóng gió trên sông và phản lực từ vòi phun chữa cháy nên ca nô sẽ bị lắc mạnh, xoay tròn. Nếu người lái không có kỹ năng tốt thì người điều khiển vòi sẽ té xuống sông, hoặc không phun nước trúng mục tiêu” - Thượng tá Nguyễn Quang Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên sông, chia sẻ.

Bên cạnh phòng cháy, chữa cháy trên tuyến đường sông của tỉnh, các chiến sĩ của đơn vị còn đảm nhiệm trọng trách cứu người, cứu tài sản khi xảy ra những vụ việc chìm tàu, cháy tàu, đuối nước. Tính đến nay, sau gần 10 tháng thành lập, các chiến sĩ của đơn vị đã chữa cháy, cứu nạn cứu hộ 12 trường hợp tai nạn trên sông, cứu sống 4 người và một lượng lớn tài sản.

Gặp trường hợp người bị đuối nước không thể cứu kịp thì lực lượng cứu nạn chuyên nghiệp sẽ tổ chức các đội người nhái, phối hợp cùng người dân và các đơn vị khác tiến hành tìm kiếm, trục vớt thi thể.

Trước khi cứu người trong thực tế, người lính được tập làm quen với trang thiết bị nặng hàng chục ký thông qua những bài học có độ khó cao. Ở môi trường nước tối tăm và ẩn chứa nhiều rủi ro, với hàng chục tình huống tai nạn có thể gặp phải trong quá trình cứu hộ, như: bung ống thở, bước hụt chân, bị sinh vật dưới nước tấn công…, người nhái phải biết cách quên đi nỗi sợ để bình tĩnh thao tác khi gặp sự cố.

* Chiến tích thầm lặng

Gần 10 năm công tác trong lực lượng chữa cháy, Trung úy Phùng Văn Hạnh nhớ lại, vào tối 2-11-2014, dù đang nghỉ phép nhưng khi nhận được thông tin về việc có người rơi xuống sông tại khu vực cầu Đồng Nai, anh liền chạy từ nhà đến phụ đồng đội cứu người. Hai người gặp nạn hôm đó là thủy thủ của một tàu vận tải đang neo đậu gần cầu Đồng Nai, do sơ ý lúc trên tàu nên đã bị rơi xuống sông khi trời tối.

“Nhà tôi cách cầu Đồng Nai hơn 15km, nghe đồng đội báo tin tôi đã đến đó ngay. Khi tôi tới nơi đã là 21 giờ 30, một nạn nhân đã được vớt lên, đang được đưa đi cấp cứu, còn một người đang chìm bên dưới. Chúng tôi tiếp tục triển khai ca nô, người nhái cùng với các ghe cá gần đó rà tìm nạn nhân. Thời tiết cuối năm rất lạnh, nhất là tại khu vực sông nước rộng như ở cảng, dù chỉ lái ca nô dò tìm thôi cũng đã lạnh buốt 2 bàn tay rồi. Đến tận 0 giờ 23 ngày 3-11-2014, thi thể nạn nhân cuối cùng mới tìm được. Lúc đưa được nạn nhân lên bờ cũng là lúc chúng tôi mệt lả đi vì lạnh”  - Trung úy Hạnh kể.

Ca nô tiếp cận phương tiện bị nạn trong tình huống giả định.
Ca nô tiếp cận phương tiện bị nạn trong tình huống giả định.

Để làm tốt công tác cứu nạn cứu hộ trong bất kỳ mọi tình huống, hàng ngày các ca nô luôn đưa chiến sĩ đến tập luyện tại nhiều đoạn sông khác nhau để quen với dòng chảy, địa hình. Những chuyến khảo sát luồng nước, tổ chức người nhái tập luyện tại các cảng lớn, nhỏ cũng được tiến hành liên tục ở nhiều nhánh sông Đồng Nai và các tỉnh giáp ranh.

Ngụp lặn dưới làn nước để tìm kiếm, trục vớt tài sản, thi thể nạn nhân là công việc chứa đầy rủi ro mà tự bản thân chiến sĩ phải tìm cách vượt qua vì xung quanh không ai biết để giúp đỡ. Đó là chưa kể các tình huống chiến sĩ cảm thấy “choáng” khi tìm thấy các thi thể nạn nhân đang trong giai đoạn phân hủy.

“Trong lần tìm kiếm thi thể nạn nhân đuối nước ở cầu Hóa An (TP.Biên Hòa) ngày 19-5-2014, tôi cùng đồng đội dàn đội hình lặn dưới sông thì bị nước xoáy bất ngờ nên bị sốc, ép màng nhĩ dẫn đến chảy máu mũi, tai, miệng. Vì ở dưới nước sâu nên đồng đội không ai biết để hỗ trợ. Tôi phải giữ bình tĩnh thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Nhiều người nghĩ việc cứu người bị đuối nước là đơn giản nhưng thật ra rất khó và nguy hiểm, nếu không biết cách giữ bình tĩnh cho nạn nhân thì họ có thể kéo cả người cứu hộ chìm xuống nước” - Trung sĩ Đào Ngọc Khoa tâm sự.

Với mỗi chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, việc trục vớt người, phương tiện bị nạn dưới sông thật sự là một cuộc chiến. Nếu vượt qua được sự sợ hãi của bản thân, người lính sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ và từ đó sẽ tạo tâm lý tự tin cho những nhiệm vụ tiếp theo.

Đăng Tùng

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều