Kiểm tra những mối nối, đường may trên cánh diều dài hơn 4m, anh Lê Đức Duy (30 tuổi, ngụ KP.5, phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) quay sang nói với tôi: "Hôm nay chúng tôi thả thử con diều này, cũng cất trong kho được cả năm rồi, giờ đem ra thử lại xem thế nào. Còn bộ sáo này cũng đem theo luôn để thử xem có bị hư hỏng gì không, thả diều mà không có sáo thì còn gì thú vị".
Kiểm tra những mối nối, đường may trên cánh diều dài hơn 4m, anh Lê Đức Duy (30 tuổi, ngụ KP.5, phường Hố Nai, TP.Biên Hòa) quay sang nói với tôi: “Hôm nay chúng tôi thả thử con diều này, cũng cất trong kho được cả năm rồi, giờ đem ra thử lại xem thế nào. Còn bộ sáo này cũng đem theo luôn để thử xem có bị hư hỏng gì không, thả diều mà không có sáo thì còn gì thú vị”. Anh Duy cười rồi đem hơn mười bộ sáo diều đủ loại đặt trước mặt tôi.
Anh Lê Đức Duy kiểm tra lại dàn sáo trước khi thả. |
Đưa bàn tay che trán, anh Duy nheo nheo con mắt nhìn về phía con dốc ở KP.8, phường Hố Nai, rồi quay xuống nói với tôi: “Nắng như vậy là đẹp rồi, mỗi người một tay khiêng mấy con diều và bộ sáo đi, kẻo lát nữa đông người khó thả diều lớn”. Ngay sau câu nói của anh Duy trong nhóm mỗi người khiêng một con diều và một dàn sáo đi về phía sân bóng Lộc Lâm trên đỉnh dốc.
* Gia đình họ nhà “diều”
Nức tiếng ở phường Hố Nai về nghề làm diều và thả sáo diều, anh em Lê Đức Duy, Lê Đức Tâm còn thường xuyên đem diều của mình đi thi ở các hội thả diều khắp nơi. Gần đây nhất, họ đã đoạt giải khuyến khích trong hội thi thả diều Việt Nam lần 2 năm 2013 được tổ chức ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Anh Duy cho biết mấy thế hệ gia đình anh đều truyền lại cho con cháu thú chơi này, từ ông nội, cha anh, giờ là hai anh em, ai cũng là những tay chơi sáo diều nức tiếng một thời. Diều có nhiều loại, nhiều kích thước khác nhau, diều càng lớn thì cách chơi càng công phu. “Diều nhỏ khoảng 2-3m thì chỉ cần 1 người giữ dây, 1 người ném diều là được. Nhưng với những con diều 4-5m, thậm chí là 10m thì cần nhiều người giữ dây và cách thả cũng khác. Ngày xưa, nghe cha tôi kể nhiều người sử dụng vải dù quân đội để làm diều nên rất nhẹ mà chắc, bay được xa. Giờ thì đa dạng chủng loại và màu sắc hơn nên chúng tôi cũng có nhiều sự lựa chọn trong việc trang trí diều” - vừa đi bộ anh Duy vừa kể cho chúng tôi nghe.
“Anh em tôi từ nhỏ đã theo các anh, các chú đi thả diều, rồi học làm sáo diều, sau lớn lên lại cùng đi tìm nguyên vật liệu để làm sáo diều, diều chuồn chuồn cho mấy đứa nhỏ trong khu phố chơi. Lớn hơn nữa thì chúng tôi tìm đến những hội thi diều để so tài cùng nhiều người khác, cuộc sống của anh em chúng tôi lớn lên cùng cánh diều, thú chơi này là một nét đặc trưng của người dân nơi đây, anh chúng tôi cũng chỉ làm nốt bổn phận của thế hệ đi sau là gìn giữ và lưu truyền lại mà thôi” - anh Lê Đức Duy tâm sự. |
Làm diều thì sử dụng bất kỳ loại gỗ nào cũng được, nhưng tốt nhất phải là tre già, nếu tre bị cong thì tuyệt đối không được hơ lửa để uốn mà phải dùng vật nặng uốn dần dần. Anh Duy cho biết làm như vậy cây tre sẽ được bẻ thẳng lại một cách tự nhiên, còn hơ lửa sẽ khiến tre giảm tuổi thọ khi làm khung diều. Làm diều đã khó là thế thì làm được một dàn sáo còn khó gấp nhiều lần. “Điểm đặc biệt của sáo diều chính là dàn sáo gắn trên thân diều, nếu như sáo không kêu thì sáo diều sẽ không khác gì diều thường” - anh Duy nhấn mạnh. Dàn sáo được cấu tạo từ những ống sáo có kích thước khác nhau, xếp từ lớn tới nhỏ thành một hình tháp xuôi. Tre để làm sáo phải chọn cây tre thật già, phần được dùng làm sáo phải có độ dài, độ dày bằng nhau. Sau khi chọn được phần tre ưng ý, người làm diều sẽ cưa thẳng những phần bằng nhau rồi mài mỏng xung quanh sao cho khi thả xuống nước, ống tre nổi đều là được. “Làm như thế để âm thanh phát ra đều nhau không bị biến dạng” - anh Duy giải thích. Phần đầu của sáo được dùng bằng gỗ mít, nhưng khó nhất là phần “lưỡi gà” phía bên trong sáo - bộ phận quan trọng nhất để tạo thành âm thanh từ luồng gió đi vào sáo.
Anh Lê Đức Duy kéo dây trong khi một người khác giữ diều. |
“Ban đầu anh em chúng tôi làm hoài mà không sao thành công được, tiếng phát ra từ sáo không đều và rất đục. Sau rồi đi hỏi những người lớn tuổi và áp dụng công nghệ mới là dùng âm kế để đo mức âm thanh phát ra, từ đó chúng tôi có sự điều chỉnh lại để tiếng sáo đúng theo ý mình”, anh Lê Đức Tâm (28 tuổi, em trai anh Duy) đưa cho tôi một dàn sáo rồi hướng dẫn chi tiết các bước để hoàn chỉnh một ống sáo.
* Vi vu tiếng sáo trên không
Tại sân bóng Lộc Lâm lúc này có hơn chục người đang thả diều, nhóm chúng tôi chọn một vị trí thoáng đãng và bắt đầu lắp ráp diều. Anh Duy đem ba chiếc diều sáo loại 3m, 4m và 5m để thả trước khi đem về chỉnh sửa để chuẩn bị đi thi thả diều ở Vũng Tàu vào tháng 4 sắp tới. Quan sát gió từ những ngọn cây cao xung quanh, anh Duy nói với mọi người hôm nay được gió nên sẽ thả cao hơn để thử xem âm thanh của sáo có bị trục trặc gì không.
“Một con diều dù to đến mấy cũng chỉ “cõng” được một khối lượng nhất định, ước tính một con diều 3m thì “cõng” được dàn sáo nặng khoảng 500gr. Đó cũng là lý do khi làm sáo phải rất tỉ mỉ và cẩn thận, xong ống nào là đem cân để ước lượng cho các ống sau. Ống sáo to thì cho âm thanh trầm, ống sáo nhỏ thì cho âm thanh bổng. Tùy vào yêu cầu mà chúng tôi sẽ thiết kế “lưỡi gà” để tiếng phát ra như tiếng chuông hay tiếng còi xe lửa” - vừa nói anh Duy vừa cột chặt dàn sáo vào con diều 3m.
Sáo diều “đọ tài” trên trời. |
Khi khâu chuẩn bị đã xong, anh Duy cột sợi dây nhựa vào diều và nói mọi người dạt sang hai bên, một người giữ chặt con diều khổng lồ, anh Duy thì đứng phía xa để điều khiển sợi dây. Khi đạt đến một khoảng cách nhất định giữa người điều khiển và con diều, anh Duy liền hô lớn để người giữ diều phóng con diều lên. Được gió, anh Duy nhanh chóng buông dây từ từ để con diều bay lên không trung, tiếng sáo bắt đầu cất lên trầm và vang như tiếng chuông chùa. Thấy diều đạt độ cao nhất định, anh Duy liền cột sợi dây vào gốc cây gần đó và kêu người đến giữ để tiếp tục thả con diều khác.
Những đứa trẻ thấy con diều khổng lồ phát ra tiếng kêu thì quên bẵng con diều của mình và tròn xoe mắt quan sát. Anh Tâm cho biết, ở nhà hai anh em anh thường xuyên làm diều cho những đứa trẻ trong xóm chơi, “làm riết nên cứ tới mùa diều này là tụi nhỏ quanh nhà lại chạy sang “đặt hàng” trước để chúng tôi làm. Diều thường thì mất khoảng 1 ngày là được vài cái, riêng sáo diều này thì mất cả tuần, có khi cả tháng tùy vào kích thước” - anh Tâm vừa nói chuyện vừa điều khiển con diều sáo tránh những sợi dây diều khác.
“Một chiếc sáo diều mất từ 1 tuần đến 1 tháng để làm hoàn chỉnh, trong đó thì một nửa thời gian là để làm dàn sáo. Bắt đầu từ việc tạo hình mẫu thiết kế, tìm nguyên liệu, cắt may diều, làm sáo… mỗi công đoạn có khi mất vài ngày, thậm chí cả tuần. Diều càng lớn, càng tốn thời gian và dễ bị sai sót hơn” - anh Lê Đức Tâm cho biết. |
Phía xa, anh Duy đã đưa thêm được một diều nữa lên không trung, con diều này được gắn một loại sáo khác nên âm thanh phát ra giống tiếng còi tàu xe lửa. “Đứng phía cuối gió thì nghe rõ hơn, giờ mình đứng phía đầu gió nên không nghe rõ lắm đâu. Nếu như mấy anh đứng ở phía Trảng Dài thì sẽ nghe rõ hơn đấy”, anh Duy chỉ tay về phía sau những hàng cây cao che khuất tầm nhìn.
Chẳng mấy chốc con diều còn lại cũng đã được đưa lên, nhóm mười người của anh chia thành 3 tốp điều khiển 3 con diều căng gió trên tầng không. “Hôm nào trời trong, anh em chúng tôi còn gắn đèn nhấp nháy vào diều rồi thả tới tận khuya mới hạ diều xuống. Sau một ngày đi làm mệt mỏi, còn gì tuyệt hơn là được thả hồn theo những cánh sáo diều vi vút trên cao. Khi đó những lo âu, phiền muộn gần như tan biến, con người lại được trở về với những ký ức của thời niên thiếu xa xưa…” - anh Tâm chỉ lên con diều sáo bay cao nhất và tâm sự với chúng tôi.
Đăng Tùng