Dù đã có quy định cấm nuôi gia cầm trong khu dân cư, nhưng hiện vẫn có nhiều hộ dân ở TP.Biên Hòa nuôi gia cầm, đặc biệt là nuôi gà đá, gà tre cảnh. Người nuôi ít chỉ 1-2 con, còn nuôi nhiều số lượng có thể lên đến 5-7 con. Tình trạng nuôi gà vẫn diễn ra bình thường, bất chấp nguy cơ dịch cúm gia cầm đang bùng phát.
Dù đã có quy định cấm nuôi gia cầm trong khu dân cư, nhưng hiện vẫn có nhiều hộ dân ở TP.Biên Hòa nuôi gia cầm, đặc biệt là nuôi gà đá, gà tre cảnh. Người nuôi ít chỉ 1-2 con, còn nuôi nhiều số lượng có thể lên đến 5-7 con. Tình trạng nuôi gà vẫn diễn ra bình thường, bất chấp nguy cơ dịch cúm gia cầm đang bùng phát.
Gà đá, gà tre cảnh được người nuôi đem từ nơi này sang nơi khác để đá ăn tiền, hay trình diễn giải trí dễ trở thành nguồn lây nhiễm cúm gia cầm nhanh và nguy hiểm.
* Gà đá không sợ bệnh?
Tại đường Nguyễn Ái Quốc, đoạn từ nhà sách Nguyễn Văn Cừ đến Công viên 30-4 (phường Hố Nai), chúng tôi ghi nhận việc nuôi gà đá, gà tre cảnh vẫn diễn ra bình thường. Những con gà tre dáng nhỏ bé được người nuôi nhốt vào trong lồng sắt, hoặc thả chạy rong khắp nơi trên vỉa hè.
Người dân thoải mái trao gà đá đã chết cho nhau để đem về làm thịt. |
Vào mỗi buổi sáng, nhiều người thản nhiên vệ sinh lồng gà bằng cách mang ra ngoài đường rửa, rồi đổ phân ngay miệng cống thoát nước bên đường, khiến mùi hôi bay khắp khu dân cư, nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm rất dễ xảy ra nếu những con gà này mang mầm bệnh. Dịp cuối tuần, đi sâu vào một số con hẻm ở khu vực này, rất dễ bắt gặp cảnh từng nhóm người ngồi quanh những chú gà tre màu sắc sặc sỡ để bình phẩm vật cảnh của nhau.
“Tôi nuôi 2 con gà tre để giải trí khi công việc căng thẳng. Người ta nuôi với số lượng đàn nhiều còn lo vấn đề dịch bệnh, chứ tôi chỉ có vài con thì lo lắng gì. Những lúc rảnh rỗi, tôi vẫn chải lông và cho chúng ăn uống như vật cưng mà có thấy bị bệnh gì đâu?” - ông Nguyễn Văn Tư (ngụ phường Hố Nai) chia sẻ.
Nhiều người dân tại phường Bửu Long cũng cho biết, cứ vào sáng sớm tiếng gà gáy râm ran lại vang lên từ sân vườn của không ít hộ gia đình lân cận. “Thấy giống gà tre bình thường ít khi mắc bệnh, chúng chỉ quanh quẩn trong nhà nên tôi nuôi chúng cho vui. Chuồng gà được nhốt cách ly ở tầng thượng nên vấn đề nhiễm cúm H5N1 tôi thấy không đáng ngại lắm” - ông Đỗ Văn Chí (ngụ phường Bửu Long) cho hay.
Ở các vùng nông thôn, việc nuôi gà đá diễn ra phổ biến hơn. Ngay tại Trạm xe buýt Nhơn Trạch (nằm sát đường tỉnh 25B, thuộc xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch), chúng tôi thấy rất nhiều gà đá và có cả gà mái, gà con. Trên bãi đất rộng hơn 20m2, có đến 30 chiếc lồng sắt, mỗi lồng nhốt 1 con gà đá loại lớn. Theo một chủ gà, gà đá có sức đề kháng cao hơn gà nuôi làm thịt. Việc chăm sóc gà đá cũng dễ dàng, người nuôi có thể ở bên gà nhiều giờ mà không ngại về lây nhiễm bệnh tật.
Chải từng sợi lông cho con gà đá màu đỏ nặng hơn 3kg, anh Tuấn (ngụ xã Long Tân) cho biết: “Những lúc rảnh, tôi có thể ôm gà chạy từ đây lên Biên Hòa hay về Vũng Tàu để đá chơi. Nói thật, gà đá tôi ít khi cho sử dụng thuốc, bởi nếu chích thuốc phòng dịch như mấy ông thú y tuyên truyền thì gà không chơi được nữa. Mỗi lần đá xong, tôi sẽ lấy ít nước muối loãng xoa nhẹ vào chỗ da gà bị thương là hôm sau có thể đá tiếp”.
Trong lúc anh Tuấn đang chăm sóc cho con gà “độ” của mình thì bạn của anh xách đến con gà chọi đã chết từ hôm trước rồi buông lời: “Nhậu không mày? Hôm qua con này còn đá sung lắm, vẫn đá ngon ơ. Vậy mà sáng nay kiểm tra thấy nó toi rồi. Bỏ phí lắm, làm thịt nó uống rượu thì ngon hết biết”.
Không dám làm thịt gà bệnh để nhậu, anh Tuấn đã lắc đầu từ chối bạn. Thấy vậy, bạn của anh Tuấn bèn xách con gà chết đi đến chỗ khác.
* Cần nâng cao ý thức
Dịch cúm gia cầm H5N1 đang diễn biến phức tạp, trong khi các cơ quan quản lý đang chỉ đạo gắt gao, kiểm soát tình trạng buôn bán, vận chuyển gia cầm lấy thịt ở quy mô lớn thì vấn đề phòng ngừa, chống lây nhiễm cúm gà từ chăn nuôi lẻ tẻ ở các khu dân cư vẫn đang bỏ ngỏ.
Bên cạnh đó, sự chủ quan và thiếu kiến thức của người dân sẽ tạo điều kiện cho bệnh cúm gà dễ dàng lan truyền trong cộng đồng. Khi có gà mắc bệnh, thay vì báo với chính quyền, cơ quan chức năng để đưa đi tiêu hủy, nhiều người chế biến chúng thành thức ăn. Họ đưa ra lý do hết sức hồn nhiên: “Gà nuôi vài con, chết thì đem thịt, có gì đáng lo đâu?”.
Nuôi gà đá ngay sát đường tỉnh 25B, thuộc xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch. |
Bà Lê Thị Thu Tâm, Chủ tịch UBND phường Bửu Long, cho biết: “Từ khi có thông tin dịch cúm gia cầm bùng phát ở nhiều địa phương, UBND phường đã tổ chức họp với ban điều hành các khu phố triển khai rà soát lại những điểm nuôi gà. Mỗi khi có cán bộ xuống kiểm tra, người nuôi thường ôm gà bỏ chạy nên rất khó tịch thu, xử lý.
Theo bà Tâm, chính quyền địa phương đã yêu cầu người nuôi gà đá, gà tre cảnh phải có cam kết về các điều kiện nuôi nhốt để không ảnh hưởng tới môi trường xung quanh, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch bệnh.
Một chủ quán nhậu trên đường Bùi Văn Hòa (TP.Biên Hòa) cho biết: “Món gà đá được rất nhiều thực khách ưa chuộng nên nguồn hàng hiện khá khan hiếm. Chúng tôi nhận tiêu thụ tất cả các con gà đá to, nhỏ khác nhau. Gà đá đã chết qua vài kỹ thuật sơ chế vẫn là một món ăn rất ngon”. |
Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, khẳng định: “Rất có thể những con gà đá, gà tre cảnh mà người nuôi đảm bảo an toàn với dịch bệnh kia đã nhiễm cúm gia cầm. Tình trạng người nuôi với số lượng rất ít, khi gia cầm bị chết không đem tiêu hủy mà dùng làm thức ăn vẫn còn nhiều. Thực tế, vấn đề kiểm soát việc nuôi gà đá trong khu dân cư gặp rất nhiều khó khăn. Các hộ nuôi thường không chú ý đến khâu phòng dịch nên nguy cơ bùng phát dịch rất cao”.
Cũng theo ông Quang, tiêm phòng vaccine chỉ là một trong các biện pháp để phòng dịch, vấn đề chính vẫn là người nuôi phải áp dụng đồng bộ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh luôn được đưa lên đầu. Bên cạnh đó, người dân không nên sử dụng các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch của cơ quan thú y; không tiếp tục chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ. Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân về những nguy cơ, tác hại của virus cúm gia cầm có khả năng lây lan trên người và gia cầm, nhằm nâng cao nhận thức tự bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Thanh Hải