Báo Đồng Nai điện tử
En

Trồng hoa đón tết

05:01, 21/01/2013

Dưới chân núi Chứa Chan (ấp Trung Sơn, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc), những ngày này, đồng bào dân tộc Chơ Ro tất bật với những ruộng hoa lay-ơn, cúc, thọ… xanh tốt.

Dưới chân núi Chứa Chan (ấp Trung Sơn, xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc), những ngày này, đồng bào dân tộc Chơ Ro tất bật với những ruộng hoa lay-ơn, cúc, thọ… xanh tốt.

* Rộn ràng đón xuân

Bảy năm nay, anh Kim Văn Sinh không còn cùng trai làng phiêu bạt khắp nơi làm thuê để có tiền tiêu tết. Anh quyết ở nhà trồng hoa đón xuân và có năm thu được gần chục triệu đồng. Anh Sinh thổ lộ, từ ngày khu định canh, định cư của đồng bào Chơ Ro ấp Trung Sơn được Nhà nước quan tâm xây dựng nhà ở, kéo điện, khoan giếng, mở đường và hướng dẫn kỹ thuật trồng hoa thay cho cây màu vụ đông - xuân thì đời sống đồng bào ở đây thật sự khởi sắc. “Lúc trước, cứ kết thúc vụ lúa hè - thu, mình cùng trai làng lại đi tìm việc. Đến cận ngày tết, mọi người mới quay về nhà mà trong túi chẳng được bao nhiêu tiền. Bây giờ, trai tráng trong làng không đi đâu hết, vụ lúa hè - thu vừa kết thúc là lo dọn đất trồng bắp, trồng hoa bán tết” - anh Sinh vui vẻ bày tỏ.

Vùng trồng hoa ấp Trung Sơn đã tạo nhiều việc làm cho người dân trong vùng.
Vùng trồng hoa ấp Trung Sơn đã tạo nhiều việc làm cho người dân trong vùng.

Tỉ mỉ ngắt từng nụ hoa thừa, chị Văn Trang cho hay, năm nay nhà chị xuống 3 sào hoa lay-ơn, 1 sào hoa cúc Đà Lạt và vài trăm mét vuông vạn thọ. Như mọi năm, cứ vào 24 tháng Chạp, thương lái từ các nơi hỏi đường vào khu định canh, định cư của đồng bào Chơ Ro hỏi mua hoa. Thời điểm đó, hoa đã vào kỳ thu hoạch rộ, nên nhà nào cũng tất bật tìm người nhổ hoa để xuất hàng. “Bây giờ, bà con không đi xa tìm việc nữa, mà có việc làm ngay tại làng mình. Những ngày cận tết, già trẻ, gái trai trong làng còn rủ nhau ôm hoa ra chợ ngồi bán vui lắm” - chị Văn Trang hồ hởi khoe.

Đường vào khu định canh, định cư của đồng bào Chơ Ro ấp Trung Sơn tuy nhỏ, hẹp, nhưng hoa và cây bắp lai bên đường dễ làm khách lạc lối. Trưởng ấp Trung Sơn Nguyễn Thành Ẩn bộc bạch, khu định canh, định cư của đồng bào Chơ Ro có 52 hộ và hiện chỉ còn 8 hộ nghèo. Từ ngày địa phương đẩy mạnh các chương trình khuyến nông đến với từng hộ gia đình, đồng bào không còn bỏ ruộng hoang vụ đông - xuân nữa, mà chuyển dần sang trồng bắp lai, trồng hoa bán tết. Nhờ vậy, bà con vẫn bám đất, bám làng sản xuất, tương trợ nhau trong phát triển kinh tế.

Ông Ẩn nói: “Thời điểm này 7 năm về trước, do bà con bỏ đồng trống nên đứng từ nhà này có thể nhìn thấu sang nhà kia. Bây giờ khác xưa lắm, cây bắp cao phủ đầu người, ruộng hoa thì bít hết lối đi, nhà dân xây cao phủ tầm nhìn”. Còn bà Lương Thái Choàn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hoa ấp Trung Sơn, thì tỉ tê về mô hình trồng hoa của câu lạc bộ. Theo lời bà Choàn, ấp Trung Sơn có truyền thống trồng hoa từ 20 năm qua. Hoa ở Trung Sơn phần lớn là hoa lay-ơn, huệ, cúc, vạn thọ. Năm nào cũng vậy, cứ vào độ tháng 9 âm lịch, người dân trong ấp thi nhau làm đất, đi khắp nơi sưu tầm các giống hoa thị trường tết yêu thích về trồng. “Hoa ấp Trung Sơn có mặt khắp các chợ tết ở miền Đông Nam bộ và một vài tỉnh miền Trung nữa” - bà Choàn nói.

* Khát vọng cùng hoa

Ấp Trung Sơn là nơi có diện tích trồng hoa nhiều nhất xã Xuân Trường, với gần 20 hécta (của người dân và các thành viên trong Câu lạc bộ hoa Trung Sơn). Ngoài ra, các ấp nằm ven chân núi Chứa Chan, như: Trung Lương, Trung Tín, Trung Nghĩa cũng có diện tích hoa gần 10 hécta.

Các ruộng hoa của đồng bào Chơ Ro, ấp Trung Sơn.
Các ruộng hoa của đồng bào Chơ Ro, ấp Trung Sơn.

Ông Thái Bình Tâm, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Trường, cho hay, về thổ nhưỡng và khí hậu, Xuân Trường rất thích hợp cho các loại hoa, như: lay-ơn, cúc, thọ, huệ. Vùng đất Xuân Trường còn có nguồn nước ngầm dồi dào, thuận lợi cho nhà vườn khoan giếng, lấy đủ nguồn nước tưới cho cây trồng. “Do làng hoa của đồng bào Chơ Ro thiếu đường vào nên nàng xuân và du khách đến núi Chứa Chan ngại bước vào thăm. Chính vì vậy, người ta ngắm nàng xuân từ trên đỉnh núi, chứ chưa thấy sắc xuân hiện hữu ngay dưới chân mình, qua cảnh trăm hoa khoe sắc các cánh đồng Cây Me” - ông Tâm hài hước nói.

Nhìn những ruộng hoa đang mơn mởn khoe sắc trước gió xuân, bất chợt bà Choàn chạnh lòng: “Do vùng hoa Xuân Trường còn tự phát, người trồng hoa phụ thuộc hoàn toàn vào nhu cầu thu gom của tiểu thương nên có năm hoa dội chợ không bán hết được. Vì mạnh ai nấy tìm mối lái và tự định giá khi bán nên tư thương mặc sức ép giá, hoặc thu gom cầm chừng, làm cho người trồng luôn bị thua thiệt”. Nghe bà Choàn bộc bạch đúng ý mình, ông Nguyễn Biết, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ hoa Trung Sơn, góp lời: “Có năm, tiểu thương ký hợp đồng và đặt tiền cọc với chúng tôi hẳn hoi. Nào ngờ, tết năm ấy hoa dội chợ, họ bỏ cọc, khiến chúng tôi chết đứng theo”.

Ông Đinh Văn Bình, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Trường (huyện Xuân Lộc) cho hay, hiện các cánh đồng ở Xuân Trường đều nhuộm màu xanh của cây bắp lai và hoa vụ đông - xuân. Nhờ vậy, người dân nơi đây không còn phải chạy đôn chạy đáo tìm việc khi mùa nắng đến. Cây hoa tết đã mở ra hướng sản xuất mới, như: tạo việc làm, tăng thu nhập và tạo hành lang du lịch giàu văn hóa ven núi Chứa Chan.

Trước nỗi niềm của người trồng hoa, ông Vũ Văn Chúc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Trường chia sẻ, với trách nhiệm của mình, Hội và chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều chương trình tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa cho người trồng hoa Xuân Trường. Địa phương và Hội còn tạo điều kiện cho nông dân trồng hoa tiếp cận với nguồn vốn vay tín chấp, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo từ các ngân hàng. “Đầu ra của hoa cũng như mặt hàng nông sản hiện do thị trường quyết định. Chính vì vậy, Hội thành lập Câu lạc bộ hoa Trung Sơn, ngoài việc hỗ trợ vốn, kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm, còn hướng người nông dân xây dựng vùng chuyên canh hoa bền vững, bám sát thị trường hoa tết từng năm mà hạn chế, hoặc mở rộng diện tích cho hợp lý” - ông Chúc bày tỏ.

Chị Kim Thị Lệ bày tỏ, ước gì khu định canh, định cư của đồng bào Chơ Ro ở ấp Trung Sơn của chị có được con đường rộng để dẫn du khách tham quan và mua hoa. Được như vậy, nơi đây sẽ là vùng chuyên canh hoa bán lẻ cho du khách và hoa ấp Trung Sơn sẽ được mọi người biết đến nhiều hơn, đi xa hơn, có đầu ra ổn định. “Học trồng hoa giờ không khó, cái đồng bào cần hiện nay là đầu ra của hoa. Chính vì vậy, vùng hoa Trung Sơn có phát triển còn phụ thuộc vào sự quảng bá du lịch của địa phương và sự quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông” - chị Lệ nói.

Đoàn Phú

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Hoa tươi cắm giỏ tại sài gòn