Báo Đồng Nai điện tử
En

Tuần đường ở Trảng Táo

08:04, 05/04/2012

Trưa tháng 3 gay gắt nắng, chúng tôi tập tành theo chân nhân viên tuần đường Phạm Văn Hòa (cung đường Trảng Táo), cuốc bộ trên đường ray lởm chởm đá. Khi đôi chân rã rời, chúng tôi mới nhận ra một điều: Công việc tuần đường ngoài đôi chân dẻo dai, cơ thể chịu đựng được nắng mưa, nhân viên tuần đường còn phải mỉm cười với thu nhập thấp.

Trưa tháng 3 gay gắt nắng, chúng tôi tập tành theo chân nhân viên tuần đường Phạm Văn Hòa (cung đường Trảng Táo), cuốc bộ trên đường ray lởm chởm đá. Khi đôi chân rã rời, chúng tôi mới nhận ra một điều: Công việc tuần đường ngoài đôi chân dẻo dai, cơ thể chịu đựng được nắng mưa, nhân viên tuần đường còn phải mỉm cười với thu nhập thấp.

* Tâm sự trên cung đường

Qua điện thoại di động, cung đường trưởng Nguyễn Đăng Thanh (cung đường Trảng Táo, huyện Xuân Lộc) gửi gắm chúng tôi cho nhân viên tuần đường Phạm Văn Hòa. Cũng từ điện thoại, anh Hòa nhắn gác chắn Phạm Đăng Ngọc (tại Km1620+600) bảo chúng tôi đợi anh tại đây. Theo gác chắn Ngọc, hôm nay anh Hòa tuần ca 1 (từ 6-14 giờ). Cung đường Trảng Táo dài 8 km; điểm đầu (Km1624) tiếp giáp với cung đường Gia Ray, điểm cuối (Km1618) tiếp giáp cung đường Gia Huynh. Suốt cung đường, chỉ có một gác chắn tại Km1620+600 (giao nhau với tuyến đường bộ Trảng Táo - Xuân Trường) mà thôi. “Tổ gác chắn của chúng tôi có 3 người. Khi chiều xuống, đêm về, luôn vắng bóng người qua lại nên buồn lắm”- anh Ngọc bộc bạch.

Những bước chân như diễn xiếc trên đường ray của các nhân viên tuần đường.
Những bước chân như diễn xiếc trên đường ray của các nhân viên tuần đường.

Không để chúng tôi đợi lâu, đúng 11 giờ trưa, anh Hòa đã có mặt tại gác chắn để ký sổ theo dõi (thủ tục lịch trình) và tiếp tục cùng chúng tôi lên đường về hướng Km1618 (điểm cuối cung đường giáp với cung Gia Huynh). Sau khi tạt vào ga Trảng Táo ký sổ lịch trình, chúng tôi cùng anh phơi nắng, cảm nhận được sự mệt mỏi và dẻo dai của việc tuần đường. “Nhiệm vụ của người tuần đường không chỉ mải mê đi trên các thanh sắt, mà còn phải quan sát, phát hiện các hỏng hóc trên đường ray, nhổ cỏ và tuyên truyền cho nhân dân về an toàn giao thông đường sắt”- anh Hòa cho hay.

Tổ tuần đường của anh Hòa gồm 5 thành viên, tất cả đều có tuổi nghề từ 20 năm trở lên. Cả 5 thành viên trong tổ đều có quê miền Bắc, trong đó hai lão tướng Tống Văn Đô và Trịnh Văn Dũng công tác trên 25 năm và sắp về hưu. “Mình vừa đi vừa chuyện trò cho quên mệt nhé”- anh Hòa đề nghị. Rồi anh kể cho chúng tôi nghe những vụ tai nạn đường sắt kinh người trên cung đường anh tuần tra và xảy ra trên cung đường bạn trong ca trực của anh. Như vụ tai nạn năm 1997 làm hai nhân viên tuần đường ở cung đường Suối Kiết tử vong; năm 2004, 5 thợ rừng tử nạn vì ngủ quên trên đường ray lúc nửa đêm; năm 2007, một nông dân ở tỉnh Bình Định chở 2 con đến trường bằng ròng rọc trên đường ray xe lửa bất ngờ bị đoàn tàu đụng ở một khúc quanh, người cha chỉ kịp cứu được một đứa bé. “Trên 20 năm tuần đường, tôi chứng kiến 7 vụ tai nạn lớn, nhỏ trên cung đường này. Tai nạn xảy ra đều do lỗi người dân không chấp hành quy định về an toàn đường sắt khi băng qua đường hoặc đi dọc theo đường ray”- anh Hòa tâm sự.

12 giờ trưa, nắng chói chang trên đầu, mùi xú uế dưới lớp đá thỉnh thoảng hắt vào mũi khó chịu. Tuy vậy, câu chuyện của anh Hòa đã làm cho chúng tôi quên tất cả và cảm thấy tò mò hơn. “Trước năm 2000, rừng men theo suốt cung đường. Trong quá trình tuần đường, chúng tôi luôn đối mặt với voi rừng, lâm tặc vận chuyển gỗ bằng đường ray, rắn rít và sự cô đơn” - anh Hòa bày tỏ.

* Vợ con níu chân tuần đường

Ở trạm dừng chân (Km1618), nhân viên tuần đường Lê Công Trường (cung đường Gia Huynh) vẫn chưa đến giao đổi thẻ. Qua điện thoại, anh Hòa cho biết, do nhân viên Trường đang bận vặn ốc đường ray nên 10 phút sau anh mới có mặt. Anh Hòa nhìn vào đồng hồ nói: “Theo quy định, thời gian giao đổi thẻ giữa nhân viên hai cung được phép trễ 30 phút. Ngoài thời gian đó, mình mới được phép sang cung đường bạn để gặp đồng nghiệp giao đổi thẻ tại điểm gặp nhau”.

Trong lúc ngồi đợi anh Trường, chúng tôi điện thoại trao đổi với cung đường trưởng Nguyễn Đăng Thanh. Anh Thanh cho biết, trong ngành đường sắt hiện tại công việc tuần đường rất khó tuyển nhân viên mới. Đa phần lãnh đạo phải chuyển người từ các bộ phận khác sang tăng cường. Đối tượng được điều động là người có mức lương bậc 3 trở lên (tương đương 6 năm nghề), thì may ra mới giữ chân được. Bởi theo anh Thanh, những người mới vào ngành đường sắt rất dễ bỏ việc khi bố trí họ vào tổ tuần đường. Nguyên nhân họ bỏ việc phần vì lương cơ bản thấp (dưới 2 triệu đồng/người/tháng), phần vì công việc này đòi hỏi sự kiên trì, yêu nghề và ý thức tuân thủ kỷ luật cao.

Ghé gác chắn ký sổ, giao nhận thẻ giữa các nhân viên tuần đường - quy định bắt buộc mà những người tuần đường phải tuân thủ.
Ghé gác chắn ký sổ, giao nhận thẻ giữa các nhân viên tuần đường - quy định bắt buộc mà những người tuần đường phải tuân thủ.

Nghe lóm được nội dung chúng tôi trao đổi với cung trưởng Thanh, anh Hòa chia sẻ thêm, đó cũng là “chiêu” điều chuyển người khôn khéo của lãnh đạo. Vì đã có thâm niên công tác, ít nhân viên tuần đường nào bỏ nghề. Hơn nữa, vì cuộc mưu sinh, trách nhiệm gia đình nên các anh phải bám nghề để chờ ngày về hưu. “Vì vợ con và để đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu, chúng tôi cứ lầm lũi bám đường ray, mỗi ngày 8 tiếng, trong suốt 22 năm qua. Niềm vui của anh em tuần đường là những ngày nghỉ phép năm, ca trực an toàn” - anh Hòa nói.

Không để chúng tôi và đồng nghiệp đợi lâu, anh Trường nhễ nhại mồ hôi, chống gậy băng trên đường ray, tới điểm hẹn. Sau nụ cười hiền hòa, anh Trường trình bày lý do chậm giờ là do anh phải kiểm tra thật kỹ những dấu hiệu hỏng hóc đường ray trước khi giao ca lại cho đồng nghiệp. Anh thổ lộ, người tuần đường không chỉ có trách nhiệm vặn, siết, thay các ốc vít giãn nở, bị mất..., mà các anh phải có trách nhiệm điều tra, đánh dấu hoặc báo về cho người trực cung biết, để có kế hoạch sửa chữa, phối hợp nhau bắt giữ những kẻ trộm cắp công trình đường sắt. “Trách nhiệm của chúng tôi ngoài việc đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu, còn phải nghĩ đến cuộc sống gia đình. Chỉ cần một chút lơ là, thiếu trách nhiệm, người tuần đường phải chịu trách nhiệm hình sự nếu để xảy ra sự cố đáng tiếc...” - anh Trường nói.

12 giờ 30, chúng tôi chia tay anh Trường tại nhà chờ Km1618 và cùng anh Hòa quay về ga Trảng Táo để giao ca lại cho nhân viên tuần đường Trần Đức Dũng (25 năm tuần đường) vào lúc 14 giờ. Trên đường về, anh Hòa mạnh dạn bày tỏ: Do công việc tuần đường tiêu tốn rất nhiều năng lượng và vì đồng lương thấp nên anh em luôn chắt chiu để có được tháng lương trọn vẹn đưa về cho vợ ”.

Đoàn Phú

 

 

 

Tin xem nhiều