Báo Đồng Nai điện tử
En

Mưu sinh trên quốc lộ

10:04, 13/04/2012

Bất chấp cái nắng của buổi trưa tháng tư, hơi nóng của nhựa đường phả vào mặt người, hàng ngày họ vẫn bền bỉ bám đường để mưu sinh... Những xe trái cây, những thúng bánh mì ven đường dường như chẳng còn xa lạ với khách bộ hành đường xa. Ai cũng vội vã, lướt qua thật nhanh, nhưng dường như ít ai một lần nán lại để hiểu sự vất vả của những người bám đường mưu sinh.

Bất chấp cái nắng của buổi trưa tháng tư, hơi nóng của nhựa đường phả vào mặt người, hàng ngày họ vẫn bền bỉ bám đường để mưu sinh... Những xe trái cây, những thúng bánh mì ven đường dường như chẳng còn xa lạ với khách bộ hành đường xa. Ai cũng vội vã, lướt qua thật nhanh, nhưng dường như ít ai một lần nán lại để hiểu sự vất vả của những người bám đường mưu sinh.

* “Bám” đường mưu sinh

Sáng tinh mơ, mé phải quốc lộ 51, đoạn từ thị trấn Long Thành đến xã Long Đức (huyện Long Thành), trở thành điểm lý tưởng để bày các loại trái cây, bắp luộc... Việc mua bán ở đây không thật ồn ào như mấy sạp ở chợ, nhưng cũng có những tiếng chào mời cùng lời mặc cả của khách hàng. Với người bán, chỉ cần một tấm bạt, một kệ gỗ, vài mét vuông lề đường là được ngay một cửa hàng con con. Còn những người không có điều kiện mở sạp thì cưỡi lên con “ngựa sắt”, đằng sau buộc một cái sọt chất đầy hàng, vi vu suốt ngày, hết đoạn đường này đến địa điểm kia.

Cả ngày bám đường để mưu sinh.
Cả ngày bám đường để mưu sinh.

Chị Xuân, nhà ở xã Cẩm Đường (huyện Long Thành) nhoài người để dựng đứng chiếc xe Dream sát vệ đường. 5 giờ sáng, chị đã tất tả mũ nón, cơm nước cùng mấy chục ký ổi, tiến về phía xe cộ đông đúc. Đến 7 giờ tối, chị lại hối hả chở sọt không về nhà, ăn uống, nghỉ ngơi và chuẩn bị cho công việc ngày hôm sau. Chị cũng như những người bán ổi ở đây, quanh năm phải "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Trung bình mỗi người bán được 30-40 ký ổi, trừ vốn bỏ ra, mỗi ngày kiếm được 150 ngàn đồng đổ lại, đủ để lo cho các con cơm ngày ba bữa.

Cách chỗ chị Xuân bán hàng chừng chục mét, hai thanh niên vừa xếp hàng, vừa trò chuyện rồi cười nắc nẻ bằng cái giọng miền Tây đặc sệt. Họ không hỏi sáng giờ bán được bao nhiêu ký, mà bàn toàn chuyện yêu đương. Có lẽ những câu chuyện đó giúp họ vượt qua sự nhọc nhằn khi từng giờ đối mặt với nắng mưa, bụi đường. Đến trưa, những người bán hàng ấy vẫn đứng đó, bất chấp cái nắng như lửa đốt và dòng xe cộ lúc nào cũng ngược xuôi tấp nập, vội vã.

Câu chuyện của chúng tôi với những người bám đường vẫn tiếp tục. Mắt tôi dừng lại ở một người phụ nữ dáng người nhỏ nhắn đang căng mình kéo chiếc dù lên che nắng. Mãi một lúc sau, chiếc dù mới được dựng ngay ngắn trên xe. Tôi hỏi: “Mỗi giỏ sầu riêng này chị chở bao nhiêu ký?”.Chị thở hổn hển trả lời: “Không dưới 50”. “Có cần em phụ bê xuống đất không?”. “Không cần đâu, lát nữa lại chạy vèo đi chỗ khác mà. Nhưng em giữ giùm đầu xe một lát để chị chỉnh sọt cho ngay ngắn nhé!”. Đó là chị Lê Thị Trang, người Phú Hội (huyện Nhơn Trạch). Chị Trang làm nghề bán trái cây dạo ở quốc lộ 51 đã được 3 năm, từ khi đường được triển khai mở rộng.

Chị Trang kể rằng, công việc của chị cứ di chuyển quanh năm, không quản gió mưa. Hết mùa sầu riêng chị chuyển sang bán dưa gang, ổi, xoài, mít. Thời điểm làm ăn được nhất có lẽ vào mùa nắng và những dịp nghỉ lễ, cuối tuần. "Chốc chốc mình lại chạy sang đoạn đường khác mới mong bán được nhiều hàng hơn. Làm nghề này, trưa nào cũng thức, lúc ít khách mới ngã người lên xe tranh thủ chợp mắt nhưng lại giật mình bởi tiếng còi xe và cơn nắng như thiêu đốt - chị Trang cho biết.

* Ước mơ của người bán bánh mì

Trên đoạn đường chưa đầy một cây số, từ vòng xoay ngã tư Vũng Tàu hướng về huyện Long Thành có đến hàng chục người bưng thúng bánh mì đi bán. Ai cũng dễ bắt gặp nhiều chị em phụ nữ trùm mặt luôn tay vẫy khách đi đường, để những người đi qua có thể dễ dàng tạt vào mua ít bánh mang về làm quà.

Các chị kể, lò bánh mì ở gần nên bánh lúc nào cũng nóng và giòn. Sáng sớm, mọi người dẫn nhau đội những thúng bánh mì ra đường bán, đến tối mịt lại cùng nhau mang thúng không về lò thanh toán tiền gốc. Trung bình mỗi ngày, một người bán gần 100 ổ bánh mì, ngày lễ có khi nhiều hơn. So với bán trái cây, tiền thu từ việc bán bánh mì rất ít, lại thất thường, phụ thuộc nhiều vào thời tiết.

Gói ghém thúng bánh cẩn thận xong, chị Nguyễn Thị Lan (28 tuổi) quay sang nói: “Những ngày nắng hay mát trời, khách đi đường mua rất đông. Còn gặp hôm mưa to, xem như lỗ vốn, tối về phải gặm bánh mì trừ bữa”.

Bán bánh mì ven quốc lộ 51 (đoạn ở ngã tư Vũng Tàu, phường Long Bình Tân).
Bán bánh mì ven quốc lộ 51 (đoạn ở ngã tư Vũng Tàu, phường Long Bình Tân).

Dưới cái nóng ngột ngạt, oi nồng của buổi trưa tháng 4, chúng tôi cố ngồi với những người phụ nữ bán bánh mì để xem chuyện họ bám đường kiếm tiền như thế nào. Nhưng độ 10 phút, mồ hôi khắp người chúng tôi túa ra. Hơi nóng của nhựa đường bốc lên phả vào mặt rất khó chịu. Chả trách những người làm việc này lúc nào cũng khẩu trang, áo quần kín mít, chỉ chừa hai mắt để quan sát.

Mở lớp “vỏ ngụy trang” ra uống nước, giọng chị Sen (35 tuổi, nhà ở phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) cất lên: “Ngày trước, người mua nhiều, người bán ít nên nghe rao "bánh mì Cora" ai cũng muốn mua về làm quà. Bây giờ ở đâu cũng bán bánh mì, đã vậy đoạn đường ngắn như thế này mà có tới cả chục người bán nên làm ăn khó lắm”. Hơn 6 năm bám lề đường bán bánh mì đủ để chị Sen hiểu thấu cái nghề này không thể gắn bó lâu dài. "Bây giờ chị đã có tuổi, quen lao động tự do nên muốn đi làm công ty cũng chẳng được. Chị tính bám nghề vài năm nữa, dành dụm chút vốn sẽ mở quán nước để tránh mưa nắng"- chị Sen tâm sự.

Đã có 12 năm vào Đồng Nai mưu sinh, chị Trần Thị Tuyết (quê ở Thanh Hóa) tâm sự: “Niềm hạnh phúc của tôi là được đầu tư cho tương lai của các con. Dù cuộc sống khá chật vật nhưng nhìn con cái học hành chẳng thua bạn bè, sau này có công việc ổn định là tôi mừng rồi”. Chuyện hàng ngày chắt bóp từng đồng bạc lẻ, một mình nuôi 3 con ăn học đàng hoàng như chị Tuyết được coi là điều phi thường. Chị tâm niệm, có bao nhiêu sức khỏe là có bấy nhiêu niềm hy vọng cho cuộc sống tốt đẹp. Và để thực hiện những ước mơ, hy vọng đó, chị Tuyết cũng như bao người khác lại ngày ngày bám đường mưu sinh.

Võ Nguyên

 

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích