Nghề nuôi hươu, nai lấy nhung (lộc) đã được phổ cập tới bà con nông dân ở nhiều vùng, miền. Nhung hươu, nai cũng đã trở thành mặt hàng xuất khẩu đem lại giá trị kinh tế cao. 5-7 năm trở lại đây, nhiều địa phương trong tỉnh đã nhân rộng mô hình nuôi hươu, nai lấy nhung. Người đi trước truyền nghề cho người theo sau, gom góp mỗi hộ một con để trở thành cả làng nuôi hươu, nai.
Nghề nuôi hươu, nai lấy nhung (lộc) đã được phổ cập tới bà con nông dân ở nhiều vùng, miền. Nhung hươu, nai cũng đã trở thành mặt hàng xuất khẩu đem lại giá trị kinh tế cao. 5-7 năm trở lại đây, nhiều địa phương trong tỉnh đã nhân rộng mô hình nuôi hươu, nai lấy nhung. Người đi trước truyền nghề cho người theo sau, gom góp mỗi hộ một con để trở thành cả làng nuôi hươu, nai.
Giờ đây, ông Tý, ông Châu có thể sống khỏe với nghề nuôi hươu, nai lấy nhung. Còn với những người mới vào nghề, thì dù có khó khăn đến mấy họ vẫn quyết theo nghề đến cùng.
* Nghề của cha ông
Theo con đường trải bê tông phẳng lì, chúng tôi tìm đến những trang trại nuôi hươu, nai lấy nhung lớn ở các huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu. Hầu hết những hộ dân làm nghề nuôi hươu, nai ở đây đều có gốc gác từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Sau thời kỳ đất nước đổi mới, họ bắt đầu vào Nam, đem theo vốn liếng và cái nghề nuôi hươu, nai của cha ông vào đây lập nghiệp. Vì vậy, so với các huyện, thị khác ở trong tỉnh, hai huyện Trảng Bom và Vĩnh Cửu có rất đông người “Nghệ Tĩnh” sinh sống. Nghề nuôi hươu, nai đã phát triển ở Hương Sơn, Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh), Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An)… từ những năm 20 của thế kỷ trước. Trải qua bao thăng trầm, họ cũng đúc rút cho mình nhiều kinh nghiệm để nghề nuôi hươu, nai của cha ông không bị mai một, mà ngày càng phát triển.
Ông Được bên chuồng nai nhà mình. |
Ông Nghiêm Xuân Tý (ấp Sông Mây, xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) là một người nổi tiếng trong nghề nuôi hươu, nai lấy nhung ở Đồng Nai. Trại nuôi hươu, nai của gia đình ông Tý có hơn 60 con và hầu hết đều đã cho thu hoạch. Trao đổi với chúng tôi, ông Tý cho biết: “Cũng giống như bao nghề khác, nghề nuôi hươu, nai đòi hỏi sự kỹ càng, chăm sóc tỉ mỉ. Vì chúng vốn là động vật hoang dã, từ đặc tính ăn uống, chữa bệnh đến sinh sản đều rất khác với vật nuôi gia đình”.
Quê ông vốn có truyền thống nuôi hươu lấy nhung từ bao đời nay và được coi là nghề xóa đói giảm nghèo cho người dân ở vùng quê vốn không được thiên nhiên ưu đãi. Gia đình ông Tý gắn bó với nghề này là nhờ các cụ đi trước truyền lại đến nay hơn trăm năm. Năm 1987, ông quyết định nuôi thử nghiệm hươu, nai lấy nhung trên mảnh đất Đồng Nai, với lưng vốn gần chục mẫu đất cấp theo diện làm kinh tế mới. Vừa nuôi, vừa nghiên cứu, dần dần ông đã nắm bắt được những kinh nghiệm nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Đồng Nai. Hiện tại, năm đứa con và hai người cháu của ông cũng coi nuôi hươu, nai lấy nhung là nghề nghiệp chính. Trong đó, chị Nghiêm Thị Hằng (con gái ông Tý) đã tách ra làm trại nuôi riêng với số đàn 50-60 con. Trải qua biết bao khó khăn của ngày đầu đưa hươu, nai ở quê vào vùng đất mới Đồng Nai, đến nay ông Tý có thể tự hào, vì hàng tháng trại của ông có rất nhiều người đến tham quan, học hỏi và mua con giống.
Xuất thân từ gia đình có truyền thống nuôi hươu, nai ở Hà Tĩnh, đến khi vào định cư ở Đồng Nai, bà Đoàn Thị Lý (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) vẫn ấp ủ gầy dựng lại nghề của cha ông. Từ một con nai ban đầu (được nuôi từ năm 1994), đến nay trại hươu, nai của bà đã có 12 con. “Có thời điểm gia đình tôi nuôi trên 20 con. Nay mình đã có tuổi nên giao lại cho thằng lớn. Hy vọng, mai này nó sẽ mở rộng đàn nhiều hơn nữa” - bà Lý tâm sự. Hay như gia đình ông Châu (xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu), câu chuyện về con hươu không phải kiếm kế sinh nhai mà còn vì sự say mê, gắn bó với nó. Nhớ lại ngày đầu vào vùng đất mới, ông nói: “Hồi ấy, Hiếu Liêm toàn rừng già, đường sá không được thuận lợi như bây giờ, nhưng thấy nguồn thức ăn cho hươu, nai ở đây phong phú nên tôi và gia đình quyết định đi lên từ nghề này”.
* Mạnh dạn phát triển nghề
Ai cũng biết nhung hươu, nai có giá trị cao. Ngoài công dụng bồi bổ cơ thể, nhung hươu, nai còn chữa được nhiều loại bệnh, nên các cụ thường ca ngợi nó trong 4 thứ thuốc quý: “sâm, nhung, quế, phụ”. Nhiều người trở nên giàu có nhờ nuôi hươu, nai, bởi lãi nhiều mà ít gặp rủi ro. Khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều địa phương trong tỉnh đã nhân rộng mô hình này. Người đi trước truyền lại cho kẻ theo sau, gom góp mỗi hộ một con để trở thành cả làng nuôi hươu, nai. Họ quan niệm: Yếu tố quan trọng nhất là phải nhìn vào con vật để biết tình trạng của nó như thế nào. Muốn làm được điều này, người nuôi phải thực sự xem chúng như người bạn của mình.
Với ông Hồ Văn Được (ấp Tân Đạt, xã Đồi 61, huyện Trảng Bom), nuôi nai lấy nhung được coi là nghề mới mẻ. Trước đây, nghề chính của gia đình là chăn nuôi heo, gà, nhưng dịch bệnh tai xanh đã làm cho đàn heo của gia đình ông chết khá nhiều. Sau nhiều ngày suy nghĩ, được Hội Nông dân xã động viên, nhà nước cho vay 40% tiền con giống, ông quyết định bỏ nghề nuôi heo và tận dụng chuồng trại sẵn có để chuyển sang nuôi nai. Ngày mới vào nghề, ông Được rất lo lắng, nếu chăm sóc không tốt nai có thể bị bệnh, mất sức, ảnh hưởng đến chất lượng và giá thành của nhung. Nhưng sau một thời gian bỏ công học hỏi, tìm hiểu từ những hộ nuôi thành công ở các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Long Thành…, ông Được nhận thấy nuôi nai không khó, vì chúng có sức đề kháng cao, ít khi bị bệnh. Mặt khác, thức ăn của hươu, nai cũng không kén chọn, gồm các loại lá cây và cỏ, trung bình mỗi con ăn 10kg/ngày. “Kể từ lúc thu hoạch nhung lần đầu, tôi đã hết lo lắng. Tôi cũng vừa mua thêm một cặp nai mới để mở rộng làm ăn. Tuy nhiên, nuôi nai ngại nhất là tiền vốn lớn, cặp nai to chừng 70 triệu đồng, cặp nhỏ khoảng 50 triệu đồng” - ông Được băn khoăn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Mậu, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Đồi 61, cho hay: “Địa phương hiện có 6 hộ nuôi nai với tổng đàn 11 con. Nguồn vốn cao gây khó khăn cho người nuôi, nhưng hiệu quả kinh tế đem lại rất cao”. Theo chân ông Mậu, chúng tôi tiếp tục đến với trại nuôi nai của ông Vũ Văn Thiện ở ấp Tân Phát. Hiện tại, số nai nhà ông Thiện đều đã cho thu hoạch, mỗi năm thu nhập từ việc lấy nhung khoảng 30-50 triệu đồng. Không chỉ nuôi nai lấy nhung, trại của ông Thiện còn nuôi nai cái sinh sản để tự cung cấp nguồn giống. “Chúng là loài phối giống tự nhiên và nuôi con bằng sữa mẹ đến 4 tháng tuổi mới tách ra nuôi riêng. Nai sinh sản 3 năm 2 lần và con giống khoảng 6 tháng tuổi hiện nay có giá 50 triệu đồng/cặp. Từ tháng 6 đến tháng 10 hàng năm là mùa nai cho nhung” - ông Thiện cho biết.
Với ông Thiện, nuôi nai thực sự đã giúp ông thay đổi nhận thức: Nuôi nai là một nghề và tôi coi nó như một công việc thực thụ. Không có gì không làm được nếu mình chịu khó nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Chính vì vậy, ông Thiện đã tận dụng hết diện tích đất của gia đình để trồng cỏ voi, chuối, rau các loại... cho nai ăn, và chăm bón cỏ, rau bằng chính phân của nai. Chưa hết, ông còn kết hợp nuôi thêm nhiều loại vật nuôi khác như: dê, thỏ, bò tạo thành một trang trại chăn nuôi tổng hợp. Giờ đây, nhìn cơ ngơi “đồ sộ” đang dần hái ra tiền ấy, ông Thiện thêm vững tin để quyết theo nghề đến cùng.
Hiện tại, nhu cầu nhung hươu, nai trên thị trường rất lớn. Với giá bán bình quân khoảng 25-30 triệu đồng/kg nhung hươu và 10-12 triệu đồng/kg nhung nai, nghề nuôi hươu, nai lấy nhung đã đem lại cho người dân một khoản tiền không nhỏ. Hy vọng họ sẽ trụ vững với nghề.
Võ Nguyên