Báo Đồng Nai điện tử
En

Mặt bằng vắng bóng người thuê

An Nhơn
08:32, 05/01/2024

Thông thường, vào dịp trước Tết Nguyên đán hàng năm là thời điểm thuận lợi cho việc kinh doanh buôn bán. Tuy nhiên, thị trường năm nay có phần trầm lắng so với những năm trước khi có quá nhiều mặt bằng kinh doanh phải đóng cửa vì vắng bóng người thuê.

Nhiều mặt bằng treo biển cho thuê trên đường 30-4 (TP.Biên Hòa). Ảnh: A.NHƠN
Nhiều mặt bằng treo biển cho thuê trên đường 30-4 (TP.Biên Hòa). Ảnh: A.NHƠN

Mặc dù các chủ nhà đã có các chương trình “ưu đãi” giảm giá nhưng nhiều mặt bằng kinh doanh ở TP.Biên Hòa vẫn… “ế”.

* Nhiều chương trình “ưu đãi” giảm giá

Những ngày đầu tháng 1-2024, dọc các tuyến đường chính ở TP.Biên Hòa như: Võ Thị Sáu, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Ái Quốc, 30-4, Phạm Văn Thuận, Phan Trung, Đồng Khởi… dễ dàng bắt gặp hàng loạt các mặt bằng, nhà nguyên căn bỏ trống, cửa đóng im lìm, phía trước treo biển cho thuê có kèm theo số điện thoại chủ nhà.

Hiện nay, mỗi mặt bằng cho thuê trên địa bàn TP.Biên Hòa có giá dao động từ dưới 10 triệu đồng cho đến hơn 200 triệu đồng/tháng. Việc giá cho thuê mặt bằng cao hay thấp phụ thuộc vào từng vị trí cũng như giá trị, quy mô của mặt bằng cho thuê…

Trong vai người cần thuê mặt bằng để bán quần áo, chúng tôi đã tiếp cận với một số chủ nhà cho thuê (bằng hình thức trực tiếp hoặc thông qua điện thoại ghi trên bảng thông báo cho thuê mặt bằng) và được họ đón tiếp, nói chuyện niềm nở. Thậm chí, có chủ nhà còn chủ động đưa ra phương án thương lượng, thống nhất giá cả phù hợp cho khách lựa chọn.

Tại đường Phạm Văn Thuận (P.Thống Nhất), chúng tôi gặp vợ chồng bà H. đang lau dọn nhà cửa và chỉnh sửa lại bảng cho thuê mặt bằng vì lâu ngày không có người thuê. Bà H. cho biết, ngôi nhà này có tổng diện diện tích trên 80m2 với chiều ngang 4m, dài 21m. Trước đây, gia đình bà đã cho thuê căn nhà với giá 20 triệu đồng/tháng. Bên thuê mở tiệm thuốc tây nhưng việc kinh doanh không thuận lợi nên họ quyết định trả mặt bằng. Thấy tình hình kinh tế khó khăn chung, gia đình bà quyết định giảm giá thuê nhà xuống còn 16 triệu đồng/tháng. Sau đó, khách đến thuê mặt bằng để mở tiệm cơm nhưng buôn bán ngày càng ế ẩm nên họ quyết định đóng cửa sau 1 năm cầm cự không nổi.

Tùy thuộc vào từng vị trí cũng như giá trị, quy mô mà giá thuê mặt bằng khác nhau. Trong ảnh: Một số mặt bằng cho thuê trên đường Phan Trung (TP.Biên Hòa)
Tùy thuộc vào từng vị trí cũng như giá trị, quy mô mà giá thuê mặt bằng khác nhau. Trong ảnh: Một số mặt bằng cho thuê trên đường Phan Trung (TP.Biên Hòa)

Lần này, vợ chồng bà H. tiếp tục giảm giá thuê nhà xuống còn 13 triệu đồng/tháng, thậm chí sẽ còn thương lượng giảm giá thêm trong 3 tháng đầu nếu khách xác định ở và kinh doanh buôn bán lâu dài.

“Mức giá này được xem là ưu đãi khá sâu nhưng suốt hơn 1 tháng nay chưa có khách thuê. Chưa có lần nào việc cho thuê mặt bằng lại gặp khó khăn như năm nay…” - bà H. bộc bạch.

Tương tự, gia đình bà Th. đã treo biển cho thuê mặt bằng trên đường Phan Trung (thuộc P.Tân Tiến) trong nhiều tháng qua nhưng vẫn không có người đến thuê ở và hoạt động kinh doanh. Bà Th. cho hay, ngôi nhà này có tổng diện diện tích 125m2 với chiều ngang 5m, chiều dài 25m. Trước đây, gia đình bà đã cho thuê với giá 15 triệu đồng/tháng thì một số người đến thuê để buôn bán các loại đồ ăn, thức uống. Tuy nhiên, họ chỉ cầm cự 1 thời gian ngắn rồi lần lượt trả mặt bằng vì làm ăn không hiệu quả. Lần này, gia đình bà Th. quyết định giảm giá thuê nhà xuống còn 13 triệu đồng/tháng nhưng vẫn không có người đến thuê.

“Dù đăng thông tin cho thuê khá lâu nhưng vẫn chưa tìm được khách thuê. Người ta thường gọi điện đến hỏi nhưng sau khi nghe báo giá thì không liên lạc lại, hoặc có người đến xem nhà xong rồi hứa hẹn nhưng sau đó không thấy quay lại… Sau Tết Nguyên đán, gia đình tôi phải sửa chữa lại căn nhà cho mới mẻ, khang trang để thu hút người đến thuê” - bà Th. tâm sự.

* … Nhưng vẫn “ế”

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung đã khiến ngày càng nhiều căn nhà mặt tiền ở TP.Biên Hòa rơi vào tình trạng đóng cửa, vắng khách thuê. Dù chủ nhà đã có nhiều chương trình “ưu đãi” như: thương lượng giá cả thuê; giảm giá cho thuê khá sâu; sửa chữa, nâng cấp mới mặt bằng cho thuê… nhưng lượng khách thuê cũng không có, bởi rất ít người dám mạo hiểm mở cửa hàng kinh doanh trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Trên đường Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa) có nhiều mặt bằng trống đang chờ người đến thuê

Chị N.T.K.A., một người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, quán ăn ở TP.Biên Hòa cho biết, trước đây khi còn ổn định, những dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán là thời điểm “ăn nên, làm ra” của các nhà hàng, quán ăn, đặc biệt là các nhà hàng kinh doanh lâu năm, quy mô lớn và uy tín, bởi các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên hệ đặt tiệc rất nhiều, dẫn đến doanh thu cao.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, đặc biệt trong năm 2023, do tình hình kinh tế khó khăn chung đã khiến cho các nhà hàng, quán ăn hoạt động không mấy hiệu quả. Nhiều quán mở ra rồi cố gắng hoạt động được từ vài tháng cho đến nửa năm là phải dẹp tiệm vì không cầm cự nổi trước khó khăn, thua lỗ.

“Việc các nhà hàng, quán ăn kinh doanh ế ẩm dẫn đến các vựa: hải sản, trái cây… cũng ảnh hưởng theo. Thậm chí nhiều quán cố gắng hoạt động cầm chừng thì buộc phải cắt giảm lao động. Điều này khiến nhiều người mất việc làm và cuộc sống gặp nhiều khó khăn, lại trong thời điểm Tết sắp đến gần” - chị A. chia sẻ.

Không chỉ lĩnh vực nhà hàng và quán ăn, nhiều lĩnh vực kinh doanh khác như: buôn bán quần áo, giày, dép; dịch vụ xây dựng… cũng đang gặp khó khăn. Nhiều người buộc phải trả mặt bằng vì kinh doanh ế ẩm, nợ nần.

Gia đình anh N.S.L. (ngụ xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) cho hay, năm 2018, vợ chồng anh quyết định thuê mặt bằng trên đường Đồng Khởi (thuộc P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) với giá 12 triệu đồng/tháng để bán quần áo, giày dép... Công việc làm ăn của anh trong vài năm đầu diễn ra thuận lợi, giúp kinh tế gia đình ngày càng đi vào ổn định.

Xã hội đang vận động và phát triển trong kỷ nguyên 4.0 nên các hình thức bán hàng trực tuyến được ưa chuộng. Do đó, nhiều người đã dần chọn hướng đầu tư kinh doanh online với nhiều lợi thế như: tiện lợi, chi phí thấp, ít rủi ro và tiềm năng lợi nhuận cao...

Tuy nhiên, kể từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, tình hình kinh tế khó khăn, kèm xu hướng mua quần áo trên mạng cũng khiến cho việc kinh doanh của vợ chồng anh L. Bị ảnh hưởng theo. Nguồn thu không có, trong khi anh phải bỏ ra nhiều khoản chi phí như: trả tiền thuê mặt bằng hàng tháng; trả lương cho nhân viên; chi phí cho các con ăn học…, khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

“Các mặt hàng kinh doanh của tôi chủ yếu bán cho công nhân lao động với mức thu nhập trung bình và thấp. Trong khi nhiều doanh nghiệp trong vài năm nay liên tục ngưng hoạt động vì không có đơn hàng sản xuất, khiến đời sống nhiều công nhân lao động khó khăn. Điều này đã làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh quần áo của gia đình” - anh L. tâm sự.

Đầu năm 2023, vợ chồng anh L. quyết định trả mặt bằng trên để thuê 1 địa điểm khác cũng trên đường Đồng Khởi (thuộc P.Trảng Dài, TP.BiênHòa) với giá 8 triệu đồng/tháng nhằm nỗ lực vực dậy việc kinh doanh mà mình theo đuổi nhiều năm. Tuy nhiên, việc kinh doanh buôn bán vẫn không “thuận buồm, xuôi gió”, thậm chí thua lỗ, nợ nần.

“Hiện vợ chồng tôi đã trả mặt bằng, tạm ngưng các hoạt động kinh doanh và nghỉ ngơi, đợi đến qua Tết rồi mới tính toán và chọn hướng đi phù hợp hơn. Mong rằng,  tình hình kinh tế sớm ổn định, mọi hoạt động kinh doanh trở lại bình thường để ai cũng có việc làm, có thu nhập ổn định nhằm đảm bảo cuộc sống lâu dài” - anh L. bộc bạch.

An Nhơn

 

Tin xem nhiều