Báo Đồng Nai điện tử
En

Cẩn trọng khi cho mượn, thuê xe

08:02, 10/02/2023

Thời gian qua, nhiều người vì cả nể mà cho người khác mượn hoặc thuê xe tự lái không làm hợp đồng. Thế nhưng, chỉ vì dễ dàng tin người khác nên đã tạo cơ hội cho đối tượng chiếm đoạt xe rồi đem đi cầm cố. Điều này khiến các bị hại đã mất cả mối quan hệ lẫn tài sản.

Thời gian qua, nhiều người vì cả nể mà cho người khác mượn hoặc thuê xe tự lái không làm hợp đồng. Thế nhưng, chỉ vì dễ dàng tin người khác nên đã tạo cơ hội cho đối tượng chiếm đoạt xe rồi đem đi cầm cố. Điều này khiến các bị hại đã mất cả mối quan hệ lẫn tài sản.

Tang vật trong một vụ án Công an H.Trảng Bom triệt phá liên quan đến hành vi thuê xe tự lái đi cầm cố của một nhóm đối tượng. Ảnh: TL
Tang vật trong một vụ án Công an H.Trảng Bom triệt phá liên quan đến hành vi thuê xe tự lái đi cầm cố của một nhóm đối tượng. Ảnh: TL

Theo cơ quan chức năng, việc cho thuê xe hoặc mượn xe cần phải cẩn trọng và đặt niềm tin đúng chỗ để tránh những rủi ro gặp phải.

* Cầm cố xe người khác

Đa số những người mượn xe đều là người thân, người quen với nhau nên khi cho mượn xe, bị hại rất tin tưởng đối phương. Thế nhưng, nhiều đối tượng lợi dụng sự tin tưởng của bị hại đã mượn xe hoặc thuê xe rồi đem đi cầm cố lấy tiền tiêu xài cá nhân.

Đơn cử, mới đây Viện KSND TP.Biên Hòa đã ra cáo trạng truy tố Trần Thanh Hiếu (31 tuổi, ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Cáo trạng xác định, Hiếu và anh H.V.T. là đồng nghiệp của nhau và ở chung phòng trọ tại P.Long Bình (TP.Biên Hòa). Vào tháng 2-2022, Hiếu mượn xe và giấy tờ xe hiệu Yamaha Exciter của anh T. để đi công việc. Đến ngày 20-2, do cần tiền nên Hiếu mang xe đến xã Bắc Sơn (H.Trảng Bom) cầm cố với giá 20 triệu đồng. Ngày
27-2, anh T. yêu cầu Hiếu trả xe thì Hiếu cho biết đã đem đi cầm nên anh T. trình báo công an bắt giữ Hiếu.

Có những người sau khi cho bạn mượn xe vẫn không phát hiện xe đã bị đưa đi cầm cố. Mãi cho đến khi biết xe của mình ở trong tiệm cầm đồ mới trình báo cơ quan chức năng giải quyết.

Điển hình như trường hợp của ông H.X.T. (ngụ P.Tam Phước, TP.Biên Hòa). Ông T. kể lại, ông và Trần Văn Pháp (33 tuổi, ngụ xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc) có quen biết và chơi chung với nhau.

Vào năm 2020, Pháp đến nhà mượn xe máy để có phương tiện đi làm. Hiểu được hoàn cảnh khó khăn của Pháp nên ông T. đã cho mượn xe cùng giấy tờ xe để tiện cho việc đi lại. Ngờ đâu, sau hơn 1 tháng thì ông T. phát hiện xe của mình đang ở trong tiệm cầm đồ nên trình báo công an giải quyết. Đến tháng 3-2022, Pháp bị bắt giữ về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Ngoài giao dịch cho mượn xe thì cũng có những vụ án liên quan đến việc thuê xe tự lái rồi đem đi cầm. Mới đây, TAND TP.Long Khánh đã tuyên phạt bị cáo Huỳnh Dương Khánh Hùng (42 tuổi, ngụ P.Phú Bình, TP.Long Khánh) 3 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng của Viện KSND TP.Long Khánh, Hùng có mối quan hệ quen biết và thường xuyên thuê xe ô tô tự lái của ông L.H.H. (ngụ P.Phú Bình, TP.Long Khánh) để đi giải quyết công việc. Vào ngày 15-5-2019, Hùng đến gặp ông H. tiếp tục thuê xe ô tô để đi TP.Biên Hòa và thỏa thuận bằng miệng với giá 700 ngàn đồng/ngày.

Sau khi đã thuê được xe, do cần tiền tiêu xài nên ngày 17-5-2019, Hùng đem xe đi cầm cố được 60 triệu đồng. Biết sự việc, ông H. đã trình báo công an và đến năm 2022 thì Hùng bị bắt giữ.

* Cầm xe người khác không được chủ sở hữu đồng ý là vi phạm pháp luật

Hành vi mượn xe của người khác nhưng không trả lại mà còn mang đi cầm cố khi chưa có sự cho phép của chủ sở hữu xe, làm ảnh hưởng rất lớn đến quyền sở hữu tài sản của người khác.

Thông thường khi mượn xe, các đối tượng lấy lý do như: mượn đi công việc, đi đón người nhà, thiếu phương tiện đi làm… Sau đó, đem tài sản mượn đi cầm cố, thế chấp vay tiền. Điều này đã khiến nhiều người vừa mất đi một mối quan hệ, vừa mất luôn tài sản của bản thân. Còn các cơ sở cầm cố tài sản cũng vướng vào những rủi ro không đáng có khi cầm cố tài sản sai quy định pháp luật.

Ông Trần Quốc Bảo, chủ tiệm cầm đồ Gia Phát (H.Trảng Bom) cho hay, tiệm cầm đồ hoạt động cầm cố nhiều loại tài sản khác nhau nhưng cầm cố xe vẫn là một trong những tài sản dễ rủi ro nhất. Bởi lẽ, có nhiều đối tượng đem xe (có thể xe mượn, xe thuê hoặc xe phạm tội mà có…) đến cầm cố thường dùng giấy tờ giả rất khó phát hiện. Bên cạnh đó, do lợi nhuận trong kinh doanh nên nhiều người vẫn cầm cố những tài sản chưa đúng quy định.

Luật sư Trần Thanh Tùng, Đoàn Luật sư Đồng Nai cho biết, theo quy định pháp luật, hành vi mượn xe, thuê xe của người khác rồi đem đi cầm cố có thể phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản với mức án có thể lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.

Theo quy định pháp luật, chỉ có người sở hữu hợp pháp với tài sản mới được quyền đem tài sản đi cầm cố cho người khác. Trường hợp các đối tượng lấy tài sản của người khác (khi chưa được đồng ý) đi cầm cố là đã vi phạm nguyên tắc về cầm cố tài sản. Do đó, khi đưa vụ việc ra pháp luật theo hướng hình sự hay dân sự thì giao dịch cầm cố tài sản này sẽ trở nên vô hiệu hóa và cá nhân, tổ chức nhận tài sản cầm cố buộc phải trả lại cho chủ sở hữu.

“Trong trường hợp cá nhân, tổ chức cầm cố tài sản của người khác không đúng quy định rất dễ mất tài sản và còn vướng vào vòng lao lý” - luật sư Tùng cho hay.

Cũng theo Công an tỉnh, hiện nay tình trạng nhiều đối tượng sử dụng giấy tờ giả được làm một cách tinh vi khiến cho nhiều người không phân biệt được các loại giấy tờ thật hay giả. Do đó, các cá nhân, chủ cơ sở cầm cố tài sản cần cẩn thận thực hiện việc cầm cố đúng quy định để không gặp những rủi ro đáng tiếc. Đặc biệt, đối với những người cho mượn xe, thuê xe cũng nên cẩn trọng và tìm hiểu kỹ về đối phương để không tin và giao tài sản nhầm người khiến bản thân mất cả tình cảm lẫn tài sản.

Tố Tâm

Tin xem nhiều