Báo Đồng Nai điện tử
En

Đòi nợ sai cách, hậu quả khó lường

07:04, 29/04/2022

Vay mượn tiền vốn chỉ là giao dịch dân sự nhưng vì một số người vay tiền không chịu trả đã dẫn đến những bức xúc từ phía người cho vay khiến cho giao dịch dân sự hóa hình sự. Vì đòi nợ sai cách, một số người hành xử không đúng quy định pháp luật đã tự đẩy bản thân vào vòng lao lý.

Vay mượn tiền vốn chỉ là giao dịch dân sự nhưng vì một số người vay tiền không chịu trả đã dẫn đến những bức xúc từ phía người cho vay khiến cho giao dịch dân sự hóa hình sự. Vì đòi nợ sai cách, một số người hành xử không đúng quy định pháp luật đã tự đẩy bản thân vào vòng lao lý.

Bị cáo Trần Huỳnh Thị Thu Thủy bị lãnh mức án 12 năm tù về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản khi đòi nợ. Ảnh: Tố Tâm
Bị cáo Trần Huỳnh Thị Thu Thủy bị lãnh mức án 12 năm tù về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản khi đòi nợ. Ảnh: Tố Tâm

Các chuyên gia pháp luật cho rằng, trong mọi tình huống, việc cho vay, thu hồi nợ cần phải tuân thủ các quy định pháp luật.

* Đã khó đòi tiền, còn vướng vòng lao lý

Tại phiên tòa xét xử vào ngày 25-4, bị cáo Trần Huỳnh Thị Thu Thủy (50 tuổi, ngụ TT.Tân Phú, H.Tân Phú) không kìm được những giọt nước mắt hối hận. Bị cáo có nhà cao cửa rộng, gia đình hạnh phúc, có nhiều tiền cho vay nhưng rồi chỉ vì một phút nóng giận, bức xúc nhất thời mà sa vào tù tội để rồi phải chịu mức án 12 năm tù về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Nội dung vụ án xác định, bị cáo Thủy cho chị Nguyễn Thị Tâm (ngụ H.Tân Phú) vay 700 triệu đồng, hai bên thỏa thuận lãi suất theo ngày. Đến tháng 10-2020, chị Tâm trả cho bị cáo Thủy được 300 triệu đồng, còn nợ 400 triệu đồng. Bị cáo Thủy đã đòi nợ nhiều lần nhưng chị Tâm chưa trả do chưa có tiền. Đến ngày 23-3-2021, bị cáo Thủy đến Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Tân Phú (TT.Tân Phú) thì gặp chị Tâm cầm tiền (3 tỷ đồng) đứng trước quầy làm thủ tục tất toán khoản vay. Bị cáo tiếp tục đòi nhưng chị Tâm không trả nên lợi dụng lúc chị Tâm không để ý, bị cáo Thủy đã lấy đi số tiền 500 triệu đồng, nhưng ra đến sân thì bị bắt lại.

Tương tự, có những người đòi nợ theo “kiểu giang hồ” để rồi phải vướng vào vòng lao lý với một bản án nghiêm khắc. Cụ thể, vào tháng 1-2022, bị cáo Đặng Quang Toàn (thường gọi là “Toàn đen”, 41 tuổi, ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) phải lãnh mức án 16 năm tù về tội cướp tài sản.

Cáo trạng của Viện KSND tỉnh xác định, vì để đòi số tiền ông Nguyễn Thế Thử (Giám đốc Bệnh viện Tâm Hồng Phước, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đã vay trước đó, ngày 21-12-2019, Toàn đen đến nơi làm việc đe dọa và cướp đi số tiền 500 triệu của “con nợ”. Hành vi của bị cáo đã ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương và cũng tự đẩy bản thân vào vòng lao lý với mức án nặng.

Bên cạnh đó, có những chủ nợ dù đã khởi kiện để đòi lại số tiền cho vay, nhưng vì chờ mãi vẫn không lấy được tiền nên bức xúc và trong lúc nóng giận nhất thời đã đòi nợ sai cách, rơi vào cảnh tù tội. Đơn cử như trường hợp của đối tượng Chống Sy Cẩu (56 tuổi) và Dương Thanh Trường (21 tuổi, cùng ngụ xã Phú Vinh, H.Định Quán) vừa bị Viện KSND H.Tân Phú truy tố về tội cướp tài sản.

Theo điều tra, vào năm 2018, ông Cẩu cho anh Diệp Thế Thanh (ngụ xã Phú Thịnh, H.Tân Phú) vay 42 triệu đồng. Đến năm 2019, anh Thanh đã trả được 12,5 triệu đồng; còn lại 29,5 triệu đồng anh Thanh không trả nên ông Cẩu khởi kiện lên TAND H.Định Quán và đã thắng kiện. Trong quá trình chờ kết quả thi hành án, ông Cẩu đã nhờ Trường cùng đi tìm anh Thanh đòi nợ. Vào chiều 22-10-2021, phát hiện anh Thanh chạy xe máy trên đường Tà Lài (H.Tân Phú) nên ông Cẩu cùng với Trường chặn đường lấy chiếc xe máy của anh Thanh trừ nợ. Cả hai đã bị bắt giữ ngay sau đó vì hành vi cướp tài sản.

* Đừng để chủ nợ thành bị cáo

Theo cơ quan chức năng, trong thời gian qua, chuyện người đi đòi nợ trở thành bị cáo xảy ra khá phổ biến. Trong số đó, có người vì thiếu hiểu biết pháp luật mà phạm pháp, nhưng cũng có những đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thực hiện hành vi đòi nợ theo “kiểu giang hồ” và đều phải lãnh hậu quả nặng nề.

Theo một cán bộ Công an H.Tân Phú, tình trạng cho vay mượn tràn lan hiện nay đã dẫn đến nhiều hành vi vi phạm pháp luật khác khi thu hồi nợ như: bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, cướp tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản, hủy hoại tài sản… Hiện nay, dịch vụ đòi nợ thuê đã bị “khai tử” nhưng việc thu hồi nợ, đòi nợ trên cơ sở tuân thủ các quy định pháp luật vẫn được cho phép. Do đó, người dân cần tỉnh táo và đòi nợ đúng cách, tránh vi phạm pháp luật và để lại những hậu quả đáng tiếc.

“Hiện nay, pháp luật đã có những quy định về việc đòi nợ, đồng thời ngăn cấm sử dụng bạo lực khi đòi nợ nhằm hạn chế những hành vi biến tướng từ việc đòi nợ thuê” - vị cán bộ này cho hay.

Luật sư Vũ Văn Tăng, Đoàn Luật sư Đồng Nai cho biết, một số người vì không am hiểu pháp luật nên có những hành động phạm pháp khi đòi nợ. Nhưng cũng có những người biết vay mượn nợ là giao dịch dân sự và khi không thể đạt được thỏa thuận có thể khởi kiện ra tòa án. Tuy nhiên, họ lo ngại quá trình khởi kiện bị kéo dài, tốn công sức và thi hành án cũng rất phức tạp nên đã tự đòi nợ theo cách riêng của bản thân.

“Thực tế hiện nay đòi hỏi phải có chế tài, quy định chặt chẽ, nghiêm khắc hơn nữa đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc đòi nợ trái pháp luật để tránh tình trạng hoạt động biến tướng của hoạt động “tín dụng đen”. Đồng thời, có giải pháp hữu hiệu để việc thu hồi nợ thực sự có hiệu quả, tránh những vụ việc đáng tiếc như trên xảy ra” - luật sư Tăng cho biết thêm.

Do đó, theo cơ quan chức năng, mọi hành vi của công dân đều phải tuân thủ đúng pháp luật. Tranh chấp dân sự phải để cho pháp luật giải quyết, tránh đòi nợ sai cách để lại những hậu quả nặng nề, biến tranh chấp dân sự thành vụ án hình sự.           

Tố Tâm

Tin xem nhiều