Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngăn chặn 'giang hồ' tham gia các vụ tranh chấp đất

10:10, 05/10/2020

Trong thời gian qua, Công an tỉnh và công an các địa phương đã tập trung phát hiện, xử lý nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, trong đó có băng nhóm giang hồ tham gia tranh chấp đất với người dân.

Trong thời gian qua, Công an tỉnh và công an các địa phương đã tập trung phát hiện, xử lý nhiều băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, trong đó có băng nhóm giang hồ tham gia tranh chấp đất với người dân.

Nhóm “giang hồ” tham gia tranh chấp đất tại P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa) bị công an bắt giữ cùng tang vật. Ảnh: Đình Biên
Nhóm “giang hồ” tham gia tranh chấp đất tại P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa) bị công an bắt giữ cùng tang vật. Ảnh: Đình Biên

* Mượn “giang hồ” để giải quyết tranh chấp đất

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Biên Hòa vừa ra quyết định tạm giữ hình sự 44 đối tượng tham gia vụ tranh chấp đất tại KP.4, P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa) để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng và hủy hoại tài sản.

Theo thông tin từ Công an TP.Biên Hòa, vụ việc xuất phát từ việc tranh chấp khu đất tại KP.4, P.Thống Nhất giữa vợ chồng ông N.T.H. (45 tuổi), bà M.T.H. (41 tuổi), cùng ngụ TP.Biên Hòa và bà N.T.S. (65 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa). Vụ việc này đã được công an địa phương tham mưu cho chính quyền giải quyết để đảm bảo an ninh trật tự (ANTT). Tuy nhiên, trong khi chính quyền địa phương đang lập thủ tục để giải quyết, trưa 29-9, các bên liên quan đã kéo người đến để chiếm giữ đất.

Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, đối với những người trực tiếp liên quan đến vụ tranh chấp đất nhưng có thuê mướn, kêu gọi các đối tượng “giang hồ” đến để cùng giải quyết tranh chấp cũng đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Nếu có sự bàn bạc, thống nhất từ trước về mục đích phạm tội thì những người này phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tương ứng với vai trò chủ mưu.

Theo đó, mỗi bên đã kéo hàng chục người đến chuẩn bị hung khí để hỗn chiến nhằm chiếm giữ khu đất này. Nắm được tình hình vụ việc, Công an TP.Biên Hòa đã phối hợp với Công an P.Thống Nhất nhanh chóng có mặt tại hiện trường để giải quyết và kịp thời ngăn chặn xung đột xảy ra. Trước đó, vợ chồng H. còn thuê Lâm Thanh Sang (32 tuổi, quê tỉnh Sóc Trăng) là đối tượng từng có tiền án về tội cố ý gây thương tích để giữ đất.

Không chỉ ở TP.Biên Hòa mà một số địa phương trong tỉnh cũng xảy ra tình trạng  các đối tượng “giang hồ” xen vào các vụ tranh chấp đất gây mất ANTT tại địa phương. Trước đó, tháng 7-2019, tại xã Bắc Sơn (H.Trảng Bom), lực lượng công an cũng đã vào cuộc ngăn chặn một vụ “cướp đất”, bắt xử lý một số đối tượng liên quan.

Cụ thể vào ngày 9-7-2019, do đang có tranh chấp đất với bà T.T.M.P. (ngụ  xã Bắc Sơn), Nguyễn Đình Ngọc (38 tuổi, ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) và Nguyễn Văn Việt (29 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa) kéo theo gần 20 đối tượng đến khu đất tranh chấp tại xã Bắc Sơn để chặt phá cây, rào để chiếm đất. Sau khi vào cuộc điều tra, Công an H.Trảng Bom đã bắt giữ các đối tượng trên để xử lý về hành vi hủy hoại tài sản.

* Phải ngăn chặn từ gốc

Các vụ việc trên là một trong những vấn đề đã và đang gây bức xúc cho nhiều người dân tại nhiều địa phương trong tỉnh. Xác định được tính chất của vụ việc, Ban giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các địa phương vào cuộc, điều tra, xử lý kịp thời để ngăn chặn các vụ việc gây mất ANTT tại các địa phương.

Thượng tá Phạm Hoàng Tiến, Phó trưởng Công an TP.Biên Hòa cho biết, ở góc độ pháp lý về vấn đề tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương và tòa án. Tuy nhiên, trên lĩnh vực ANTT, lực lượng công an đã chủ động xây dựng kế hoạch để kịp thời ngăn chặn, xử lý các vụ việc gây mất ANTT tại các địa phương; ngăn chặn việc sử dụng hung khí, vũ lực để giải quyết mâu thuẫn góp phần hạn chế các vụ án hình sự từ các vụ tranh chấp dân sự.

Để giải quyết tận gốc vấn đề này, theo thượng tá Phạm Hoàng Tiến không chỉ lực lượng công an mà chính quyền các địa phương và các cơ quan chức năng liên quan cũng phải có biện pháp giải quyết dứt điểm các tranh chấp giữa người dân với nhau. Bên cạnh đó, việc quản lý đất đai, tài sản và tình trạng xây dựng trái phép ở các địa phương cũng phải được thực hiện một cách chặt chẽ.

“Khi xảy ra các vấn đề tranh chấp tài sản, người dân cần bình tĩnh để tìm hướng giải quyết phù hợp, vừa bảo vệ tài sản nhưng cũng tránh những xung đột không đáng có. Nhiều người dân chỉ vì muốn thể hiện sức mạnh của mình mà đẩy các vụ việc đi quá xa dẫn đến vi phạm pháp luật” -  thượng tá Phạm Hoàng Tiến khuyến cáo.

Nhìn nhận sự việc ở góc độ pháp lý,  luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn Luật sư tỉnh) cho rằng, trong các vụ việc nói trên các đối tượng “giang hồ” được những người liên quan gọi đến để gây sức ép với đối phương nhằm chiếm lại đất đã có dấu hiệu tội phạm hình sự. Các đối tượng này nếu sử dụng hung khí, vũ khí... hô hào, chửi bới, lớn tiếng xúc phạm người khác hoặc phá hoại làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức thì đó là dấu hiệu của tội gây rối trật tự công cộng. Trong trường hợp các đối tượng sử dụng hung khí gây thương tích, giết người, bắt giữ người trái phép hoặc để hủy hoại tài sản thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh tương ứng.

Trần Danh

Tin xem nhiều