Bộ Giao thông - vận tải vừa hoàn thành dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (gọi tắt là Nghị định 46).
Bộ Giao thông - vận tải vừa hoàn thành dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (gọi tắt là Nghị định 46).
Lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý phương tiện giao thông trên tỉnh lộ 768 đoạn qua huyện Vĩnh Cửu. Ảnh: T.HẢI |
Theo đó, Bộ Giao thông - vận tải kiến nghị tăng hàng loạt mức xử phạt vi phạm giao thông, mức cao nhất lên đến 30 triệu đồng.
* Điều chỉnh tăng nặng mức xử phạt
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện cho biết, từ khi Nghị định 46 có hiệu lực đến nay, tình hình chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông của người tham gia giao thông trên toàn quốc có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trong thời gian qua vẫn còn một bộ phận người tham gia giao thông ý thức chưa cao, sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông; đi sai phần đường, làn đường; chuyển hướng đột ngột không báo tín hiệu trước…
Do đó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, việc Dự thảo sửa đổi Nghị định 46 có nhiều điều chỉnh, thay đổi theo hướng tăng nặng mức phạt hơn trước đây nhằm tăng tính răn đe với những người vi phạm các quy định pháp luật về giao thông.
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được thông qua (sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2020). Trong đó, có quy định cấm lái xe khi uống rượu, bia góp phần kiềm chế tai nạn giao thông, đảm bảo an ninh trật tự xã hội, đem lại sự bình yên cho mọi người trong tham gia giao thông. |
Theo Dự thảo sửa đổi Nghị định 46 có 20 hành vi, nhóm hành vi vi phạm giao thông sẽ tăng nặng mức xử phạt so với Nghị định 46. Cụ thể, tăng mức phạt từ 800 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng lên 16-18 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô và các xe tương tự ô tô lùi xe trên đường cao tốc; tăng từ 800 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng lên 5-6 triệu đồng và tăng thời gian tước bằng lái xe từ 1-3 tháng lên 2-4 tháng đối với người điều khiển ô tô quay đầu trên đường cao tốc; tăng mức phạt từ 300-400 ngàn đồng lên 800 ngàn đồng đến 1,2 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn
Dự thảo sửa đổi Nghị định 46 cũng điều chỉnh mức xử phạt từ 800 ngàn-1,2 triệu đồng lên 2-3 triệu đồng và tước bằng lái 2-4 tháng đối với hành vi đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển cấm đi ngược chiều (trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định); từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng lên 2-3 triệu đồng đối với các trường hợp điều khiển xe ô tô có lắp thêm đèn chiếu sáng về phía trước, phía sau, 2 bên thành xe.
Ngoài ra, Dự thảo sửa đổi Nghị định 46 cũng bổ sung phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình hoặc truyền dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô thực hiện hành vi làm sai lệch các thông tin, dữ liệu theo quy định.
“Điểm mới trong đợt điều chỉnh là tăng mức phạt và trách nhiệm với cả chủ xe, đơn vị kinh doanh vận tải. Mức phạt hành vi không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lái xe thuộc đơn vị theo quy định hoặc có tổ chức khám nhưng không đầy đủ nội dung khám theo quy định tăng mức phạt lên cao nhất với cá nhân là 7-10 triệu đồng và 14-20 triệu đồng đối với tổ chức” - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện nói.
* Uống rượu, bia, sử dụng ma túy khi lái xe bị phạt lên đến 30 triệu đồng
Theo các ngành chức năng, từ cuối năm 2018 đến nay, tại Đồng Nai và nhiều địa phương khác đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến nguyên nhân lái xe vi phạm về sử dụng ma túy, vi phạm về nồng độ cồn, đi không đúng làn đường, phần đường, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận, tạo áp lực cho công tác đảm bảo an toàn giao thông.
Lực lượng cảnh sát giao thông Trạm Kiểm soát giao thông ngã ba Thái Lan (TP.Biên Hòa) lập biên bản xử lý hành chính đối với một trường hợp vi phạm giao thông. Ảnh: T.HẢI |
Sắp tới đây, để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và ngăn chặn những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra, hầu hết các hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia đều tăng rất cao so với quy định hiện hành.
Theo Dự thảo sửa đổi Nghị định 46, mức phạt đối với tài xế vi phạm nồng độ cồn mức cao nhất (vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở) sẽ bị phạt từ 26-30 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 14-16 tháng, cao gấp nhiều lần so với trước đây. Riêng đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy tăng mức phạt tối đa từ 26-30 triệu đồng và tước bằng lái 22-24 tháng.
Trung tá Nguyễn Trung Kiên, Phó trưởng trạm Kiểm soát giao thông ngã ba Thái Lan (phụ trách tuyến quốc lộ 51) cho rằng, việc sửa đổi Nghị định 46 theo hướng tăng mức xử phạt lên, nhằm răn đe, phòng ngừa chung đối với các trường hợp người điều khiển phương tiện có uống rượu, bia, sử sụng ma túy gây tai nạn giao thông là cần thiết. Bởi hậu quả tai nạn giao thông xuất phát từ các hành vi này rất nặng nề và thảm khốc.
“Mỗi người cần thay đổi hành vi, tránh tình trạng lạm dụng rượu, bia; đồng thời tạo thói quen tuân thủ pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia” - Trung tá Nguyễn Trung Kiên nhấn mạnh.
Thanh Hải