Trong thực tế, không ít người lao động, nhất là lao động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (gỗ, may gia công...) không được người sử dụng lao động ký hợp đồng lao động (HĐLĐ).
Trong thực tế, không ít người lao động, nhất là lao động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (gỗ, may gia công...) không được người sử dụng lao động ký hợp đồng lao động (HĐLĐ).
Luật sư Vũ Ngọc Hà (phải) tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho người lao động. Ảnh minh họa |
Theo Thanh tra Sở Lao động - thương binh và xã hội, từ cuối 2018 đến nay, đơn vị này đã tiến hành thanh tra tại 30 doanh nghiệp chuyên ngành gỗ trong tỉnh. Kết quả, có đến hơn 70% số doanh nghiệp có vi phạm các quy định của pháp luật về lao động, trong đó có việc không ký HĐLĐ với người lao động, chỉ thỏa thuận bằng miệng với người lao động.
* Vì sao HĐLĐ không được ký kết
Qua công tác thanh tra, lực lượng chức năng còn phát hiện một số vi phạm khác như: doanh nghiệp có ký kết HĐLĐ với người lao động nhưng nội dung thỏa thuận chưa đầy đủ, cụ thể; chưa chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động trong thời gian không tham gia bảo hiểm thất nghiệp, không thỏa thuận trả vào lương khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc...
Luật sư Lê Tấn Tý, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn cho biết, theo Nghị định 88/2015/NĐ-CP, doanh nghiệp không ký HĐLĐ bằng văn bản đối với công việc có thời hạn từ 3 tháng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 1-20 triệu đồng, tùy số lượng người lao động mà doanh nghiệp vi phạm. |
Lý do người lao động không tham gia ký kết HĐLĐ với người sử dụng lao động là vì họ thiếu sự am hiểu pháp luật, do những lao động này xuất thân từ các vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, lao động không có tay nghề, lớn tuổi, trẻ em... Họ chỉ tập trung vào việc hoàn thành công việc được giao mà không mạnh dạn đề xuất giao kết HĐLĐ nên khi xảy ra tranh chấp lao động thì các cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Luật sư Lê Tấn Tý, Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn cho biết, nhiều doanh nghiệp thuê người lao động nhưng trốn tránh việc ký HĐLĐ nhằm né nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội và các nghĩa vụ khác cho người lao động. Theo quy định, đây là hành vi trái luật. Ngoài ra, việc người lao động làm việc không cần giao kết HĐLĐ sẽ đối diện với nhiều rủi ro, quyền lợi của người lao động không được đảm bảo.
* Bảo vệ quyền lợi cho người lao động
Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh) cho biết, HĐLĐ rất quan trọng vì đó là công cụ bảo vệ người lao động khỏi sự “chèn ép” của người sử dụng lao động. Trong thời gian qua, trung tâm đã bảo vệ thành công quyền lợi của nhiều người lao động đã được ký HĐLĐ bị các doanh nghiệp đơn phương cho nghỉ việc.
Đơn cử như trường hợp của chị H.N.H. (ngụ tại phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) bị Công ty X (Khu công nghiệp Long Bình, TP.Biên Hòa) đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Công ty lấy lý do chị H. không chấp hành sự điều chuyển của công ty sang làm ở bộ phận khác nên chấm dứt HĐLĐ với chị là thiếu cơ sở, bởi pháp luật lao động không có quy định người lao động vi phạm thì công ty điều chuyển. Từ tư vấn của các luật sư của Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn, chị H. đã khởi kiện đòi lại được quyền lợi cho mình.
Cũng theo luật sư Hà, một khi người lao động được người sử dụng lao động ký HĐLĐ (thời vụ, có thời hạn, không xác định thời hạn) thì người sử dụng lao động muốn đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với người lao động thì phải có lý do chính đáng như: người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ, những lý do bất khả kháng do thiên tai, hỏa hoạn mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc...
Ngoài ra, khi người lao động được ký HĐLĐ mà trong HĐLĐ có thỏa thuận về việc tăng lương, thưởng thì người sử dụng lao động phải thực hiện đúng. Đồng thời, người lao động là nữ sẽ được hưởng chế độ thai sản, những ngành nghề lao động nữ không được làm...
Đoàn Phú