9 tháng của năm 2018, các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT). Tuy nhiên, tình hình TNGT vẫn diễn biến phức tạp, nhất là vào các tháng cuối năm.
9 tháng của năm 2018, các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT). Tuy nhiên, tình hình TNGT vẫn diễn biến phức tạp, nhất là vào các tháng cuối năm.
Đồng Nai được biểu dương trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện. Trong ảnh: Xe tải ben chở vật liệu xây dựng vào trạm cân tại một mỏ đá ở huyện Vĩnh Cửu. |
Một số giải pháp kéo giảm TNGT được các ngành chức năng của tỉnh thực hiện hiệu quả là: khắc phục các ‘điểm đen” gây mất an toàn giao thông; giám sát xử lý xe quá tải...
* Tăng cường xử lý “điểm đen”, xe quá tải
Trong những tháng qua, Ban An toàn giao thông tỉnh phối hợp với Cục Quản lý đường bộ IV, Công an tỉnh và các đơn vị liên quan tiến hành khắc phục, xử lý xong 25/27 “điểm đen” gây mất an toàn giao thông tại các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh. Trong đó, 2 “điểm đen” đặc biệt nghiêm trọng là: nút giao ngã tư Vũng Tàu (TP.Biên Hòa) và khu vực ngã tư Dầu Giây (huyện Thống Nhất) đã được xử lý.
Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, trong 9 tháng của năm 2018, toàn tỉnh xảy ra 272 vụ TNGT, làm chết 203 người và bị thương 166 người. So với cùng kỳ, tăng 9 vụ, giảm 5 người chết và giảm 10 người bị thương. Qua phân tích của lực lượng chức năng, các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến TNGT gồm: thiếu chú ý quan sát (chiếm 20,8%), chuyển hướng sai quy định, tránh vượt sai quy định (chiếm 23,8%), lấn trái đường (chiếm 19%), không bảo đảm khoảng cách an toàn (chiếm 11,5%). |
Ngoài ra, Ban An toàn giao thông tỉnh cũng đã chủ trì, phối hợp tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động hệ thống camera giám sát tải trọng tại 27/27 mỏ đá với 35/35 trạm cân. Qua theo dõi hệ thống camera giám sát tải trọng tại các mỏ khai thác đá, lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính 71 trường hợp về bốc xếp hàng hóa lên phương tiện xe ô tô vượt tải trọng cho phép.
Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông tỉnh, kể từ khi hệ thống giám sát tải trọng phương tiện đưa vào hoạt động đã tạo nhiều thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, theo dõi cũng như xử lý vi phạm hoạt động vận tải của mỏ đá, đồng thời có tác động lớn đến ý thức của các chủ mỏ đá và tài xế trong quá trình vận chuyển vật liệu. Tải trọng được kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả hơn so với thời gian trước đây.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đánh giá Đồng Nai là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện việc giám sát tải trọng phương tiện vận chuyển tại các mỏ đá bằng camera. Trong khi nhiều địa phương chưa làm tốt công tác kiểm soát tải trọng xe thì Đồng Nai đã mạnh tay xử lý tình trạng này. Qua kết quả ban đầu, mô hình trên đã mang lại hiệu quả cao, cần nhân rộng ra các địa phương khác.
* Vẫn còn nhiều nỗi lo
Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông tỉnh, tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng của năm 2018 tuy có chuyển biến tích cực nhưng chưa thật sự bền vững, chỉ tiêu đề ra chưa đạt yêu cầu và chỉ mới giảm số người chết, người bị thương.
Lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên tuyến quốc lộ 20 đoạn qua địa bàn huyện Định Quán. Ảnh: T.HẢI |
TNGT đường bộ vẫn xảy ra chủ yếu trên các tuyến quốc lộ (chiếm 45,7% số người chết do TNGT trên địa bàn tỉnh). Trong đó, tuyến quốc lộ 56 tăng cao nhất (tăng 6 người chết) và địa bàn nông thôn (chiếm 58,4% số người chết). Những khu vực này, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trật tự an toàn giao thông, quy tắc bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông chưa được thực hiện thường xuyên.
Việc khắc phục các bất cập về hệ thống hạ tầng giao thông, xử lý tình trạng ngập nước của một số đơn vị quản lý tuyến mặc dù có triển khai thực hiện, nhưng chưa kịp thời. Nhiều vị trí trên quốc lộ 51 đến nay vẫn chưa được khắc phục theo yêu cầu của các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, TNGT đường sắt tuy giảm sâu nhưng việc xử lý triệt để tình trạng người dân xây dựng công trình trái phép, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường sắt chưa được các địa phương quan tâm đúng mức dẫn đến một số trường hợp người dân cố tình vi phạm. Nguy cơ xảy ra tai nạn vẫn luôn thường trực.
Trước những tồn tại này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh yêu cầu để kéo giảm TNGT hiệu quả, các lực lượng chức năng cần tăng cường, tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm. Ban An toàn giao thông tỉnh cần làm việc lại với các địa phương gia tăng TNGT để nắm nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại. Trong những tháng cuối năm phải thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm giảm mạnh các tiêu chí về TNGT trong năm 2018.
Thanh Hải