Công an huyện Cẩm Mỹ đang lập hồ sơ để xử lý N.T.H. (16 tuổi, ngụ xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công an huyện Cẩm Mỹ đang lập hồ sơ để xử lý N.T.H. (16 tuổi, ngụ xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Công an kiểm tra số phụ tùng xe máy mà N.T.H. chiếm đoạt của anh Th. |
Do thấy việc mua, bán hàng qua mạng ngày càng nở rộ và khá dễ dàng, H. nảy sinh ý định mua hàng qua mạng rồi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản mang đi bán lấy tiền tiêu xài. Để thực hiện ý định, H. lập một tài khoản Facebook tên Nguyễn Thanh Trúc với hình đại diện là một phụ nữ và sử dụng tài khoản trên để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
* Tưởng “dễ ăn”
Khuya 13-8, H. dùng tài khoản Facebook tên Nguyễn Thanh Trúc nhắn tin vào trang Facebook Cửa hàng phụ tùng xe máy T.Th do anh B.M.Th. (25 tuổi, ngụ xã Bàu Sen, TX.Long Khánh) làm chủ, thỏa thuận với anh Th. mua 6 cây trợ lực cho xe máy và 3 cây phuộc bình dầu trị giá hơn 7,8 triệu đồng. Anh Th. yêu cầu H. chuyển tiền trước cho anh qua số tài khoản 210.21x.xxx tại ngân hàng A. rồi sẽ chuyển hàng.
Sau khi thỏa thuận xong, H. lên mạng tải mẫu biên lai giao dịch chuyển tiền của ngân hàng A. về rồi chỉnh sửa với nội dung đã chuyển số tiền hơn 7,8 triệu đồng vào tài khoản của anh Th. Để tạo niềm tin cho người bán hàng, H. chụp hình biên lai này gửi cho anh Th. và yêu cầu gửi hàng vì đang cần gấp. Khi nhận được tin nhắn trên, nghĩ H. đã chuyển tiền nên anh Th. chuyển hàng cho H. bằng xe buýt số 22 đến ngã ba Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ). Ngày 14-8, H. nhận được số hàng trên rồi mang bán cho một thanh niên ở xã Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) được 3,6 triệu đồng.
Thấy “dễ ăn”, sáng 16-8, H. lại tiếp tục dùng tài khoản Facebook trên nhắn tin với anh Th. và đặt mua tiếp 14 pô xe máy và 5 đùm trái khế xe máy trị giá gần 17,8 triệu đồng. Sau khi thỏa thuận xong, H. cũng chụp hình biên lai chỉnh sửa nội dung chuyển tiền gửi cho anh Th. và yêu cầu gửi hàng cho H.
Kiểm tra tài khoản của mình vẫn thấy chưa nhận được tiền của 2 lần giao dịch nên anh Th. nhắn tin hỏi H. Tuy nhiên H. vẫn khăng khăng đã chuyển tiền, viện lý do khả năng trục trặc mạng nên ngân hàng chưa chuyển đến và yêu cầu anh Th. nhanh chóng gửi hàng. Anh Th. đề nghị giao hàng trực tiếp cho H. và nhận tiền thì H. không đồng ý, nằng nặc yêu cầu anh Th. thực hiện theo thỏa thuận.
Sinh nghi nhưng anh Th. vẫn đồng ý giao một phần đơn đặt hàng gồm 9 cây pô xe và 2 cặp đùm xe máy qua xe buýt số 22. Lần này, anh Th. đi theo xe buýt để giám sát. Khi H. vừa nhận hàng tại ngã ba Xuân Mỹ thì bị lực lượng Công an huyện Cẩm Mỹ phát hiện bắt giữ.
* Đề cao cảnh giác
Kinh doanh online đang trở nên phổ biến, tiện lợi, đồng thời cũng đang là “mảnh đất” mới để tội phạm lợi dụng gây án. Cả khách hàng và người kinh doanh online đều có thể trở thành nạn nhân của các loại tội phạm này.
Trung tá Nguyễn Văn Vũ, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an huyện Cẩm Mỹ cho biết kẻ lừa đảo lấy lý do không có nhiều thời gian, cần hàng gấp rồi hối thúc người bán chuyển hàng ngay. Để qua mặt, đối tượng thường giả vờ tiến hành “chuyển tiền” vào cuối ngày thứ sáu là thời điểm các ngân hàng chuẩn bị ngừng làm việc, sau đó gửi cho nạn nhân giấy chuyển tiền đã được chỉnh sửa tinh vi bằng phần mềm photoshop. Khi nạn nhân phát hiện ra thì điện thoại người mua đã ở tình trạng không liên lạc được.
Theo Trung tá Nguyễn Văn Vũ, một trong những cách thức để tránh bẫy lừa của khách hàng mua hàng online là người bán phải tìm hiểu kỹ thông tin người mua hàng. Nếu có thể, nên tìm thông tin về nhà riêng, số điện thoại cố định. Thông thường những người làm ăn nghiêm túc sẽ không ngại ngần cung cấp thông tin này.
“Để tránh bị kẻ gian lừa đảo tốt nhất bên bán buộc bên mua phải chuyển tiền trước 100% rồi mới gửi hàng cho khách, nhất là các khách hàng ở tỉnh xa. Trong trường hợp bị kẻ xấu lừa đảo, cần trình báo đến cơ quan công an; đồng thời nên thông báo rộng rãi thủ đoạn của đối tượng xấu qua internet cho mọi người biết để tránh rơi vào cảnh mất cả chì lẫn chài” - Trung tá Nguyễn Văn Vũ khuyến cáo.
Hồng Nam