Từ vụ 17 người phải nhập viện điều trị sau khi ăn hải sản tại một quán ăn trên đường Phan Trung (TP.Biên Hòa) vào ngày 11-1 cho thấy, việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng thực phẩm của quán ăn còn nhiều hạn chế. Đồng thời, việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tại các nhà hàng, quán ăn cần được chú trọng hơn nữa; vừa kiểm tra theo kế hoạch, vừa kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những vi phạm liên quan đến ATVSTP.
UBND TP.Biên Hòa cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 22 triệu đồng đối với quán ăn nói trên vì đã có một số vi phạm về ATVSTP, trong đó có các hành vi: không thực hiện đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước; không thực hiện đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn; không lưu trữ thông tin hoặc lưu trữ không đầy đủ thông tin để truy xuất nguồn gốc thực phẩm…
Việc kiểm soát chất lượng đầu vào nguồn thực phẩm tại các nhà hàng, quán ăn không khó. Điều này đòi hỏi chủ nhà hàng, quán ăn phải lựa chọn mua thực phẩm tại những cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng; bảo quản, chế biến phải đảm bảo yêu cầu về ATVSTP. Song song đó, việc định kỳ kiểm tra thực hiện quy định về ATVSTP tại các nhà hàng, quán ăn cũng là một giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn kịp thời các nguy cơ mất ATVSTP, dẫn đến ngộ độc thực phẩm.
Về lâu dài, việc kiểm soát chất lượng thực phẩm cần được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp hơn ngay từ khâu sản xuất, phân phối, vận chuyển đến tiêu thụ, chế biến. Mỗi loại thực phẩm đều có thể truy xuất nguồn gốc chi tiết để người tiêu dùng dễ dàng tra cứu thông tin cụ thể của sản phẩm.
Muốn vậy, trong thời gian tới, cần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tạo bước chuyển biến tích cực trong việc kiểm soát bảo đảm ATVSTP trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý ATVSTP để công khai, minh bạch thông tin về thực phẩm; thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm liên quan đến ATVSTP; chú trọng xây dựng và phát triển nguồn thực phẩm an toàn; bố trí nguồn lực cho công tác đảm ATVSTP; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể trong công tác đảm bảo ATVSTP …
Đặc biệt, UBND tỉnh vừa yêu cầu các sở, ngành liên quan, các địa phương cần đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về đảm bảo ATVSTP. Đổi mới hình thức, nội dung truyền thông trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm phù hợp với từng vùng, từng đối tượng; chú trọng truyền thông về trách nhiệm quản lý, đảm bảo ATVSTP, thay đổi hành vi trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, sử dụng thực phẩm…
Một khi ý thức đảm bảo ATVSTP của người dân được nâng cao; đồng thời, các quy định pháp luật về đảm bảo ATVSTP được thực thi nghiêm túc, chắc chắn sẽ hạn chế đáng kể việc sản xuất, mua bán, kinh doanh thực phẩm bẩn; góp phần kiểm soát tốt chất lượng của thực phẩm. Qua đó góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đặng Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin