Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành chăn nuôi vẫn phải nhập siêu

08:05, 23/05/2023

Việt Nam có nền nông nghiệp phát triển và nông nghiệp cũng là trụ đỡ cho nền kinh tế. Kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam những năm qua liên tục tăng trưởng khá.


Đơn cử, năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông, lâm, thủy sản là 41,25 tỷ USD; đến năm 2021 đạt hơn 48,6 tỷ USD; năm 2022 đạt 53,2 tỷ USD.

Tuy nhiên, riêng ngành chăn nuôi của Việt Nam nhiều năm qua liên tục nhập siêu. Trong đó, nước ta chủ yếu nhập khẩu thức ăn chăn nuôi (TĂCN), nguyên liệu cho sản xuất TĂCN, thịt heo, bò, gà… Theo Bộ NN-PTNT, 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi được 156 triệu USD, trong khi nhập khẩu 1,35 tỷ USD. Vì thế, thâm hụt thương mại các sản phẩm chăn nuôi lên đến 1,2 tỷ USD. Bên cạnh đó, chưa kể nguồn thịt gia cầm nhập lậu cũng khá lớn.

Tại Đồng Nai, năm 2022, chi gần 1,58 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu TĂCN và bắp để sản xuất TĂCN. Đây là 2 mặt hàng nhiều năm qua tỉnh chỉ nhập siêu chứ không xuất khẩu. Nguyên nhân là do Đồng Nai có chăn nuôi heo, gia cầm lớn nên nhiều nhà máy sản xuất TĂCN đặt trên địa bàn tỉnh. Sản phẩm làm ra vừa cung cấp cho các trang trại chăn nuôi trong tỉnh, vừa bán qua các tỉnh, thành lân cận. Do đó, các doanh nghiệp (DN) thường xuyên phải nhập khẩu nguyên liệu cho ngành sản xuất TĂCN. Đây là nghịch lý của ngành Nông nghiệp Việt Nam trong nhiều năm qua. Dù là nước có nông nghiệp phát triển, có bờ biển dài hàng ngàn km nhưng hàng năm, các DN Việt Nam vẫn chi hàng tỷ USD để nhập khẩu nguyên, phụ liệu cho ngành sản xuất TĂCN trong nước như: bắp, bột cá, khô đậu nành…

Nhiều DN trong ngành sản xuất TĂCN cho biết, họ sẵn sàng mua nguyên liệu trong nước để chủ động sản xuất, giảm chi phí vận chuyển. Thế nhưng, nguồn nguyên liệu trong nước không đủ số lượng và chưa đảm bảo chất lượng nên họ buộc phải nhập khẩu.

Hiện nay, ngành Nông nghiệp Việt Nam cũng như Đồng Nai vẫn đi theo quy trình ngược dẫn đến đôi khi cung - cầu chưa gặp được nhau. Nông dân đang sản xuất và bán những gì mình có chứ chưa phải sản xuất theo nhu cầu của thị trường. Do đó, nông sản làm ra thường gặp cảnh giá cả bấp bênh. Nếu có quy hoạch vùng nguyên liệu cho ngành chăn nuôi và gắn kết với DN để bao tiêu đầu ra, mỗi năm Việt Nam sẽ giảm được vài tỷ USD nhập khẩu nguyên liệu.

Uyển Nhi

 

Tin xem nhiều
Trang home Mèo Cưng