Báo Đồng Nai điện tử
En

Tổ yến Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc

06:12, 14/12/2022

Trong tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan đã ký Nghị định thư với Trung Quốc về xuất khẩu tổ yến. Như vậy, tổ yến Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tỷ dân và cũng là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới với nhu cầu khoảng 300 tấn/năm, chiếm 80% thị phần toàn cầu.

Trong tháng 11 vừa qua, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan đã ký Nghị định thư với Trung Quốc về xuất khẩu tổ yến. Như vậy, tổ yến Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tỷ dân và cũng là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới với nhu cầu khoảng 300 tấn/năm, chiếm 80% thị phần toàn cầu.

Cơ sở nuôi chim yến tại H.Định Quán. Ảnh: B.Nguyên
Cơ sở nuôi chim yến tại H.Định Quán. Ảnh: B.Nguyên

Đây là cơ hội lớn nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với ngành sản xuất, chế biến tổ yến vì phải đáp ứng nhiều yêu cầu của phía Trung Quốc.

* Nhiều tiêu chuẩn

Theo thông tin từ Bộ NN-PTNT, Nghị định thư xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc bao gồm 16 điều về các quy định đối với nhà nuôi chim yến, doanh nghiệp chế biến tổ yến, doanh nghiệp xuất khẩu với nhiều yêu cầu về kiểm dịch, kiểm tra, giám sát dịch bệnh và an toàn thực phẩm, về bao bì, ghi nhãn…

Về yêu cầu đối với sản phẩm tổ yến, phải là sản phẩm được hình thành/làm từ nước bọt của chim yến, đã được loại bỏ bụi bẩn, lông chim và an toàn cho người tiêu dùng với nhiều quy định trong xử lý và đáp ứng các tiêu chuẩn của Trung Quốc. Ngoài ra, sản phẩm tổ yến phải có nguồn gốc từ nhà yến được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và được cơ quan thú y giám sát dịch bệnh, không thuộc các tỉnh có bệnh cúm gia cầm trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm xuất khẩu. Sản phẩm từ các doanh nghiệp chế biến đã đăng ký và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc chấp thuận; đáp ứng các yêu cầu về bao bì và ghi nhãn sản phẩm của Trung Quốc...

Đối với cơ sở nuôi chim yến, phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và gửi danh sách cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc; phải được cơ quan thú y giám sát dịch bệnh cúm gia cầm và Newcastle. Cơ sở nuôi phải có sổ sách ghi chép nhật ký nuôi chim yến, thu hoạch tổ yến; phải được cơ quan thú y kiểm soát trong quá trình thu hoạch và vận chuyển tổ yến đến doanh nghiệp chế biến.

Đối với doanh nghiệp chế biến tổ yến, phải được Cục Thú y thẩm định, giám sát an toàn thực phẩm. Phải có hệ thống truy xuất nguồn gốc từ nhà yến đến sản phẩm xuất khẩu. Có hệ thống xử lý nhiệt hiệu quả và có hệ thống quản lý chất lượng (ví dụ HACCP, ISO…). Bên cạnh đó, phải đăng ký với Tổng cục Hải quan Trung Quốc theo Lệnh 248 và được phía Trung Quốc chấp thuận.

Một khó khăn khác là phía Trung Quốc yêu cầu tất cả các nhà yến đều phải có mã số định danh để truy xuất nguồn gốc. Trong khi đó, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong thực hiện truy xuất ID (công nhận cấp mã số định danh) nhà yến vì thực tế hiện nay đa số các nhà yến chủ yếu phát triển theo nhu cầu tự phát, chưa có quy định về thủ tục pháp lý.

* Cần liên kết lại

Theo số liệu từ Bộ NN-PTNT, hiện cả nước có trên 22 ngàn nhà nuôi chim yến. Sản lượng yến của Việt Nam khoảng 120 tấn, giá trị trên 500 triệu USD. Ngành yến Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển và tiềm năng mang lại giá trị kinh tế cao.

Riêng tại Đồng Nai, số liệu từ Chi cục Chăn nuôi - thú y Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có 933 hộ nuôi chim yến với trên 1 ngàn nhà yến; tập trung nhiều ở các huyện: Trảng Bom, Xuân Lộc, Tân Phú, Định Quán và TP.Long Khánh. Với số lượng nhà yến trên, Đồng Nai là một trong số những tỉnh, thành phát triển mạnh nghề nuôi chim yến của cả nước.

Suốt những năm qua, hầu hết các cơ sở nuôi yến trên địa bàn tỉnh đều tự thu hoạch tổ yến, tự sơ chế và bán ra thị trường. Phần lớn tổ yến thô được các cơ sở nuôi yến bán cho thương lái với giá thấp hơn nhiều so với sản phẩm đã qua sơ chế, chế biến. Giá tiêu thụ sản phẩm tổ yến thô thường không ổn định do phụ thuộc vào thương lái.

Việc tham gia xuất khẩu chính ngạch sang thị trường lớn Trung Quốc rất được các cơ sở, doanh nghiệp nuôi, chế biến tổ yến trên địa bàn Đồng Nai quan tâm. Tuy nhiên, với quy mô chăn nuôi, sản xuất nhỏ lẻ hiện nay, các doanh nghiệp, cơ sở gặp nhiều khó khăn để đáp ứng cả về tiêu chuẩn và quy mô cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp, cơ sở nuôi yến mong muốn các hiệp hội nuôi yến trong tỉnh cũng như của cả nước là cầu nối liên kết các cơ sở nuôi yến nhằm xây dựng chuỗi giá trị tổ yến Việt Nam đáp ứng được tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu.

Bộ NN-PTNT cũng đã có công văn gửi các địa phương đề nghị rà soát, đánh giá và cấp mã số cho các nhà nuôi chim yến đạt yêu cầu; xây dựng hệ thống quản lý thông tin, cơ sở dữ liệu nuôi chim yến tại địa phương để phục vụ truy xuất nguồn gốc; đồng thời, chủ động tổ chức giám sát, lấy mẫu xét nghiệm để chứng minh không có các bệnh trên đàn yến, qua đó đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến.

Về việc cấp mã số định danh để truy xuất nguồn gốc tổ yến, Hiệp hội Yến sào Việt Nam đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là UBND các tỉnh, thành sớm công nhận các cơ sở nhà yến hiện hữu đáp ứng được yêu cầu và phù hợp với công năng của nhà yến để có cơ sở pháp lý thực hiện việc cấp mã số định danh truy xuất nguồn gốc sản phẩm tổ yến.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều