Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp sản xuất vật tư nông nghiệp 'ăn đong' đơn hàng

07:07, 15/07/2022

Giá vật tư sản xuất nông nghiệp tăng cao không chỉ là nỗi lo của nông dân mà các doanh nghiệp (DN) sản xuất vật tư nông nghiệp cũng đang rơi vào cảnh khó càng thêm khó. Chưa kịp phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19, DN đã bị ảnh hưởng tình hình lạm phát trên thế giới khiến chi phí sản xuất tăng cao, sản phẩm làm ra lại tồn kho vì thị trường tiêu thụ gặp khó.

Giá vật tư sản xuất nông nghiệp tăng cao không chỉ là nỗi lo của nông dân mà các doanh nghiệp (DN) sản xuất vật tư nông nghiệp cũng đang rơi vào cảnh khó càng thêm khó. Chưa kịp phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19, DN đã bị ảnh hưởng tình hình lạm phát trên thế giới khiến chi phí sản xuất tăng cao, sản phẩm làm ra lại tồn kho vì thị trường tiêu thụ gặp khó.

Sản phẩm của Nhà máy Supper PP Long Thành tồn kho do gặp khó khăn về đầu ra. Ảnh: Bình Nguyên
Sản phẩm của Nhà máy Supper PP Long Thành tồn kho do gặp khó khăn về đầu ra. Ảnh: Bình Nguyên

Các DN đang nỗ lực tìm giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất để kìm giá vật tư nông nghiệp; đẩy mạnh khâu bán hàng để đưa sản phẩm về tận vùng sản xuất với nhiều chương trình đồng hành, chia sẻ khó khăn với nông dân trong giai đoạn hiện nay.

* Hàng tồn kho lớn

Ngay sau dịch Covid-19, giá các loại vật tư nông nghiệp, đặc biệt là giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật liên tục tăng cao và cơn sốt giá tiếp tục kéo dài đến nay. Khoảng 2 tháng trở lại đây, giá một số loại phân bón đã dần “hạ nhiệt”, đặc biệt là phân urê, loại phân được sử dụng nhiều trong sản xuất, có mức giảm giá khá nhiều, khoảng 2 triệu đồng/tấn so với đầu năm. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ phân bón vẫn khá trầm lắng.

Theo các DN sản xuất vật tư nông nghiệp, thời điểm phân bón “sốt” giá trước đó, DN vẫn bán được hàng cho các đại lý, nhưng hiện giá nhiều loại phân, thuốc “hạ nhiệt” nhưng các đại lý phân phối lại không dám nhập hàng. Đây cũng là nguyên nhân nhiều DN không chủ động sản xuất nguồn hàng dự trữ như trước, họ chỉ sản xuất khi cầm chắc các đơn hàng trong tay. Đây cũng là nguyên nhân một số DN rơi vào cảnh sản xuất cầm chừng vì không có đơn hàng trong khi trước đây họ thường nhận được đơn đặt hàng trước cả quý.

Theo đại diện Nhà máy Super PP Long Thành (Khu công nghiệp Gò Dầu, H.Long Thành), liên tục trong 2 năm 2021 và 2022, nguyên liệu nhập khẩu tăng giá “sốc” khiến giá phân bón bán ra thị trường buộc phải tăng theo. Công suất của nhà máy được thiết kế là 200 ngàn tấn/năm, nhưng từ năm 2021 đến nay, DN hoạt động chưa đến 50% công suất. Khách hàng của DN gồm các nhà máy sản xuất và các đại lý phân phối phân bón ra thị trường. Từ đầu năm đến nay, lượng hàng tồn kho của DN tăng nhanh do DN sản xuất và các đại lý phân phối đều giảm nhu cầu tiêu thụ.

Không chỉ DN trong nước mà các tập đoàn, DN có vốn đầu tư nước ngoài cũng gặp những khó khăn trên.

Tổng giám đốc Công ty CP Hữu cơ DAITO (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) Shiya Matsumura lo lắng, trong 6 tháng đầu năm 2022, sản lượng sản xuất của DN giảm 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là năm rất khó khăn với ngành sản xuất phân bón vì mọi chi phí sản xuất, nhất là giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao. Trong khi đó, đầu ra sản phẩm bị thu hẹp rất nhiều do giá nhiều loại nông sản giảm mạnh, nông dân không mặn mà, thậm chí bỏ vườn cây không đầu tư trồng trọt. 

Dẫn chứng cho khó khăn về thị trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH SITTO Việt Nam (Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa) Theerapong Ritmak cho biết thêm, tình hình xuất khẩu phân bón cũng giảm mạnh so với mọi năm. Tại thị trường nội địa, từ tháng 6 đến nay, sản lượng phân bón DN bán cho đại lý giảm khoảng 20% so với những tháng trước đó. Việc thu hồi công nợ thời gian qua cũng bị kéo dài; trước đây, công nợ của các đại lý chỉ khoảng 1 tháng thì nay kéo dài đến vài tháng. Nhiều DN đang đối mặt với bài toán khó về nguồn vốn.

* Tiếp thị sản phẩm đến tận nhà vườn

Trước bài toán khó thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu đều giảm mạnh, trong khi chi phí đầu vào lại tăng cao, các DN tìm mọi giải pháp để giảm chi phí đầu vào, hạn chế tăng giá bán sản phẩm; đầu tư hơn cho khâu phân phối, bán hàng theo hướng đưa sản phẩm đến tận tay người nông dân để giảm bớt chi phí các khâu trung gian. Ngay cả một số tập đoàn lớn có vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu làm hàng xuất khẩu cũng thay đổi kế hoạch phát triển thị trường tại chỗ, như trực tiếp cung cấp hàng qua hệ thống phân phối cấp 1, 2 chứ không phân phối qua các DN trung gian như trước. Họ quan tâm xây dựng đội ngũ nhân viên thị trường về tận nhà vườn tư vấn cho nông dân, sâu sát để hiểu rõ hơn nhu cầu của nông dân. 

Ông Shiya Matsumura chia sẻ, với tình hình này, DN có những chính sách khắt khe để cắt giảm chi phí sản xuất, trong đó có giải pháp tăng cao hiệu quả lao động. DN cũng có chính sách tiếp thị sản phẩm đến tận những đại lý phân phối nhỏ hơn để nông dân mua được sản phẩm với giá sát nhất. Dưới góc độ sản xuất, DN đang tìm giải pháp tăng sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ để giảm giá thành sản phẩm.

Là công ty con của tập đoàn đa quốc gia, Công ty TNHH SITTO Việt Nam chủ động hơn trong việc dự trữ nguồn nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, DN vẫn thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất như: tăng hiệu quả lao động; đầu tư công nghệ số trong hoạt động quản lý giúp giảm thời gian, tăng hiệu quả công việc. Với dòng sản phẩm phân hữu cơ, thuốc sinh học, DN quan tâm tìm nguồn cung nguyên liệu trong nước thay thế cho một số nguyên liệu nhập khẩu giá cao.

Theo một số tập đoàn, DN chuyên xuất khẩu các sản phẩm vật tư nông nghiệp, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu vật tư nông nghiệp, nhất là sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giảm mạnh so với cùng kỳ mọi năm. Trong đó có nguyên nhân chi phí vận chuyển hiện nay tăng rất cao nên sản phẩm của DN mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích