Năm 2016, UBND tỉnh duyệt quy hoạch 134 khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Năm 2021, UBND tỉnh quyết định bổ sung thêm 13 khu vực không đấu giá nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Năm 2016, UBND tỉnh duyệt quy hoạch 134 khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Năm 2021, UBND tỉnh quyết định bổ sung thêm 13 khu vực không đấu giá nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện chỉ có vài mỏ vật liệu san lấp (VLSL) được cấp phép, chấp thuận chủ trương và chưa có mỏ nào đưa được vật liệu ra ngoài.
Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra dự án Cải tạo đất đồi kết hợp thu hồi vật liệu san lấp tại H.Tân Phú. Ảnh minh họa: : B.MAI |
Hầu hết các địa phương, chủ đầu tư dự án hạ tầng trên địa bàn tỉnh đều mong có mỏ vật liệu để hạn chế khai thác trái phép, đảm bảo tiến độ các công trình trên địa bàn, nhưng việc thu hút nhà đầu tư khai thác dự án vẫn khó.
* Khó thu hút đầu tư
Trưởng phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và biến đổi khí hậu (Sở TN-MT) Phạm Hữu Nghĩa cho biết, Đồng Nai có nhu cầu lớn về VLSL. Để đảm bảo nguồn vật liệu cho các công trình hạ tầng và tạo điều kiện cho nhà đầu tư, năm 2016, UBND tỉnh ban hành quyết định về việc khoanh định các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Theo quyết định này, có 134 khu vực với tổng diện tích 1,8 ngàn ha. Trong đó, nhiều nhất là VLSL với 90 khu vực, tiếp đến là đá xây dựng 40 khu vực, còn lại là đất sét gạch ngói và cát.
Tuy nhiên, do quy mô từng mỏ nhỏ, thủ tục phức tạp nên không thu hút được nhiều nhà đầu tư. “Thủ tục pháp lý như nhau nhưng mỏ đá có thể khai thác sâu đến 80m, còn VLSL chủ yếu hạ độ cao đồi, cùng lắm khai thác sâu 5-10m, nguồn vật liệu thu được ít. Nhiều chủ đầu tư vướng quy định thỏa thuận mua đất với người dân nên phải có đất sẵn hoặc cần gấp nguồn VLSL mới nộp hồ sơ xin thăm dò” - ông Nghĩa thông tin.
Năm 2021, để đảm bảo nguồn VLSL cho các công trình mới, UBND tỉnh đã có văn bản kiến nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính; đồng thời, ban hành quyết định bổ sung 13 khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản với tổng diện tích hơn 94ha. Trong đó, nhiều nhất vẫn là VLSL với 12 khu vực. Hiện có 4 khu vực mỏ VLSL đang lập thủ tục thăm dò. Trong đó, 3 mỏ đã được UBND tỉnh chấp thuận lập hồ sơ thăm dò và 1 mỏ đã được UBND tỉnh cấp giấy phép. Tuy nhiên, do quá trình thực hiện các thủ tục khó khăn nên vẫn chưa có mỏ đất nào hoàn thành thủ tục để khai thác.
Đại diện Công ty CP Tư vấn và xây lắp hạ tầng Trường Thịnh cho biết, trong năm 2021, đơn vị nộp hồ sơ xin thăm dò khai thác VLSL tại xã Xuân Tây (H.Cẩm Mỹ). Dự án có quy mô 2,5ha, thuộc khu vực quy hoạch không đấu giá quyền khai thác khoáng sản của tỉnh. Hồ sơ đã được các cơ quan tỉnh, huyện thẩm định và được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Công ty vẫn đang hoàn tất các thủ tục pháp lý của dự án, quá trình này mất khá nhiều thời gian vì trải qua nhiều bước, mỗi bước phải chờ thẩm định.
* Tháng 1-2022 sẽ đưa VLSL ra khỏi mỏ
Sở TN-MT cho rằng, 5 năm tới, nhu cầu VLSL trên địa bàn tỉnh rất lớn. Không chỉ các dự án hạ tầng trọng điểm như: giao thông, sân bay, cảng biển mà khi các dự án này hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ kéo theo hàng loạt các dự án cũng có nhu cầu cao về VLSL. Đó là khu/cụm công nghiệp mới, khu nhà ở, các khu vực dịch vụ…
Do đó, ngoài các khu vực có lợi thế được đưa vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030, các địa phương tiếp tục rà soát, bổ sung khu vực khai thác khoáng sản, nhất là VLSL để phục vụ các dự án hạ tầng và xây nhà ở của người dân.
Tại cuộc họp về tiến độ thực hiện thủ tục hành chính để cấp phép khai thác, thu hồi VLSL phục vụ đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây ngày 31-12-2021, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, thời gian qua, các sở, ngành đã nỗ lực đơn giản hóa thủ tục hành chính, hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết khó khăn về VLSL nhưng đến nay các hồ sơ cấp phép khai thác, thu hồi VLSL vẫn chưa hoàn thành thẩm định để trình UBND tỉnh phê duyệt. Do đó, các sở, ngành, địa phương phải khẩn trương thẩm định hồ sơ, trình UBND tỉnh phê duyệt. Làm sao để tháng 1 này phải đưa VLSL ra khỏi mỏ.
Cụ thể, đối với 3 vị trí (1 ở H.Xuân Lộc, 2 ở H.Cẩm Mỹ) đã được chấp thuận thủ tục thăm dò, khai thác VLSL, chủ đầu tư nộp hồ sơ thẩm định, phê duyệt trữ lượng trước ngày 5-1 để Sở TN-MT và các đơn vị liên quan thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt trước ngày 15-1. Khi được phê duyệt, nhà đầu tư hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường, thiết kế mỏ, chủ trương đầu tư và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 25-1, đồng thời nộp hồ sơ cấp phép và tiến hành khai thác khoáng sản ngay trong tháng 1-2022.
Đối với các vị trí đã được chấp thuận chủ trương hạ nền, cải tạo đất nông nghiệp cũng phải nhanh chóng hoàn tất thủ tục pháp lý trong tháng 1-2022. Quá trình khai thác VLSL phải đảm bảo cao trình, độ sâu và hoàn trả mặt bằng sau khai thác, bảo vệ môi trường khu vực khai thác và vận chuyển.
Cũng theo Phó chủ tịch UBND tỉnh, tất cả các địa phương đều đang có nhu cầu lớn về VLSL. Để đảm bảo nguồn vật liệu phục vụ thi công các công trình lớn và nhà ở của người dân, hạn chế khai thác khoáng sản trái phép, các địa phương phải tăng cường công tác quản lý, liên tục bổ sung thêm các khu vực có tiềm năng khai thác VLSL. Chú ý kết hợp cải tạo đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp với thu hồi VLSL nhằm tránh lãng phí nguồn tài nguyên.
Ban Mai