(ĐN) - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc kiến nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính cấp phép hoạt động khai thác vật liệu san lấp để phục vụ thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
(ĐN) - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc kiến nghị đơn giản hóa thủ tục hành chính cấp phép hoạt động khai thác vật liệu san lấp để phục vụ thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Dự án xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đoạn qua địa bàn tỉnh đang gặp khó khăn do thiếu nguồn đất phục vụ đắp nền đường |
Theo UBND tỉnh, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang triển khai thi công đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, chuẩn bị triển khai các tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, Biên Hòa - Vũng Tàu, sân bay Long Thành và nhiều công trình giao thông trọng điểm khác. Do vậy cần rất lớn nguồn đá xây dựng, vật liệu san lấp để thi công các dự án.
Đối với việc cấp phép các mỏ đá, tỉnh Đồng Nai đã đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ thi công các dự án trọng điểm của địa phương, TP.HCM và các tỉnh Tây Nam bộ.
Tuy nhiên đối với đất làm vật liệu san lấp (đặc biệt là đất phún sỏi đỏ dùng làm đường giao thông) chưa đảm bảo đủ khối lượng theo yêu cầu các công trình. Nguyên nhân là do các khu đất làm vật liệu san lấp có diện tích không lớn (từ 2-5ha), chiều dày tầng đất làm vật liệu san lấp dao động từ 3-10m. Tuổi thọ mỏ thường theo tiến độ thực hiện dự án (dưới 5 năm) mặt bằng kết thúc khai thác không thay đổi mục đích sử dụng đất ban đầu.
Trong khi đó, việc cấp giấy phép khai thác vật liệu san lấp, tổ chức, cá nhân phải thực hiện đúng các bước theo quy định về khoáng sản, môi trường, đất đai, đầu tư, xây dựng gồm rất nhiều bước. Các bước để hoàn thiện hồ sơ cấp giấy phép khai thác vật liệu san lấp mất rất nhiều thời gian, thủ tục phức tạp. Từ đó dẫn đến việc các nhà đầu tư không tham gia đầu tư hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp. Ngoài ra, vật liệu san lấp chưa được quy định rõ thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Khoáng sản.
Do đó, UBND tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan rà soát bỏ bớt các thủ tục không cần thiết để thống nhất ban hành quy định về cấp giấy phép đất làm vật liệu san lấp sao cho vẫn đảm bảo việc đánh giá trữ lượng, chất lượng, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn khai thác.
Trước mắt, trong giai đoạn hiện nay, để có nguồn san lấp phục vụ thi công các công trình giao thông trọng điểm và phục vụ nhu cầu của địa phương, chấp thuận cho UBND tỉnh được cấp giấy phép hạ độ cao sử dụng đất làm vật liệu san lấp ở khu vực gò đồi có đất đạt yêu cầu kỹ thuật, không thay đổi mục đích sử dụng đất sau khi kết thúc thực hiện…
Sau khi hạ độ cao, người dân tiếp tục sử dụng đất đúng mục đích sử dụng đất, thống nhất giảm thủ tục hành chính liên quan đến khai thác đất làm vật liệu san lấp gồm: chủ trương đầu tư, thủ tục giao đất, cho thuê đất, thiết kế mỏ...
Sở TN-MT là cơ quan tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh cấp giấy phép hoạt động thăm dò, khai thác đất làm vật liệu san lấp. Tổ chức được cấp phép khai thác đất làm vật liệu san lấp phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định pháp luật về khoáng sản. Sản phẩm khai thác chỉ phục vụ cho việc thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Phạm Tùng