Báo Đồng Nai điện tử
En

Xuất siêu cần sự bền vững

04:10, 02/10/2020

Trong 9 tháng của năm 2020, xuất siêu của Đồng Nai tăng gần 700 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Xuất siêu tăng là điều Chính phủ và tỉnh đang mong muốn. Tuy nhiên, tỉnh đang đồng hành với doanh nghiệp (DN) để có thể xuất siêu bền vững.

Trong 9 tháng của năm 2020, xuất siêu của Đồng Nai tăng gần 700 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Xuất siêu tăng là điều Chính phủ và tỉnh đang mong muốn. Tuy nhiên, tỉnh đang đồng hành với doanh nghiệp (DN) để có thể xuất siêu bền vững.

Sắt thép để công nghiệp hỗ trợ sản xuất phần lớn phải nhập khẩu. Trong ảnh: Sản xuất thiết bị máy móc xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp Boss ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom). Ảnh: K. Minh
Sắt thép để công nghiệp hỗ trợ sản xuất phần lớn phải nhập khẩu. Trong ảnh: Sản xuất thiết bị máy móc xuất khẩu tại Công ty TNHH Công nghiệp Boss ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom). Ảnh: K. Minh

Theo Cục Thống kê Đồng Nai, 9 tháng của năm 2019, Đồng Nai xuất siêu khoảng 2,4 tỷ USD, trong khi đó 9 tháng của năm 2020, xuất siêu gần 3,1 tỷ USD. Thế nhưng, các chuyên gia kinh tế đánh giá, xuất siêu tại Đồng Nai cũng như cả nước có tăng nhưng chưa thực sự bền vững.

* Vẫn chưa thực sự chủ động đầu vào

Xuất siêu tăng cao là do các DN ở Đồng Nai đã chủ động tìm mua nguyên liệu trong nước thay thế nguyên liệu nhập khẩu. Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc này là do đại dịch Covid-19, giao thương với nhiều nước bị hạn chế, DN không thể nhập khẩu nguyên liệu về sản xuất nên đã tìm nguyên liệu trong nước. Vì thế xuất siêu tăng cao đột biến, dù tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh giảm gần 6%.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết, Đồng Nai sẽ chú trọng thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới. Trong đó, tỉnh sẽ thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ hiện đại, công nghiệp hỗ trợ... Mục tiêu của tỉnh là phát triển công nghiệp bền vững, tăng xuất siêu.

Bên cạnh đó, tuy nguyên liệu trong nước ngày càng đa dạng, phong phú hơn để các DN lựa chọn, nhưng nguyên liệu thô cho ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn phải nhập khẩu khá nhiều. Do đó, sản xuất công nghiệp của Việt Nam vẫn chưa thực sự bền vững vì chưa chủ động được nguồn nguyên liệu thô cho sản xuất.

Ông Tetsuji Kobayashi, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kobe En&M Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 cho biết: “Công ty chuyên sản xuất các loại thiết bị phát điện tiêu thụ ở thị trường nội địa và xuất khẩu vào các nước trong khối ASEAN. Nguồn nguyên liệu thô để công ty sản xuất là sắt khối lớn, rất khó tìm được ở Việt Nam nên buộc phải nhập khẩu từ nhiều nước”. Cũng theo ông Tetsuji Kobayashi, nếu Việt Nam cung ứng được nguyên liệu thô cho sản xuất công nghiệp hỗ trợ sẽ tạo thành chuỗi sản xuất công nghiệp bền vững.

Hiện nay, đa phần các ngành sản xuất công nghiệp chủ lực của Đồng Nai cũng như cả nước đang phải nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu đầu vào. Khoảng 4-5 năm trở lại đây, Chính phủ ưu tiên mời gọi phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đem lại một số kết quả khả quan là xuất siêu tăng dần qua từng năm. Các chuyên gia kinh tế, DN cho rằng, Việt Nam nên có các chính sách phát triển thêm ngành sản xuất nguyên liệu thô, cung ứng cho ngành công nghiệp hỗ trợ, như vậy sẽ chủ động hơn trong sản xuất công nghiệp và tăng giá trị gia tăng.

Ông Châu Minh Nguyện, Phó chủ tịch Hiệp hội DN Đồng Nai chia sẻ: “Mấy năm gần đây, ngành công nghiệp hỗ trợ tại Đồng Nai cũng như cả nước khá phát triển. Đồng Nai trở thành nơi cung ứng sản phẩm đầu vào lớn của cả nước, song nguyên liệu thô để ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan...”. Trong một chuỗi sản xuất công nghiệp, nếu không chủ động được khâu nào sẽ mất đi tính bền vững.

* Để xuất siêu ổn định, bền vững

Với tốc độ hồi phục sản xuất công nghiệp như hiện tại và các thị trường xuất khẩu đang được khơi thông, dự tính xuất siêu của Đồng Nai năm 2020 có thể đạt 4,2 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Đồng Nai vẫn sẽ có những điều chỉnh trong thu hút đầu tư nước ngoài bằng cách lựa chọn các ngành nghề có giá trị gia tăng cao, công nghiệp hỗ trợ để công nghiệp phát triển theo hướng bền vững. Muốn có được giá trị gia tăng cao thì buộc phải chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất từ thô, đến công nghiệp hỗ trợ, hoàn chỉnh sản phẩm và xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Giám đốc bộ phận nghiệp vụ Công ty TNHH Kureha Việt Nam ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) cho hay: “Các DN đều muốn tìm nguồn nguyên liệu trong nước để chủ động sản xuất. Vì thế nếu nguồn nguyên liệu trong nước đảm bảo về chất lượng và giá cả tương đương hoặc cao hơn một chút so với hàng nhập khẩu, các DN vẫn sẽ chọn mua trong nước. Mua nguyên liệu trong nước sẽ giúp các DN dễ dàng hưởng các ưu đãi về thuế quan khi bán hàng qua những nước Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do”.

Trong một số các hiệp định thương mại tự do, quy định để được hưởng ưu đãi thuế quan của nhiều ngành hàng phải đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa từ khâu nguyên liệu thô. Đơn cử như với ngành may mặc, đòi hỏi tỷ lệ nội địa hóa từ khâu sản xuất sợi, đến vải và may mặc hoàn thiện sản phẩm.

Tại Đồng Nai, nơi có công nghiệp hỗ trợ phát triển bậc nhất cả nước, trong đó hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, nhưng nguồn nguyên liệu thô của nhiều ngành vẫn chưa chủ động được. Đây là điểm yếu trong sản xuất công nghiệp cần có chính sách thu hút đầu tư và khuyến khích phát triển công nghiệp thành chuỗi, chủ động trong từng khâu thì mới bền vững.       

Khánh Minh

Tin xem nhiều