Đồng Nai là địa phương có kim ngạch xuất nhập khẩu nằm trong tốp đầu của cả nước, do đó nhu cầu về nguồn vốn vay cho lĩnh vực này khá lớn...
Đồng Nai là địa phương có kim ngạch xuất nhập khẩu nằm trong tốp đầu của cả nước, do đó nhu cầu về nguồn vốn vay cho lĩnh vực này khá lớn. Trong những năm qua, hoạt động cho vay trong lĩnh vực xuất nhập khẩu là một trong những lĩnh vực được ưu tiên về nguồn vốn tín dụng.
Ngành ngân hàng sẽ đẩy mạnh nguồn vốn tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực xuất nhập khẩu. Trong ảnh: Vietcombank chi nhánh Biên Hòa là một trong những ngân hàng thường xuyên tăng cường nguồn vốn cho vay đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ảnh:H. Quân |
Trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn. Điều này tác động không nhỏ tới mức tăng trưởng trong hoạt động cho vay đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu của các tổ chức tín dụng trong tỉnh. Dư nợ cho vay đối với hoạt động xuất nhập khẩu có xu hướng giảm trước những tác động của dịch bệnh.
* Dư nợ cho vay có xu hướng giảm
Theo khảo sát tại nhiều ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn tỉnh, hiện lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với những khoản vay liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu phổ biến ở mức từ 6-9%/năm, trong khi đó, lãi suất cho vay bằng USD phổ biến ở mức 2,5-4,5%/năm, tùy vào quy định của mỗi ngân hàng, mức độ tín nhiệm tín dụng của doanh nghiệp...
Theo NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, về hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu, từ đầu năm 2020 đến cuối tháng 8 vừa qua, doanh số thanh toán hàng xuất khẩu thông qua các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 6,5 tỷ USD, giảm gần 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số thanh toán hàng nhập khẩu đạt trên 4,8 tỷ USD, giảm hơn 1,1% so với cùng kỳ năm 2019. |
Tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Biên Hòa, dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu chiếm khoảng 35% tổng dư nợ cho vay đối với khối khách hàng doanh nghiệp. Trong đó, phần lớn khoản vay xuất khẩu là các khoản vay bằng ngoại tệ áp dụng lãi suất bằng USD dao động trong khoảng 3%/năm.
Trong khi đó, đa phần khoản vay cho hoạt động nhập khẩu của chi nhánh thường là những khoản vay bằng VNĐ có lãi suất từ 6-8%/năm tùy vào chương trình ưu đãi tín dụng, mức độ tín nhiệm tín dụng của doanh nghiệp... Thông thường các doanh nghiệp vay vốn để nhập nguyên phụ liệu cho sản xuất hàng hóa.
Đại diện một số ngân hàng thương mại cổ phần trong tỉnh cho biết, phần lớn các khoản vay về xuất nhập khẩu là các khoản vay ngắn hạn để doanh nghiệp tìm nguồn vốn lưu động phục vụ sản xuất, kinh doanh. Trong những tháng đầu năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn. Điều này dẫn tới dư nợ cho vay trong hoạt động này cũng bị tác động theo.
Bà Trần Thị Phương Hiền, Giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) chi nhánh Đồng Nai cho biết, dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu chiếm khoảng 45% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng. Trong những tháng đầu năm nay, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này gặp khó khăn do tình hình dịch Covid-19 phức tạp. Điều này đã khiến cho mức độ tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực xuất nhập khẩu của ngân hàng bị chững lại so với cùng kỳ năm ngoái, có một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này đề nghị được cơ cấu lại thời hạn nợ...
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, tính đến cuối tháng 8 vừa qua, dư nợ cho vay đối với hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đạt hơn 35,2 ngàn tỷ đồng, giảm 4,35% so với cuối năm 2019 và chiếm tỷ trọng gần 16% so với tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Trong đó, cho vay xuất khẩu đạt khoảng 14,5 ngàn tỷ đồng, giảm hơn 13,2% so với cuối năm ngoái.
* Nhu cầu vốn lớn trong những tháng cuối năm
Trong những tháng cuối năm, nhu cầu về vốn để mua nguyên phụ liệu sản xuất, đáp ứng những đơn hàng của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, thường tăng cao. Do đó, doanh nghiệp rất cần tiếp cận các nguồn vốn tín dụng phù hợp để duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Ngành ngân hàng trong tỉnh đẩy mạnh nguồn vốn tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực xuất nhập khẩu. Ảnh:H. Quân |
Ông Đặng Văn Điềm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai chia sẻ, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh đang gặp phải những khó khăn về nguồn vốn, mặt bằng sản xuất. Trong đó, nhiều doanh nghiệp mong muốn tiếp cận nguồn vốn để đầu tư máy móc, công nghệ đáp ứng được các đơn hàng của đối tác, nhất là các khách hàng, đối tác nước ngoài.
Nhiều ngân hàng có các chương trình, quy định tín dụng đặc thù về điều kiện, mức độ cho vay để đảm bảo tăng trưởng. Trên thực tế, việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, phần lớn do thiếu tài sản thế chấp. Nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng các tiêu chí về vay vốn, nhất là đối với việc tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi.
Theo đại diện NHNN Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, trong những tháng cuối năm, đơn vị sẽ rà soát, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng cường kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: bất động sản, chứng khoán...; dư nợ tín dụng đối với khách hàng, nhóm khách hàng có dư nợ lớn. Đồng thời, tiếp tục triển khai các phương án tín dụng phù hợp, tăng cường dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên; cũng như triển khai các phương án, gói tín dụng hỗ trợ phù hợp đối với những khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh.
Ông Hoàng Mạnh Long, Giám đốc Vietcombank chi nhánh Biên Hòa cho biết, chi nhánh thường xuyên đẩy mạnh nguồn vốn cho vay đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn nói riêng và các hoạt động tín dụng, thanh toán liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu nói chung. Trong đó, có nhiều khách hàng lớn ở các lĩnh vực như: giày da, may mặc, gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu...
Hải Quân