Báo Đồng Nai điện tử
En

Đưa sản phẩm địa phương lên sàn thương mại điện tử

04:09, 23/09/2020

Sở Công thương và các đơn vị, địa phương liên quan đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, kết nối, tập huấn để các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, phát triển các website quảng bá, bán hàng...

Sở Công thương và các đơn vị, địa phương liên quan đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, kết nối, tập huấn để các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, phát triển các website quảng bá, bán hàng...

Đại diện Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) và Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) trao giấy tuyên dương của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho một số doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số có hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Ảnh:H. Quân
Đại diện Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) và Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) trao giấy tuyên dương của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho một số doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số có hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Ảnh:H. Quân

 

* Triển khai nhiều chương trình hỗ trợ

Hiện nay, thị trường bán lẻ đang ngày càng mở rộng các kênh, hình thức bán hàng để cạnh tranh, trong đó hình thức bán hàng qua các kênh thương mại điện tử ngày càng quan trọng.

UBND tỉnh đã ban hành Chương trình phát triển thương mại điện tử của Đồng Nai giai đoạn 2016-2020 và chương trình phát triển thương mại điện tử hằng năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hệ thống thanh toán điện tử quốc gia, sử dụng rộng rãi các mô hình giao dịch thương mại điện tử; hướng tới hoàn thiện cổng thương mại điện tử Đồng Nai tích hợp các tính năng thanh toán trực tuyến, nâng cao chất lượng quảng bá thông tin, sản phẩm doanh nghiệp; kết nối người tiêu dùng với các sản phẩm do những doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất...

 

Theo Sở Công thương, trong thời gian qua, Sở đã tiến hành khảo sát ứng dụng thương mại điện tử, tổng hợp cơ sở dữ liệu, nắm bắt thông tin đa chiều về thực trạng ứng dụng thương mại điện tử của các đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân trong tỉnh. Sở đã hỗ trợ, tổ chức tập huấn công tác quản trị, duy trì hoạt động, cập nhật hình ảnh, thông tin sản phẩm lên website cho 5 đơn vị, trong đó có các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm đạt chứng nhận OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh.

Cụ thể, Sở đã hỗ trợ xây dựng, bàn giao website cho Công ty TNHH Khổ qua rừng Hiệp Vân ở TP.Long Khánh (website: vinakhoqua.com), Công ty TNHH Thương mại, sản xuất Thuận Hương ở H.Định Quán (traicaysaythuanhuong.com), Cơ sở Vang Thanh Long Anna ở H.Thống Nhất (vangthanhlong.com), Cơ sở Sản xuất bánh phở, hủ tiếu Hoàng Hằng ở H.Thống Nhất (hoanghang.com) và HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp ấp 7, xã Thanh Sơn, H.Định Quán (thanhsonxanh.com).

Ông Nguyễn Văn Hiệp, đại diện Công ty TNHH Khổ qua rừng Hiệp Vân cho biết, thông qua website vinakhoqua.com, công ty đã chủ động quảng bá, chào hàng sản phẩm khá hiệu quả. Bên cạnh đó, công ty còn kết nối, quảng bá sản phẩm trên nhiều sàn thương mại điện tử lớn.

Tương tự, bà Liu Thị Yến, Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại, sản xuất Thuận Hương chia sẻ, công ty hướng tới kết nối với các kênh bán hàng trực tuyến, các sàn thương mại điện tử lớn và uy tín để phát triển các kênh tiêu thụ, quảng bá sản phẩm. Từ đó, giúp cho người tiêu dùng biết đến sản phẩm của công ty nhiều hơn...

Theo ông Đặng Trần Nhật Thoại, Phó trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương), Sở chủ động phối hợp với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương), Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), các trung tâm đào tạo Thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử lớn, uy tín để tổ chức các lớp tập huấn thương mại điện tử. Các lớp tập huấn này sẽ góp phần giúp cán bộ quản lý nhà nước nắm bắt và nâng cao tầm quan trọng của thương mại điện tử, cũng như nâng cao kiến thức kỹ năng kinh doanh phát triển thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Bà Nguyễn Thị Tú Vy, Trưởng phòng Marketing Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Triều An (TP.Biên Hòa) cho hay, công ty đang triển khai nhiều kênh bán hàng trực tuyến, xây dựng website để giới thiệu sản phẩm, đồng thời đăng ký, kết nối với sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee... để mở rộng kênh phân phối. Công ty mong muốn tiếp cận với nhiều sàn thương mại điện tử lớn trong nước và thế giới, cũng như chủ động triển khai kế hoạch chuẩn hóa nhãn hiệu, xây dựng nội dung phát triển thương hiệu trên các sàn thương mại điện tử...

* Từng bước đưa sản phẩm thế mạnh lên “sàn”

Những năm gần đây, Đồng Nai liên tục nằm trong nhóm những địa phương trên cả nước có chỉ số thương mại điện tử cao. Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử mới đây của Vecom, chỉ số thương mại điện tử của tỉnh Đồng Nai trong năm 2019 xếp hạng thứ 6 toàn quốc với 54,9 điểm, tăng 1 bậc so với năm 2018. Chỉ số thương mại điện tử của Đồng Nai đứng sau các địa phương: TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng...


Đại diện của Tiki chia sẻ những thông tin, kỹ năng về đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử lớn trong một lớp tập huấn do Sở Công thương tổ chức danh cho các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh. (Ảnh: Hải Quân)
Đại diện của Tiki chia sẻ những thông tin, kỹ năng về đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử lớn trong một lớp tập huấn do Sở Công thương tổ chức danh cho các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh. Ảnh: Hải Quân

 

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Vecom chia sẻ, thương mại điện tử ngày càng chiếm vị thế quan trọng, nhất là từ sau những tác động của dịch Covid-19. Đồng Nai là một trong những địa phương năng động trong phát triển thương mại điện tử, tỉnh đã cùng với Vecom triển khai nhiều hoạt động kết nối, tập huấn cho doanh nghiệp về lĩnh vực này.

Theo đại diện nhiều sàn thương mại điện tử, công ty tư vấn về phát triển thương mại điện tử, Đồng Nai có nhiều thế mạnh để phát triển lĩnh vực này, đặc biệt là các mặt hàng thế mạnh về nông sản, thực phẩm chế biến...

Ông Nguyễn Hoàng Trung, phụ trách mảng dự án hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số của sàn thương mại điện tử Tiki cho biết, Đồng Nai là một thị trường tiềm năng, có vị trị gần với TP.HCM nên có nhiều điều kiện để phát triển thương mại điện tử. Trong đó, các mặt hàng có nhiều thế mạnh như: các loại nông sản, trái cây sấy có tiềm năng đưa lên sàn thương mại điện tử.

Trong thời gian tới, Tiki sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Công thương triển khai các mô hình thí điểm hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chuyển đổi mô hình từ bán hàng online, từng bước phát triển các gian hàng trên Tiki. Đồng thời, Tiki dự kiến triển khai nhiều hoạt động khác liên quan đến thương mại điện tử tại Đồng Nai như: mở rộng kho bãi; phát triển, mở rộng hệ thống phân phối, giao nhận...         

Hải Quân

Tin xem nhiều