Báo Đồng Nai điện tử
En

Người chăn nuôi heo đối mặt với thách thức ''kép''

11:07, 15/07/2020

Gần đây, giá heo hơi lại tiếp tục tăng do nguồn cung vẫn thiếu hụt. Dù giá heo hơi liên tục lập đỉnh mới trong suốt thời gian dài, người nuôi nào có heo bán đều thu lãi cao, nhưng người chăn nuôi vẫn rất dè dặt tái đàn.

Gần đây, giá heo hơi lại tiếp tục tăng do nguồn cung vẫn thiếu hụt. Dù giá heo hơi liên tục lập đỉnh mới trong suốt thời gian dài, người nuôi nào có heo bán đều thu lãi cao, nhưng người chăn nuôi vẫn rất dè dặt tái đàn.

Trang trại chăn nuôi heo tại xã Bình Minh (H.Trảng Bom). Ảnh: B.Nguyên
Trang trại chăn nuôi heo tại xã Bình Minh (H.Trảng Bom). Ảnh: B.Nguyên

Nguyên nhân là do ở thời điểm hiện nay, người chăn nuôi đang đối mặt với thách thức “kép”: dịch bệnh và thị trường. Đầu tiên là rủi ro về dịch bệnh, nhất là dịch tả heo châu Phi vẫn đang rất cao. Thứ hai, hiện nay chỉ các “đại gia” trong ngành mới mạnh dạn đầu tư vào chăn nuôi trước áp lực cạnh tranh quá lớn khi “sân nhà” đã trở thành “sân chơi chung” của nhiều quốc gia.

* Tái đàn như... “đánh bạc”

Tại Đồng Nai, hiện giá heo hơi xuất tại trại dao động từ 90-92 ngàn đồng/kg, tăng từ 4-6 ngàn đồng/kg so với tuần trước. Giá heo ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc còn tăng cao hơn với cùng lý do là nguồn cung vẫn khan hiếm. Giá heo hơi liên tục tăng nhưng đa số người chăn nuôi vẫn chưa dám mạnh tay trong tái đàn vì đầu tư vào chăn nuôi heo trong giai đoạn hiện nay dễ gặp rủi ro về thị trường và nhất là nguy cơ tái phát dịch tả heo châu Phi còn quá lớn.

Phó chủ tịch UBND H.Thống Nhất Nguyễn Đình Cương cho biết, hiện tổng đàn heo của huyện chỉ còn khoảng 160 ngàn con, chưa bằng 30% so với tổng đàn ở thời điểm trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi. Khó khăn không nhỏ trong việc tái đàn hiện nay là đàn giống giảm quá mạnh và không dễ phục hồi trong một sớm một chiều. Người chăn nuôi nhỏ lẻ hiện không đủ điều kiện và cũng không còn nguồn vốn để gầy dựng lại đàn heo. Thực tế, chỉ một vài trang trại quy mô vừa và nhỏ tham gia tái đàn nhưng vẫn “đếm trên đầu ngón tay” vì tình hình tái phát dịch tả heo châu Phi còn rất phức tạp.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đạo, chủ trại heo ở xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu) chia sẻ, nuôi heo hiện nay như “đánh bạc” mà người nuôi không cầm chắc phần thắng. Do giá heo giống tăng quá cao, nguồn vốn để tái đàn hay đầu tư một trại chăn nuôi mới tăng gấp đôi, gấp ba so với trước đây. Thực tế, một số chủ trại lại trắng tay khi vừa tái đàn, heo bất ngờ chết hàng loạt vì dịch bệnh. 

* Áp lực “sân nhà” trở thành “sân chung”

Thời gian qua, Chính phủ và Bộ NN-PTNT đã đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm “hạ nhiệt” giá thịt heo. Trong đó, nổi bật là giải pháp tăng nhập khẩu nguồn thịt heo đông lạnh, nhất là gần đây, nhập khẩu heo sống từ Thái Lan đã bắt đầu có tác động lên thị trường.

Theo một số thương lái kinh doanh heo tại Đồng Nai, giá heo hơi tăng cao do thiếu hụt nguồn cung không phải là cơ sở để đảm bảo mặt hàng này sẽ mãi ở giá cao. Việc giá heo hơi tăng quá cao như hiện nay là bất lợi rất lớn với ngành chăn nuôi trong nước vì giá cao là nguyên nhân khiến sức tiêu thụ mặt hàng này chậm lại. Đây cũng là cơ hội cho thịt heo đông lạnh và gần đây là heo sống từ Thái Lan nhập khẩu tăng mạnh vào thị trường Việt Nam.

Ông Phạm Đức Bình, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình (P.Long Bình, TP.Biên Hòa) - doanh nghiệp gắn bó lâu năm với ngành chăn nuôi heo nhận xét, heo sống nhập khẩu từ biên giới Thái Lan về TP.HCM chỉ mất quãng đường khoảng 450km nên khá thuận tiện. Thời gian tới, Việt Nam còn có thể sẽ nhập khẩu thịt heo “nóng” từ nước này về tiêu thụ. “Thực tế này buộc người chăn nuôi phải tính lại bài toán đầu tư và không chỉ nhìn vào tình hình chăn nuôi trong nước mà phải xét trên sự phân công lao động quốc tế. Thực tế, ngay cả một số nước láng giềng cũng đang có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn chăn nuôi trong nước” - ông Bình nói thêm.

Về các giải pháp “giải cứu” khi mặt hàng heo hơi rớt giá cũng như đang đứng ở mức quá cao như hiện nay theo cả doanh nghiệp và người chăn nuôi. Nhà nước nên để cho quy luật cung - cầu tự chi phối lẫn nhau. Ở đây, cách làm căn cơ nhất là phải thay đổi từ ý thức sản xuất của người chăn nuôi về việc đầu tư con giống tốt, tham gia chuỗi, chăn nuôi an toàn, sản phẩm truy xuất được nguồn gốc... để tăng sức cạnh tranh. Và để chăn nuôi trong nước không bị yếu thế khi bước vào hội nhập, cần có nhiều chính sách hỗ trợ như cho vay vốn với lãi suất thấp, hỗ trợ về mặt kỹ thuật và thú y, có các giải pháp về thị trường đảm bảo cho người chăn nuôi có lợi nhuận đủ để tái tạo sản xuất và phát triển.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều