Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về EVFTA

09:07, 16/07/2020

Nhiều doanh nghiệp (DN) ở địa phương, nhất là các DN nhỏ và vừa hiện vẫn còn yếu và thiếu thông tin hàng rào kỹ thuật đối với các hiệp định thương mại tự do (FTA). Do đó, việc nâng cao hiểu biết, kiến thức pháp lý, xuất xứ hàng hóa đối với các DN là điều kiện quan trọng để hội nhập.

Nhiều doanh nghiệp (DN) ở địa phương, nhất là các DN nhỏ và vừa hiện vẫn còn yếu và thiếu thông tin hàng rào kỹ thuật đối với các hiệp định thương mại tự do (FTA). Do đó, việc nâng cao hiểu biết, kiến thức pháp lý, xuất xứ hàng hóa đối với các DN là điều kiện quan trọng để hội nhập.

Các sản phẩm gỗ xuất khẩu là mặt hàng có nhiều cơ hội mở rộng thị trường sang EU khi EVFTA có hiệu lực Trong ảnh: Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại một công ty ở H.Vĩnh Cửu. Ảnh:L. Phương
Các sản phẩm gỗ xuất khẩu là mặt hàng có nhiều cơ hội mở rộng thị trường sang EU khi EVFTA có hiệu lực Trong ảnh: Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại một công ty ở H.Vĩnh Cửu. Ảnh:L. Phương

Đặc biệt, trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU) - Việt Nam (EVFTA) vừa được Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua, DN chuẩn bị tốt về kiến thức, tiêu chuẩn, kỹ năng cần thiết về pháp lý, nguồn gốc sản phẩm sẽ mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hóa vào thị trường hơn EU với nhiều ưu đãi lớn về thuế quan… 

* Đặc biệt lưu ý về xuất xứ hàng hóa

Với việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định FTA thế hệ mới, vấn đề về xuất xứ hàng hóa cần được các DN đặc biệt quan tâm, nhất là đối với những mặt hàng nằm trong danh mục được hưởng thuế ưu đãi để tránh trường hợp bị mượn mác “made in Vietnam” để hưởng ưu đãi thuế khi xuất sang các nước có FTA với Việt Nam, trong đó có thị trường EU.

Theo ông Vũ Hùng Thịnh, đại diện Phòng Xuất xứ hàng hóa - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, nhất là khi Việt Nam tham gia những FTA như: CPTPP, EVFTA…, vấn đề liên quan đến xuất xứ hàng hóa là rất quan trọng để DN nắm bắt cơ hội hưởng thuế xuất ưu đãi vào các thị trường lớn nhiều tiềm năng.

Đơn cử, đối với EVFTA, các DN sản xuất những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như: thủy sản, thủy sản chế biến, dệt may, giày dép, hạt điều, hạt tiêu, gỗ và sản phẩm gỗ, nhựa và sản phẩm nhựa, cao su và sản phẩm cao su, thép và sản phẩm thép… cần lưu ý các tiêu chí xuất xứ thuần túy, cơ chế chứng nhận xuất xứ, công đoạn gia công, các điều khoản về vận tải…

Để hội nhập sâu rộng, DN Việt sẽ phải tìm cách vượt qua các quy định ngày càng nghiêm ngặt về: an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh dịch tễ, quy tắc ứng xử, các quy định về bảo vệ môi trường, truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, tỷ lệ nội địa hóa, công nghệ chế biến… Từ đó, DN chủ động nghiên cứu, tìm hiểu các thỏa thuận trong các FTA mà Việt Nam tham gia như: EVFTA, CPTPP…, đặc biệt là những thỏa thuận liên quan đến lĩnh vực kinh doanh của DN, các ưu đãi thuế quan đối với những mặt hàng ở từng thị trường cụ thể.

TS Phạm Văn Chắt, giảng viên cao cấp, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) chia sẻ, đối với thị trường lớn và khó tính như EU, thông thường hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào EU muốn được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA thì nguyên liệu phải 100% của Việt Nam hoặc đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định. Đây là một thách thức lớn đối với DN Việt bởi nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng hóa xuất khẩu hiện nay của nhiều DN được nhập từ Trung Quốc hoặc ASEAN khá nhiều.

* Trau dồi kiến thức pháp lý

Theo các chuyên gia thương mại, khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, các thị trường nhập khẩu, nhất là thị trường lớn như EU sẽ áp dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ thương mại để bảo vệ sản xuất nội địa. Thậm chí, EU là một thị trường thường xuyên sử dụng các công cụ này, cho nên đây cũng là thách thức lớn đối với các DN trong nước, nhất là các DN nhỏ và vừa… muốn xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này.

Ông Bùi Thế Kích, Tổng giám đốc Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai (Khu công nghiệp Biên Hòa 1) cho biết, hiện nay các thị trường lớn của công ty là Mỹ, Nhật Bản, các nước châu Âu… Do đó, các FTA như: CPTPP, EVFTA… sẽ tạo điều kiện cho công ty mở rộng, phát triển thị trường. Công ty luôn mong muốn tiếp cận các thông tin, kiến thức về hàng rào kỹ thuật, pháp lý liên quan đến các hiệp định này để có kế hoạch sản xuất, đầu tư công nghệ phù hợp, đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết…

Ông Lê Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Công thương nhấn mạnh, nhằm giúp các DN nâng cao nhận thức về hội nhập, nhất là các FTA thế hệ mới để chuẩn bị các điều kiện cần thiết để nắm bắt cơ hội tiếp cận các thị trường tiềm năng, trong thời gian tới, Sở sẽ đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, tổ chức những lớp tập huấn về các FTA đa phương và song phương mà Việt Nam đã tham gia và ký kết.

Đồng thời, Sở Công thương sẽ thường xuyên bám sát chương trình, kế hoạch của Bộ Công thương, liên kết website, trang thông tin điện tử của Bộ Công thương để cung cấp các thông tin cần thiết về xuất xứ hàng hóa, hàng rào kỹ thuật, pháp lý… của các FTA, trong đó có hiệp định EVFTA cho các DN trong tỉnh.     

Lam Phương

Tin xem nhiều