Báo Đồng Nai điện tử
En

Cân đối dòng vốn ngoài sản xuất

11:07, 20/07/2020

Hiện nay, bên cạnh nguồn vốn dành cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh, các ngân hàng đang triển khai nhiều phương án để cân đối các dòng vốn ngoài sản xuất, nhất là các khoản vay về bất động sản, cho vay tiêu dùng…

Hiện nay, bên cạnh nguồn vốn dành cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh, các ngân hàng đang triển khai nhiều phương án để cân đối các dòng vốn ngoài sản xuất, nhất là các khoản vay về bất động sản, cho vay tiêu dùng…

Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng thương mại cổ phần trên đường Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa)
Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng thương mại cổ phần trên đường Phạm Văn Thuận (TP.Biên Hòa)

Nhu cầu vay vốn tiêu dùng như: vay để mua, thuê nhà ở; sửa chữa nhà ở; mua phương tiện đi lại; mua sắm đồ dùng… đang dần phục hồi sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

* Nhu cầu vay vốn dần phục hồi

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đồng Nai, hiện nay, tại nhiều ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, mức lãi suất cho vay tiêu dùng phổ biến ở mức từ 8-12%/năm tùy vào kỳ hạn cho vay và những ưu đãi của các ngân hàng. Trong đó, các khoản vay tiêu dùng liên quan đến bất động sản, vay mua ô tô… bắt đầu có dấu hiệu phục hồi sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ông Phạm Quang Thương, Trưởng phòng Khách hàng cá nhân của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chi nhánh Đồng Nai cho biết, hiện nay, nhu cầu về cho vay như: vay mua nhà, ô tô đang phục hồi sau những tháng đầu năm bị tác động của dịch Covid-19. Dư nợ về bất động sản, vay tiêu dùng hiện nay của ngân hàng chiếm khoảng 60% tổng dư nợ đối với khách hàng cá nhân.

Tương tự, bà Chu Thị Lành, Trưởng phòng Khách hàng bán lẻ của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chi nhánh Đồng Nai cho hay, dư nợ cho vay liên quan đến bất động sản, cho vay tiêu dùng của ngân hàng chiếm khoảng 70% tổng dư nợ đối với khách hàng cá nhân, đặc biệt các khoản vay mua ô tô ngày càng nhiều hơn khi giá nhiều loại ô tô giảm trong thời gian gần đây.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, tính đến đầu tháng 6-2020, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh bất động sản đạt khoảng 36 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 4,6% so với đầu năm 2020. Trong đó, hiện nay các khoản vay trung, dài hạn trong lĩnh vực này chiếm gần 34,3 ngàn tỷ đồng. Khi phân theo mục đích sử dụng vốn vay, dư nợ cho vay về nhà ở thương mại đạt hơn 5,7 ngàn tỷ đồng, nhà ở xã hội hơn 770 tỷ đồng, các loại nhà ở khác (không bao gồm nhà ở thương mại, nhà ở xã hội) vào khoảng 15,7 ngàn tỷ đồng...

Trong khi đó, các khoản vay để mua, thuê phương tiện đi lại đạt dư nợ khoảng hơn 5,5 ngàn tỷ đồng; dư nợ về mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình đạt hơn 7,5 ngàn tỷ đồng; dư nợ dành cho các chi phí khác cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày của cá nhân, hộ gia đình đạt khoảng 3,2 ngàn tỷ đồng…

* Nhiều chương trình ưu đãi

Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh “tung ra” các gói cho vay ưu đãi, giảm lãi suất cho vay vào dịp này để kích cầu các khoản vay tiêu dùng, cũng như cân đối các nguồn vốn cho vay.

Ông Vũ Đức Quang, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Biên Hòa cho biết, bên cạnh các khoản vay phục vụ sản xuất, kinh doanh, các khoản vay tiêu dùng cũng đạt mức tăng trưởng khá tốt trong thời gian qua. Hiện nay, ngân hàng đang áp dụng nhiều chương trình ưu đãi với lãi suất có thể giảm từ 1-1,5%/năm tùy vào thời hạn, điều kiện, lĩnh vực cho vay. Các khoản vay về bán lẻ, vay tiêu dùng hiện có mức lãi suất phổ biến từ 9-11%/năm.

Tại Vietcombank chi nhánh Đồng Nai, đối với các khoản vay ngắn hạn, lãi suất giảm tới 1%/năm hiện vào khoảng 7,5%/năm. Trong khi đó, đối với các khoản vay trung và dài hạn bao gồm các khoản vay về bất động sản, vay tiêu dùng có thể giảm 0,2-0,5%/năm tùy vào đối tượng, thời gian và sản phẩm cho vay. Trong đó, các khoản vay tiêu dùng, bất động sản có thể có mức lãi suất 8,1%/năm trong năm đầu tiên.

Tương tự, tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) chi nhánh Đồng Nai, các khoản vay trung và dài hạn, trong đó có các khoản vay về bất động sản có thể được ưu đãi mức lãi suất khoảng 8-9%/năm trong năm đầu tiên, giảm khoảng 2%/năm so với năm ngoái. Các năm tiếp theo, lãi suất sẽ được điều chỉnh phù hợp với thị trường.

Đối với SHB chi nhánh Đồng Nai, ông Phạm Quang Thương cho biết thêm, mức lãi suất cho vay tiêu dùng tại ngân hàng giảm khoảng 0,5%/năm so với cuối năm 2019, hiện phổ biến vào khoảng 12-13%/năm cho các khoản vay trung và dài hạn. Riêng đối với các khoản vay mua ô tô có thể được ưu đãi lãi suất trong năm đầu tiên từ 9,8-10,2%/năm tùy thuộc vào đối tượng, sản phẩm cho vay...

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, nhu cầu vay vốn tiêu dùng như: mua nhà, sửa nhà, mua ô tô… có nhiều chuyển biến sau đại dịch Covid-19. Nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã chủ động cắt giảm chi phí hoạt động, lợi nhuận để cân đối lại nguồn vốn dành cho sản xuất, tiêu dùng, cũng như triển khai các hoạt động hỗ trợ khách hàng, giảm lãi suất cho vay… Các ngân hàng có thể điều chỉnh lãi suất cho vay đối với từng phân khúc phù hợp, cần đảm bảo các thủ tục, điều kiện tài sản thế chấp theo quy định...

Theo nhiều ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn tỉnh, hiện nay các ngân hàng vẫn đang hạn chế các khoản cho vay đầu tư dự án bất động sản, đầu cơ nhà đất...; đồng thời khuyến khích các khoản vay tiêu dùng đáp ứng nhu cầu thực sự của người dân, tạo ra lợi ích kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai đề nghị các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tập trung nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên; có giải pháp tín dụng phù hợp, đúng quy định, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen”. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: bất động sản, chứng khoán…, tăng cường quản lý rủi ro tín dụng tiêu dùng, tín dụng đối với khách hàng, nhóm khách hàng có dư nợ lớn.

Hải Quân

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích