Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm cách làm sạch các dòng suối nội ô

09:05, 18/05/2020

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp như: đưa chăn nuôi ra khỏi nội ô; siết việc xả nước và rác thải sinh hoạt, sản xuất; thực hiện nạo vét, dọn dẹp các lòng suối, đầu tư hệ thống bờ kè, công trình chống ngập, chất lượng nước ở các dòng kênh, suối trên địa bàn TP.Biên Hòa đã cải thiện đáng kể.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp như: đưa chăn nuôi ra khỏi nội ô; siết việc xả nước và rác thải sinh hoạt, sản xuất; thực hiện nạo vét, dọn dẹp các lòng suối, đầu tư hệ thống bờ kè, công trình chống ngập, chất lượng nước ở các dòng kênh, suối trên địa bàn TP.Biên Hòa đã cải thiện đáng kể.

Ông Nguyễn Văn Sơn (KP.2, P.Thống Nhất) đang dọn cỏ cho dòng suối Săn Máu đoạn qua nhà ông. Ảnh: B.Mai
Ông Nguyễn Văn Sơn (KP.2, P.Thống Nhất) đang dọn cỏ cho dòng suối Săn Máu đoạn qua nhà ông. Ảnh: B.Mai

Sự hồi sinh của dòng kênh, suối đã góp phần đem lại môi trường sống tốt hơn, tạo cảnh quan cho thành phố.

* Suối “chết” hồi sinh

Từ những dòng suối đen kịt, đặc quánh bùn và rác thải, mùa nắng bốc mùi hôi thối, mùa mưa ngập nước, hiện tại, nhiều dòng suối trên địa bàn TP.Biên Hòa trở thành không gian xanh, sạch cho người dân.

Suối Săn Máu là một điển hình. Từ ngày công trình nạo vét và làm bờ kè dòng suối Săn Máu hoàn thành, gia đình ông Nguyễn Văn Sơn (KP.2, P.Thống Nhất) đã cải tạo ngôi nhà, mở cửa hậu để đón gió và tiện cho việc đi bộ. Ông Sơn còn trồng hoa và cây ăn quả vừa tạo cảnh quan, bóng mát vừa ngăn cỏ dại mọc trên phần đất dôi dư ven suối.

Ông Sơn cho biết, khoảng 5 năm trước, hễ mưa lớn là nước suối tràn vào nhà mang theo nhiều rác rưởi, xác động vật; còn mùa nắng thì bốc mùi tanh, hôi thối. Từ ngày có đường hành lang suối, ông đập bỏ tường ngăn nước, mở cửa hậu để làm lối đi chính. Mặc dù cao điểm nắng hạn, dòng suối này vẫn còn bốc mùi hôi, tuy nhiên với ông Sơn mùi rất ít và không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân ven suối.

Với bà Vũ Thị Liên (KP.5, P.Trảng Dài) thì dòng suối Săn Máu được cải tạo đã giúp gia đình bà và hàng ngàn hộ dân có cuộc sống tốt hơn; không còn nỗi lo bệnh tật khi nguồn nước, không khí ô nhiễm.

Bà Liên cho biết, trước đây muốn đi qua KP.1 phải đi đường vòng rất xa. Từ năm 2017, nhờ có thêm con đường chạy dọc ven suối, có cầu bê tông bắc ngang, có đường điện chiếu sáng, những đống rác lớn, những thảm lục bình ven suối được thay bằng những vạt rau xanh, trụ đèn đường. Người dân bảo nhau không vứt rác, đổ nước thải ra suối. Muỗi bọ và nhiều loại côn trùng từ đó tự động rời đi hết.

“Một công trình góp phần làm thay đổi diện mạo của mấy phường trung tâm như thế này đáng ra phải được hoàn thành sớm hơn, nhưng giờ này cũng chưa phải là muộn. Công trình đã đem lại quá nhiều lợi ích. Tình trạng nước ngập làm hư hại tài sản, hoa màu gần như không còn; giao thông thuận tiện; người dân có nơi để dạo chơi, tập thể dục thư giãn sau giờ làm việc, học tập” - bà Liên cho biết.

Tương tự, nhiều dòng suối khác trên địa bàn TP.Biên Hòa như: Tân Mai, Bà Lúa, suối Linh cũng được nạo vét, cải tạo thường xuyên. Sự đổi thay của các dòng suối thấy rõ khi đất đai của nhiều hộ dân hai bên từ chỗ cho không ai lấy nay có giá “chót vót”, nhiều công trình nhà ở cao cấp, trung tâm thương mại được mở ra.

* Kiểm soát nước và chất thải

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, kết quả quan trắc tháng 2-2020 của các suối nội ô TP.Biên Hòa bao gồm: suối Linh, suối Chùa, suối Tân Mai, suối Săn Máu, suối Bà Lúa, suối Siệp cho thấy, các thông số: hữu cơ, chất rắn lơ lửng, dinh dưỡng và vi sinh trên bề mặt các dòng suối vẫn còn nhưng có sự thay đổi đáng kể so với vài năm trước. Tình trạng rác ùn ứ, phân heo và xác động vật làm cản trở lưu thông của dòng nước hầu như không còn.

Theo ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa, thành phố đang tiến hành nạo vét, kè bê tông và trồng cây xanh hạ nguồn Suối Linh đoạn qua P.Tam Hiệp và P.Bình Đa nhằm khơi thông dòng chảy và tạo cảnh quan dọc suối hạn chế ô nhiễm môi trường.

Cùng với đó, triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng với các dự án chống ngập và cải thiện môi trường khu vực suối Chùa, suối Bà Lúa và suối Cầu Quan; thành lập các tổ công tác và phối hợp với 30 phường, xã tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm và xử phạt hành chính đối với các trường hợp vứt rác bừa bãi nơi công cộng trên toàn địa bàn thành phố.

Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho rằng, trước đây, các dòng suối nội ô bị ô nhiễm nặng chủ yếu là do chất thải sinh hoạt của các hộ dân và nước thải các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn thành phố dồn về suối. Tuy nhiên, hiện tại gần 100% hộ dân đã có hợp đồng thu gom rác thải sinh hoạt mỗi ngày, có ý thức bảo vệ dòng suối để giữ môi trường sống lành mạnh nên tình trạng “bức tử” các dòng suối bằng nước thải và rác sinh hoạt giảm đáng kể.

Đối với nước thải công nghiệp, hiện nay các KCN: Amata, Loteco, Agtex Long Bình, Biên Hòa 2, Biên Hòa 1 đều đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động và kết nối với phần mềm tại Sở TN-MT để giám sát liên tục 24/7.

Ngoài ra, định kỳ hằng tháng, Sở TN-MT thu mẫu thủ công để đối chứng so sánh với kết quả quan trắc tư động; 6 tháng/lần, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai kiểm tra tình hình đấu nối, vận hành hệ thống xử lý nước thải của các KCN để kịp thời chấn chỉnh các đơn vị kinh doanh hạ tầng việc thu gom, xử lý nước thải và thoát nước trong KCN. Vì vậy, về cơ bản nước thải công nghiệp tại các KCN trên địa bàn thành phố đã được kiểm soát.

Bên cạnh việc kiểm soát nguồn nước thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt, việc dành nguồn lực thực hiện các dự án nạo vét, cải tạo, làm bờ kè ven suối những năm qua của tỉnh và thành phố cũng góp phần quan trọng vào cải thiện chất lượng nguồn nước mặt; giải quyết bài toán ngập úng vào mùa mưa tồn tại nhiều năm.

Bà Đặng Thị Thùy Dương, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh cho rằng, liên quan đến vấn đề kiểm soát nguồn nước và chất thải sinh hoạt, TP.Biên Hòa đã cơ bản hoàn thành việc đưa toàn bộ trang trại chăn nuôi heo ra khỏi thành phố; hoàn thành xây dựng và vận hành Trạm xử lý nước thải số 1, công suất 3 ngàn m3/ngày tại P.Hố Nai.

Hiện tại, thành phố đang triển khai công tác thiết kế bản vẽ thi công và giải phóng mặt bằng dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP.Biên Hòa (giai đoạn 1) trên địa bàn 9 phường, công suất thiết kế 52 ngàn m3/ngày. Ngoài ra, dự án Chống ngập úng tại khu vực ngã năm Biên Hùng hoàn thành đã giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, ngập khi có mưa lớn, đồng thời góp phần cải thiện môi trường, chỉnh trang đô thị Biên Hòa.               

Ban Mai

Tin xem nhiều