Báo Đồng Nai điện tử
En

"Bỏ phố lên rừng" làm nông nghiệp sạch

04:05, 21/05/2020

Rời thủ đô Hà Nội với công việc nhân viên ngân hàng ổn định để tìm đến mảnh đất vùng rừng xa xôi của tỉnh Đồng Nai thực hiện hoài bão làm nông nghiệp sạch, sau 2 năm tìm hướng đi cho mình, anh nông dân "tay ngang" Trần Thanh Tùng đã sở hữu trong tay những vườn cây trái, hoa lan cảnh gần như đạt chuẩn hữu cơ.

Rời thủ đô Hà Nội với công việc nhân viên ngân hàng ổn định để tìm đến mảnh đất vùng rừng xa xôi của tỉnh Đồng Nai thực hiện hoài bão làm nông nghiệp sạch, sau 2 năm tìm hướng đi cho mình, anh nông dân “tay ngang” Trần Thanh Tùng đã sở hữu trong tay những vườn cây trái, hoa lan cảnh gần như đạt chuẩn hữu cơ.

Anh Trần Thanh Tùng bên vườn lan hữu cơ hơn 6 ngàn chậu đã được khách hàng đặt mua
Anh Trần Thanh Tùng bên vườn lan hữu cơ hơn 6 ngàn chậu đã được khách hàng đặt mua. Ảnh: T. Mộc

Trang trại 5ha theo mô hình vườn - ao - chuồng của anh Trần Thanh Tùng có vị trí khá lý tưởng ở vùng đất bạt ngàn rừng trồng, có hồ Trị An mênh mông, quanh năm nước trong xanh.

* Cú “vấp” trong tư duy làm nông nghiệp sạch

Kể về hành trình đi tìm đất để làm nông nghiệp của mình, anh Tùng cho biết, lần đầu đến khu vực hồ Trị An, anh đã thích ngay không khí trong lành của vùng Chiến khu Đ nên quyết định mua mảnh đất 5ha tại xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu.

Có đất, anh Tùng nhanh chóng cải tạo đất và phân chia thành các khu vực trồng cây, trại nuôi vịt và ao cá. Diện tích được anh dành nhiều nhất là 2ha bưởi, còn lại là những khu vực làm nhà trồng hoa lan giống, lan thương phẩm, trồng ổi, các loại rau, hoa... Thời gian đầu, anh làm theo hướng “hữu cơ cực đoan”, nghĩa là để cây lớn tự nhiên, chỉ bón phân chuồng là đủ mà chưa hiểu rõ nhu cầu về chất dinh dưỡng của cây trồng, bỏ hẳn thuốc hóa học trong phòng trừ sâu bệnh mà chưa có giải pháp khác thay thế… Với cách làm này, vườn bưởi của anh sau một thời gian ngắn xuất hiện bệnh vàng lá, thối rễ. Loay hoay tìm các phương án xử lý để cứu vườn cây mới đầu tư hàng trăm triệu đồng chưa cho thu hoạch có nguy cơ mất trắng, anh Tùng đi học hỏi khắp nơi nhưng vẫn chưa có lời giải. Phương án xấu nhất là phải thay cây mới, như vậy sẽ tốn thêm chi phí và thời gian chăm sóc cây.

May mắn trong một lần tham gia tập huấn về nông nghiệp sạch tại UBND H.Vĩnh Cửu dành cho nông dân, anh Tùng gặp được những chuyên gia về nông nghiệp hữu cơ. Đặt niềm tin vào các chuyên gia, anh Tùng đã mời họ về tận vườn để kiểm tra và hướng dẫn cách xử lý. Bài học đầu tiên từ các chuyên gia đã giúp anh nhận thức lại về nông nghiệp hữu cơ là cần cả nhóm giải pháp đồng bộ. Trong đó, anh được hướng dẫn kỹ thuật tự sản xuất men vi sinh để tạo ra chế phẩm sinh học làm phân bón, thuốc xử lý mùi hôi trong chăn nuôi, thuốc phòng trừ sâu bệnh sinh học cùng với biện pháp cải tạo để đất bạc màu, chai cứng ngày càng màu mỡ, tơi xốp… Sau vài tháng áp dụng phương pháp mới, các cây bị bệnh có dấu hiệu hồi sinh và khỏe mạnh dần, tình trạng sâu bệnh trên cây không còn, cây khỏe và sinh trưởng tốt hơn.

* Thành quả cho một hướng đi mới

Ngoài cây bưởi, anh Tùng cũng chọn làm theo hướng hữu cơ cho vườn lan có nhiều giống quý. Anh chủ yếu làm cây giống cung cấp ra thị trường vì nhanh có sản phẩm, đồng vốn dễ xoay vòng với giá trị kinh tế cao hơn. Trồng lan sạch vì mục tiêu bảo vệ môi trường nhưng cũng giúp anh Tùng đạt lợi nhuận cao hơn nhờ chi phí rẻ, chất lượng cây giống tốt nên được thị trường ưa chuộng. Anh Tùng so sánh: “Với cách tổ chức sản xuất khép kín, tận dụng chất thải chăn nuôi tự sản xuất phân bón hữu cơ, sử dụng men vi sinh làm chế phẩm phòng trừ sâu bệnh, chi phí đầu tư rẻ hơn 30-40% so với cách làm truyền thống. Cây trồng sinh trưởng tốt hơn nhưng quan trọng nhất là giữ được môi trường trong lành, tốt cho sức khỏe người nông dân”.

Với trại chăn nuôi 2 ngàn con vịt và gà, ao cá cùng các loại rau, đậu khác trong vườn, anh Tùng đều dùng men vi sinh để tạo ra những loại phân bón thích hợp cũng như chất xử lý mùi hôi cho khu chuồng trại của mình. Do đó, dù đứng ngay sát khu chăn nuôi vịt vẫn không có mùi hôi. Các sản phẩm từ chăn nuôi là trứng gà, vịt hiện nay đều có đầu ra ổn định tại TP.HCM.

Khi công việc chăm sóc vườn cây, trang trại đã dần ổn định, anh Tùng tiếp tục nghiên cứu các biện pháp sấy, chế biến nông sản. Những sản phẩm sạch trong vườn nhà được anh Tùng chế biến thành nhiều loại đặc sản độc đáo mà người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao mua về sử dụng như: trà búp ổi tẩm mật ong; trà hoa dâm bụt; mật ong lên men hoa đậu biếc, hoa cúc chi…

Anh Tùng chia sẻ, toàn bộ nông sản của anh đều có đầu ra ổn định nhờ sự uy tín, minh bạch từ khâu sản xuất đến chế biến, bảo quản và phân phối ra thị trường. Hiện đã có vài nông dân học hỏi, áp dụng thành công cách chăm sóc cây bằng chế phẩm sinh học do anh Tùng hướng dẫn. “Tôi chủ động liên kết với các nhà vườn khác để có sự phong phú trong sản phẩm nông nghiệp, hướng tới giảm dần các khâu mua bán trung gian để tăng lợi nhuận, đồng thời vươn ra những thị trường lớn, khó tính hơn” - anh Tùng nói.

Thủy Mộc

Tin xem nhiều