Để thực hiện "giãn dân", giảm áp lực cho trung tâm đô thị Biên Hòa cũng như các đô thị khác trên địa bàn tỉnh, từ đó "giải bài toán" quá tải hạ tầng thì quá trình phát triển đòi hỏi cần có quy hoạch và sự đầu tư tương xứng đối với các vùng ngoại vi.
Để thực hiện “giãn dân”, giảm áp lực cho trung tâm đô thị Biên Hòa cũng như các đô thị khác trên địa bàn tỉnh, từ đó “giải bài toán” quá tải hạ tầng thì quá trình phát triển đòi hỏi cần có quy hoạch và sự đầu tư tương xứng đối với các vùng ngoại vi.
Để giãn dân cho khu vực trung tâm đô thị Biên Hòa cần quy hoạch xây dựng các khu dân cư hiện đại, đáp ứng nhu cầu sống ở vùng ngoại vi để thu hút người dân đến sinh sống (Trong ảnh: Một khu dân cư mới được xây dựng tại phường Phước Tân, TP.Biên Hòa). Ảnh: P.Tùng |
[links()] “Biến” ngoại vi đô thị thành nơi đáng sống
Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỉnh Đồng Nai có dân số đạt gần 3,1 triệu người, đứng thứ 5 trong cả nước, sau TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa và Nghệ An. Trong đó, dân số ở khu vực thành thị chiếm 32,9%. |
Việc phát triển đô thị dựa vào các trục giao thông là điều đang diễn ra trên thực tế ở nhiều đô thị, trong đó có TP.Biên Hòa. Điều này là hợp lý bởi giao thông vốn được xem là “mạch máu” của sự phát triển.
Tuy nhiên, để phát triển vùng ngoại vi các đô thị, các đô thị vùng ven với mục tiêu thu hút dân cư vùng trung tâm đô thị đến sinh sống thì chỉ riêng yếu tố hoàn thiện hệ thống giao thông thôi là chưa đủ.
Kiến trúc sư Lý Thành Phương, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh cho rằng, đi kèm với hệ thống giao thông cần tạo ra các khu dân cư lớn, nhiều tiện ích để thu hút người dân đến sinh sống.
Đối với TP.Biên Hòa hiện nay, để phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng tại các khu công nghiệp sẽ phải thực hiện di dời dân cư. Đi kèm với đó, Nhà nước cũng sẽ phải xây dựng các khu tái định cư để phục vụ việc di dời dân cư.
Thực tế, lâu nay các khu tái định cư xây dựng trong vùng trung tâm đô thị thường dễ dàng được người dân chấp nhận do có điều kiện sống, phát triển tốt. Ngược lại, các khu tái định cư xây dựng xa khu vực trung tâm thường ít hấp dẫn người dân. Do đó, đối với các dự án tái định cư, để hướng đến mục tiêu kép vừa phục vụ các dự án, vừa “giãn dân” cho vùng trung tâm đô thị thì cần được bố trí quỹ đất đủ lớn. Mục đích là để vừa thực hiện dự án tái định cư vừa có đất phát triển các hạ tầng kỹ thuật và khu dân cư khác.
Minh họa cho quan điểm này, kiến trúc sư Lý Thành Phương cho rằng, nếu chỉ bố trí quỹ đất 5 hécta thì chỉ đủ xây dựng hạ tầng khu tái định cư. Tuy nhiên, chỉ với mỗi một khu tái định cư ở khu vực xa trung tâm thành phố thì người dân có cảm giác “heo hút gió”. Thế nhưng, nếu có thêm các dự án nhà ở ở nhiều phân khúc đi kèm với khu tái định cư sẽ tạo ra khu vực đông dân cư, đủ tiện ích đời sống thì “câu chuyện sẽ khác”. “Đông dân, đủ tiện ích thì người dân sẽ tìm đến sinh sống” - kiến trúc sư Lý Thành Phương nói.
Tương tự, việc phát triển khu vực ngoại vi đô thị để “giãn dân tự nhiên” cho khu vực trung tâm thành phố cũng cần thực hiện theo hướng tạo ra các khu đô thị mới đủ hạ tầng, môi trường sống và phát triển đủ tốt để thu hút người dân. Đây là giải pháp đã được nhiều đô thị lớn áp dụng thành công.
Định hình sớm để tránh lặp lại “bài học cũ”
Đồng Nai hiện vẫn là địa phương có sự tăng trưởng kinh tế cao và ổn định. Điều này khiến tốc độ đô thị hóa tại nhiều địa bàn tiếp tục diễn ra nhanh. Tất nhiên, kéo theo đó, dân số đô thị cũng tăng nhanh.
Kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 tỉnh Đồng Nai cho thấy, tỷ lệ tăng dân số bình quân trên địa bàn tỉnh là 2,2%/năm, cao hơn mức tăng bình quân của cả nước (1,1%). Huyện Nhơn Trạch là địa phương có tỷ lệ tăng dân số bình quân mỗi năm cao nhất tỉnh, tiếp đến là các huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Long Thành. Trong đó, dân số vẫn tăng nhanh và tập trung nhiều ở các khu vực đô thị của các địa phương này.
Do đó, theo một số chuyên gia, để tránh lặp lại bài học tăng nóng dân số gây áp lực lên hệ thống hạ tầng đô thị, việc phát triển khu vực ngoại vi đô thị trung tâm, “đô thị vệ tinh” cần được tính toán và quy hoạch sớm.
Đầu tiên là việc phải xác định được vùng đô thị trung tâm để từ đó quy hoạch được vùng ngoại vi. Bước tiếp theo là bố trí nguồn lực đủ để phát triển hạ tầng vùng ngoại vi. Muốn vậy cần tạo quỹ đất đủ lớn để có thể triển khai các dự án từ đó hấp dẫn người dân đến sinh sống.
Chính quyền đô thị hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện các quy hoạch này. Vấn đề là cần phải có được quy hoạch đúng, sát với thực tế và xác định được việc cụ thể phải làm. “Trong 5 năm tới phải làm gì, 10 năm tới phải làm gì. Phải xác định rõ được như vậy thì mới thực hiện được” - kiến trúc sư Lý Thành Phương góp ý.
Quỳnh Nhi