Báo Đồng Nai điện tử
En

Dồn sức giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt

09:08, 11/08/2019

Sau 3 ngày lũ tràn về, đến sáng 11-8,  chính quyền hai huyện Tân Phú và Định Quán vẫn tiếp tục trực chiến chống lũ và phối hợp với các lực lượng tổ chức giúp người dân khắc phục hậu quả.

Sau 3 ngày lũ tràn về, đến sáng 11-8,  chính quyền hai huyện Tân Phú và Định Quán vẫn tiếp tục trực chiến chống lũ và phối hợp với các lực lượng tổ chức giúp người dân khắc phục hậu quả.

Lực lượng công an, quân sự và địa phương cùng người dân thu gom cá chết đem đi bán với giá rẻ cho một số nơi mua về làm thức ăn gia súc
Lực lượng công an, quân sự và địa phương cùng người dân thu gom cá chết đem đi bán với giá rẻ cho một số nơi mua về làm thức ăn gia súc

[links()]Sau khi nước rút, một số người dân chưa ý thức được sự nguy hiểm nên cố tình quay về nhà để thu dọn tài sản. Cơ quan chức năng khuyến cáo mọi người dân trong khu vực ngập lũ ở huyện Tân Phú, Định Quán phải tuân thủ hướng dẫn và quy định của các cấp chính quyền và lực lượng để đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và tài sản.

* Theo dõi sát mực nước sông tại vùng lũ

Trong những ngày qua, Trung tâm khí tượng thủy văn Đồng Nai liên tục theo dõi, báo cáo về tình hình mực nước sông La Ngà và Đồng Nai ở hai huyện Định Quán, Tân Phú. Điều đáng mừng là mực nước ở thượng lưu sông Đồng Nai đang giảm dần. Vào trưa 11-8, tại trạm Tà Lài (huyện Tân Phú) mực nước đã xuống thấp hơn 0,44m so với mức báo động III (113,5m). Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Đồng Nai, đến chiều 11-8, mực nước tại Trạm Tà Lài tiếp tục xuống, đạt dưới mức báo động II (113m).

Theo đó, mức độ và diện tích ngập tiếp tục giảm dần tại những khu vực thấp ven sông Đồng Nai ở các xã Đắc Lua, Nam Cát Tiên, Núi Tượng, Tà Lài, Phú Thịnh thuộc huyện Tân Phú và các xã Thanh Sơn, Phú Vinh, Phú Tân, Ngọc Định thuộc huyện Định Quán.

Tuy nhiên, hiện mực nước trên sông La Ngà lại đang có xu hướng tăng lên. Dự báo, mực nước tại Trạm Phú Hiệp (huyện Định Quán) trên sông La Ngà biến đổi chậm, duy trì ở mức 105,8-105,9m, cao hơn 0,3-0,4m so với mức báo động II (105,5m).

Lực lượng dân quân xã Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú) di chuyển heo giúp người dân
Lực lượng dân quân xã Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú) di chuyển heo giúp người dân

Theo báo cáo của huyện Tân Phú, đến chiều 10-8, nước sông Đồng Nai đã rút, tình trạng ngập lụt tại các xã Nam Cát Tiên, Núi Tượng, Tà Lài, Phú Thịnh không còn, chỉ còn một số địa điểm bị ngập úng cục bộ. Nhưng do nước Sông La Ngà đang có xu hướng dâng cao nên vẫn gây ngập khoảng 410 hécta lúa thuộc các xã Phú Bình, Phú Thanh, Phú Điền.

Xã Phú Điền hiện đang có diện tích lúa bị ngập lớn nhất của huyện với 300 hécta. Nói về thiệt hại của nông dân trồng lúa trên địa bàn xã, ông Đặng Đức Thuận, Giám đốc Hợp tác xã Đồng Thuận nhận xét: “Do nước ngập sâu, dòng chảy mạnh nên hiện hơn 50% tổng diện tích lúa ở xã bị mất trắng. Những cánh đồng lúa chín, nông dân thu hoạch chạy lũ cũng bị giảm năng suất và chất lượng rất nhiều. Nếu tình trạng ngập lụt này còn kéo dài thì rất khó cứu những diện tích lúa còn lại”.

* Nỗ lực khắc phục thiệt hại

Đến sáng 11-8, dù nước lũ một số khu vực đã rút nhưng tại khách sạn Cat Tien Jungle Lodge (xã Nam Cát Tiên) mực nước vẫn còn cao hơn 1m, nhấn chìm hơn 11 phòng khách sạn, các loại máy móc… đang được để trong tầng hầm. Những khu vực nước rút đã để lại lớp bùn dày từ 5-10cm.

Bà Trần Mỵ Châu, quản lý khách sạn Cat Tien Jungle Lodge cho biết, trong những ngày qua, khách sạn bị cô lập hoàn toàn giữa dòng nước dâng cao hơn 2m. Nhân viên khách sạn, khách du lịch đang lưu trú đều được di chuyển lên tầng cao.

“Tài sản thiệt hại rất lớn, hiện chúng tôi chưa thể thống kê. Nhưng vấn đề trước mắt là chúng tôi rất mong muốn chính quyền địa phương và các lực lượng hỗ trợ để có thể thu dọn tài sản sau khi nước rút hoàn toàn. Đặc biệt việc lau dọn là một trong những vấn đề nan giải vì những lớp bùn rất dày và rác cũng vướng lại rất nhiều” - bà Châu cho hay.

Trao đổi về những giải pháp trước mắt khắc phục hậu quả do mưa lũ gây nên, ông Nguyễn Hữu Ký, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn huyện cho biết, hiện nay nước tại địa bàn vùng ngập lũ đã rút nhiều, không còn gây nguy hiểm cho người dân. Với những khu vực nước rút an toàn thì các lực lượng địa phương đang phối hợp với người dân dọn dẹp lại đường sá, nhà cửa. Đối với những khu vực sát bờ sông, nước còn ngập sâu thì hiện các lực lượng vẫn đang tiếp tục giúp dân xử lý số tài sản còn lại đang mắc kẹt trong nước lũ.

 “Chúng tôi vẫn chưa giải quyết cho người dân quay về nhà thu dọn tài sản để đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng con người. Đồng thời địa phương đang tổ chức kiểm tra giếng nước và phun thuốc tẩy độc để đảm bảo an toàn về nguồn nước. Địa phương tiếp tục cử lực lượng trực chiến, ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra” - ông Ngô Tấn Tài, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán cho biết.

hàng ngàn tấn cá chết và ra ngoài tự nhiên của người dân huyện Định Quán
hàng ngàn tấn cá chết và ra ngoài tự nhiên của người dân huyện Định Quán

Cũng để ngăn ngừa tình trạng trộm cắp, hôi của trên địa bàn, ông Lê Đình Quân, Trưởng công an xã Nam Cát Tiên cho biết, lực lượng chức năng ngoài việc giúp dân dọn dẹp, chủ động trực chiến, còn thường xuyên tiến hành tuần tra quanh địa bàn; đồng thời tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức trong việc giữ gìn tài sản và giúp nhau trong lúc hoạn nạn, góp phần đảm bảo an ninh trật tự địa bàn.

Hiện những khu vực bị lũ cô lập tại huyện Định Quán như: ấp 1 (xã Thanh Sơn) và ấp Hòa Hiệp (xã Ngọc Định) đường sá đã được lưu thông. Hiện chính quyền địa phương đang phối hợp với các lực lượng tổ chức giúp dân khắc phục hậu quả như lau dọn nhà cửa, sửa lại đường sá và chăm sóc vật nuôi. Một số thanh niên khỏe mạnh đã được trở về khu vực bị cô lập để thu dọn, chăm sóc cây cối và vật nuôi được di dời đến nơi an toàn trước đó. Riêng người già, phụ nữ và trẻ em vẫn đang được sinh hoạt tại các nhà nghỉ, nhà văn hóa, trụ sở UBND xã hoặc tá túc tại gia đình một số người dân không bị ngập lụt.

Tố Tâm

 

Tin xem nhiều