Báo Đồng Nai điện tử
En

Nâng tầm hàng hóa địa phương

09:01, 14/01/2019

Trong bối cảnh thị trường ngày càng mở rộng, hội nhập, thị hiếu tiêu dùng của người dân ngày càng nâng cao, sản phẩm của các địa phương cần được nâng cao về chất lượng, mẫu mã...

Trong bối cảnh thị trường ngày càng mở rộng, hội nhập, thị hiếu tiêu dùng của người dân ngày càng nâng cao, sản phẩm của các địa phương cần được nâng cao về chất lượng, mẫu mã...

Quy trình sản xuất trứng gà hiện đại tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ, sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc).
Quy trình sản xuất trứng gà hiện đại tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ, sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc).

Theo đó, doanh nghiệp cần phát huy các sản phẩm thế mạnh đối với hàng hóa Việt nói chung và các sản phẩm thế mạnh của địa phương nói riêng.

* Đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng

Ông Vũ Ðình Trung, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó trưởng ban Chỉ đạo thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh cho hay, theo kết quả các cuộc khảo sát về thói quen, xu hướng sử dụng hàng Việt gần đây, các yếu tố được người tiêu dùng trong tỉnh quan tâm là chất lượng sản phẩm, giá cả hàng hóa, độ an toàn của sản phẩm đối với sức khỏe, nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu, mẫu mã sản phẩm, mức độ truyền thông của sản phẩm… Trong đó, hàng hóa Việt nói chung và hàng hóa được sản xuất trong tỉnh ngày càng được người tiêu dùng quan tâm, có nhiều đánh giá tích cực về mẫu mã, chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, bên cạnh một số doanh nghiệp lớn có thương hiệu đặt nhà máy sản xuất ở Đồng Nai thì hiện nay phần lớn các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, cung ứng các mặt hàng tiêu dùng của Đồng Nai là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa tạo được tính cạnh tranh cao, đang trong quá trình xây dựng các tiêu chuẩn cần thiết để vào các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi lớn. Một số địa phương triển khai thực hiện mang tính riêng lẻ, thiếu sự gắn kết nên chưa phát huy tối đa thế mạnh sản xuất của địa phương.

Bà Lê Kim Bích, phụ trách bộ phận marketing của Công ty TNHH thương mại sản xuất Thiên Triều An (TP.Biên Hòa) chia sẻ, hiện nhu cầu về các loại thức uống đóng chai có lợi cho sức khỏe được người tiêu dùng ngày càng quan tâm nên mở ra nhiều cơ hội phát triển thị trường cho công ty.

Khó khăn hiện nay đối với công ty là thương hiệu còn khá mới mẻ nên kênh tiêu thụ sản phẩm vẫn chủ yếu qua các nhà phân phối, các máy bán hàng tự động… Hiện công ty đang chú trọng hoàn thiện các tiêu chuẩn chất lượng để hướng tới mở rộng thị trường, tìm kiếm cơ hội tại các gian hàng vào các siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh.

Theo ông Phạm Phước Lộc, Phó giám đốc Co.opmart Biên Hòa, hiện nay các sản phẩm có nguồn gốc ở Đồng Nai được bày bán tại siêu thị chủ yếu là các loại thực phẩm, nông sản, trái cây, một số loại đặc sản... Sản phẩm ở Đồng Nai có chất lượng, mẫu mã ngày càng có sức cạnh tranh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp sản xuất ở các địa phương trong tỉnh vẫn còn loay hoay trong hoạt động xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu mang tính bền vững, thiếu các tiêu chuẩn cần thiết... Nhiều loại nông sản, trái cây có chất lượng tốt không thua kém gì các tỉnh miền Tây nhưng lại thiếu các chứng nhận cần thiết như VietGAP để vào siêu thị.

* Cần xây dựng thương hiệu

Ông Lâm Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ, sản xuất và chăn nuôi Thanh Đức (huyện Xuân Lộc) cho biết, để hướng tới các kênh phân phối lớn công ty chú trọng đảm bảo chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn, giấy chứng nhận về chất lượng, an toàn theo các tiêu chí của đối tác mua hàng, các siêu thị lớn.

Hiện nay, lượng cung ứng các sản phẩm trứng của công ty ở Đồng Nai chiếm khoảng 30% tổng lượng sản xuất. Vấn đề cạnh tranh với các mặt hàng cùng loại, giữ vững và mở rộng thị trường là bài toán đòi hỏi công ty phải tính toán kỹ giá thành sản phẩm, cũng như đa dạng thêm các mặt hàng chế biến từ trứng gà, các sản phẩm phụ trợ đi kèm cũng như tăng cường liên kết, thường xuyên đổi mới bao bì, mẫu mã…

Bà Bùi Thị Thanh An, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, để nâng cao thương hiệu các sản phẩm, mặt hàng của Đồng Nai nhất là các mặt hàng nông sản, đặc sản có thế mạnh cần lưu ý đến việc mở rộng hoạt động chế biến, quảng bá chung cho sản phẩm nông sản. Đồng thời, chú trọng xúc tiến thương mại các mặt hàng thế mạnh của địa phương.

Ông Dương Minh Dũng, Giám đốc Sở Công thương cho hay, trong thời gian tới sở sẽ chú trọng hoạt động nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, mẫu mã bao bì của các sản phẩm sản xuất tại địa phương, cũng như tiếp tục mở rộng chương trình hàng Việt, xây dựng nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất hàng hóa tiêu dùng, chế biến nông sản. Bên cạnh đó, sở sẽ phối hợp với các sở, ngành và địa phương triển khai các đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm trên địa bàn.

Hải Quân

Tin xem nhiều